Có vị trí gần TP.HCM, nhiều tiềm năng về sinh thái, lễ hội, văn hóa nên Long An vẫn đang tìm cách phát triển kinh tế du lịch. Trong đó, du lịch nông thôn, trải nghiệm đang là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Bởi đây là loại hình du lịch cộng đồng, chủ yếu dựa vào thế mạnh của từng địa phương.
Ông Trương Văn Sang, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Long An và PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM (phải) cùng hợp tác triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh Long An
TP.HCM hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn của tỉnh Long An
Vừa qua, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã có buổi làm việc với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An). Tại buổi làm việc, đại diện 2 bên đã cùng nhau thảo luận và thống nhất triển khai thực hiện một số nội dung trong năm 2024 về việc hợp tác triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh Long An.
Theo đó, trong năm 2024 hai bên thống nhất phối hợp thực hiện kế hoạch tư vấn, hỗ trợ hình thành sản phẩm du lịch nông thôn, xây dựng tour du lịch tham quan làng nghề, làng nghề truyền thống, mua sắm và thưởng thức đặc sản Long An. Thuê chuyên gia, giảng viên du lịch phối hợp khảo sát, xây dựng tour du lịch nông thôn, tour du lịch tham quan làng nghề, nghề truyền thống tại tỉnh Long An.
PGS.TS Lâm Nhân, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng đã giao cho Khoa Du lịch của trường chủ động triển khai thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch nông thôn của tỉnh Long An, đồng thời kỳ vọng với sự hợp tác này, Khoa Du lịch của trường sẽ hỗ trợ và giúp cho ngành du lịch của tỉnh Long An có thêm những sản phẩm du lịch nông thôn mới lạ, hấp dẫn để thu hút khách du lịch đến với tỉnh Long An trong tương lai.
Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa)
Trước đó, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết, TP.HCM và Long An đã có những ký kết hợp tác để đẩy mạnh phát triển du lịch giữa hai đơn vị. Hiện nay, Long An cũng là thị trường thu hút du khách TP.HCM với các sản phẩm chủ lực như: du lịch đô thị, du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa – lịch sử và kết nối đến các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM rất chú trọng khai thác chương trình du lịch đến Long An, tập trung vào sản phẩm cho kỳ nghỉ cuối tuần hoặc theo chương trình yêu cầu riêng của du khách.
Long An được biết đến với đôi dòng Vàm Cỏ xuất hiện trong nhiều tác phẩm thi ca, âm nhạc cùng truyền thống văn hóa lịch sử. Tỉnh hiện có 123 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 102 di tích cấp tỉnh, 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều lễ hội và làng nghề truyền thống cùng những di sản văn hóa phi vật thể khác. Tỉnh có hệ sinh thái đặc trưng vùng ngập nước, nổi bật với các giá trị cảnh quan như rừng tràm, lau sậy, đầm sen, hoa súng, sông nước, vườn cây trái, những cánh đồng lúa, rau màu và nhiều loại động vật.
Theo đó, các điểm đến của Long An đang thu hút du khách các tỉnh, thành phố trên cả nước như Làng cổ Phước Lộc Thọ (huyện Đức Hòa), Khu phức hợp giải trí Happyland (huyện Bến Lức), Vườn thú Mỹ Quỳnh (huyện Đức Hòa), Công viên nước Dino Water Park (huyện Đức Hòa), Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa), Làng mai Tân Tây (huyện Thạnh Hóa) là một trong những điểm nhấn để xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng cho địa phương. Ngoài ra, các khu di tích lịch sử – văn hóa và bảo tàng tỉnh cũng đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử.
Du lịch phim trường ở Long An
Trong những năm gần đây, công nghiệp phim ảnh Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, không chỉ tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng mà còn đóng góp quan trọng vào việc phát triển du lịch địa phương. Một trong những điểm sáng nổi bật của xu hướng này chính là loại hình du lịch phim trường tại Long An.
Phim trường “Cánh đồng bất tận” (huyện Mộc Hóa) là điểm tham quan thu hút du khách khi đến Long An
Long An hiện trở thành một địa điểm lý tưởng cho các đoàn làm phim. Nơi đây sở hữu nhiều phim trường nổi tiếng như: Phim trường cổ trang Long An, Phim trường Kong Skull Island, Phim trường Cánh đồng bất tận và nhiều bối cảnh tự nhiên đẹp mắt khác. Những phim trường này không chỉ là nơi sản xuất những bộ phim ăn khách mà còn mở cửa đón du khách tham quan, trải nghiệm.
Những bộ phim được quay tại Long An như “Cô Ba Sài Gòn”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Cánh đồng bất tận”, “Mắt biếc”… đã thu hút một lượng lớn người hâm mộ và du khách đến tham quan các bối cảnh trong phim. Nhờ đó, du lịch phim trường ở Long An không chỉ giúp quảng bá hình ảnh địa phương mà còn tạo ra nguồn thu lớn từ dịch vụ du lịch.
Ông Trương Văn Sang, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An) cho biết: “Du lịch phim trường mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo và mới lạ. Tại các phim trường ở Long An, du khách có thể thỏa sức khám phá các bối cảnh phim, hóa thân thành những nhân vật yêu thích, chụp ảnh kỷ niệm và thậm chí tham gia vào quá trình sản xuất phim. Những trải nghiệm này không chỉ thú vị mà còn giúp du khách hiểu thêm về nghệ thuật làm phim. Sự phát triển của du lịch phim trường đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, từ các công việc trực tiếp tại phim trường như hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ đến các ngành dịch vụ liên quan như nhà hàng, khách sạn, và vận chuyển. Bên cạnh đó, việc đón tiếp các đoàn làm phim cũng giúp tăng doanh thu cho các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống tại địa phương”.
Công nghiệp phim ảnh đã và đang góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch địa phương tại Long An thông qua loại hình du lịch phim trường. Sự kết hợp giữa nghệ thuật và du lịch không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách. Với tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của cả hai ngành, Long An chắc chắn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách và các đoàn làm phim trong thời gian tới.
Anh Khôi
Bình luận (0)