Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lồng đèn bánh ú…

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

(Viết cho má…)

Sài Gòn những ngày trung thu về đèn xe lấp lánh. Bầy trẻ con xách lồng đèn hò reo rộn vang con hẻm nhỏ.Ai bảo Sài Gòn không có trăng, con bé vẫn tìm được cho riêng mình một góc. Sân thượng ngập tràn ánh trăng và lồng lộng gió. “Tùng… dinh… dinh… tùng… tùng tùng… dinh… dinh…”. Chợt thấy lòng… phân bì, tiếng hò reo này từng là của mình vào nhiều năm trước.

Hồi ấy, nhà có đến 5 anh em. Mỗi đứa cách nhau mỗi cái đầu. Trung thu năm nào mẹ cũng tự vót tre cột rồi dán một lượt năm cái lồng đèn phát từ đứa lớn đến đứa nhỏ. Mẹ biết dán lồng đèn hình ngôi sao và kiểu con cá nữa, nhưng biết thể nào 5 anh em cũng so bì rồi giành nhau nên mẹ làm luôn một loạt 5 cái lồng đèn hình bánh ú. Trong trí óc non nớt của mấy anh em lúc bấy giờ, đó là những chiếc cái bánh ú to nhất từng biết. Những chiếc bánh ú không thể… ăn được. Nhưng mẹ cũng đã không ngờ được, tụi nhỏ vẫn giành nhau. Lý do là “lồng đèn anh Hai cái chùm hoa treo lủng lẳng ở các đỉnh bánh ú đẹp hơn của bé Ut”… Mấy cái lồng đèn được dán bằng giấy kiếng nhiều màu xanh đỏ khi thắp nến tỏa lấp lánh nhiều màu sắc thích mắt nên luôn rơi vào tầm ngắm nhiều nhất. Mẹ hiểu vậy, mọi việc sẽ đơn giản hơn nếu dán tất cả lồng đèn bằng giấy kiếng hết. Nhưng ngặt nỗi, hồi ấy, người ta chỉ bán mỗi loại giấy màu để cắt thủ công thông thường. Những tấm giấy kiếng xanh đỏ tím vàng… ấy thực ra là giấy bọc bánh in mà người ta hay mua về thờ cúng mỗi dịp lễ tết. Mấy năm sau mẹ rút kinh nghiệm, chia ra dán xen kẽ mỗi lồng đèn một ít “giấy quý”. Nhưng trẻ con mà, thể nào cũng tìm được cái khác biệt của “địch thủ” để… khóc lóc tranh giành (Cái chiêu này tôi hay sử dụng với anh trai nhất). Có khi “cuộc chiến” quyết liệt quá, mẹ phải dùng roi “phân xử” mới tạm yên. Những ngày càng gần trung thu, chúng tôi thường mong đêm mau kéo đến để được tung tăng rước đèn cùng chúng bạn… Mấy đứa hàng xóm khác cũng được mẹ cha chúng dán cho lồng đèn. Với chúng tôi, đó là một niềm hãnh diện.

Hằng năm, trung thu vẫn mang về niềm vui cho trẻ nhỏ. Nhưng chợt nhận ra, niềm háo hức rước đèn vòng quanh làng xóm giờ đã không còn dành cho “người lớn” như mình. Giờ, trẻ nhỏ tung tăng với lồng đèn xài pin có cả tiếng nhạc rộn ràng. Chúng không phải vừa rước đèn vừa rón rén đi từng bước để gió khỏi hắt vào làm tắt lửa đèn cầy như  tụi tôi hồi trước. Rồi cũng không phải bị sáp đèn cầy nóng chảy làm bỏng tay mỗi lần mồi hoặc thay đèn cầy… Đi ngang nhiều hàng quán những ngày này, dễ dàng bắt gặp những ánh mắt trẻ rạng ngời khi được ba mẹ đưa đi sắm lồng đèn đón tết. Ngày càng có những kiểu lồng đèn đẹp. Nhưng, chỉ có lồng đèn bánh ú của mẹ là “không đụng hàng” với bất kỳ chiếc lồng đèn nào khác. Trong thâm tâm các anh em  tôi, đó là những chiếc cái bánh ú to nhất từng biết. Những chiếc bánh ú không thể… ăn được. Những chiếc “bánh ú” luôn theo chúng tôi trên vạn nẻo đường đời…

NHÓC BAN MÊ

Bình luận (0)