Năm 2004, với sự hỗ trợ quốc tế, cây ca cao được khởi động ở Việt Nam với các bước khá căn cơ, quy hoạch đến 2020 là 50.000ha. Hiện nay con số này khoảng 25.000ha, tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên, chủ yếu trồng xen vào vườn dừa, điều, cà phê, cây ăn trái… 10.000ha trong số này đã thu hoạch, với 5.000 tấn hạt.
Theo dự báo, nhu cầu sử dụng hạt ca cao trên thế giới đang tăng, đặc biệt là vùng Trung Đông, Brazil, Nga, Ukraine, Trung Quốc trong khi sản lượng toàn cầu không tăng nhiều. Nhưng ca cao có số phận khá long đong so với cây trồng khác.
Ca cao trồng ở tỉnh Bến Tre. Ảnh: Cao Thanh
Không phải mới
Thời gian qua khá ồn ào về cây ca cao bị chặt bỏ khoảng 3.000ha, trong đó, Bến Tre, tỉnh trồng ca cao lớn nhất, 10.000ha, diện tích bị giảm khoảng 1.300ha. Do giá ca cao giảm xuống còn 30.000 đồng/kg so với trước đó 45.000 đồng/kg nên có người cho rằng, vì giá thấp nên nông dân chặt bỏ để trồng cây khác như bưởi da xanh. Nhưng theo Cục Trồng trọt, diện tích sụt giảm có nhiều nguyên nhân, hao hụt khi trồng như bao loại cây khác, không ít diện tích trồng trên vùng đất không phù hợp, như vùng nhiễm mặn ở Bến Tre và tất nhiên phần chính do giá giảm. Thế nhưng giá mua hiện nay đã tăng trở lại, lên hơn 50.000 đồng/kg.
So với các cây trồng khác, ca cao có số phận khá long đong khi không còn diện tích trống để trồng thuần, bị cây cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn trái, kể cả cây điều cạnh tranh gay gắt, chưa được nhìn nhận là cây trồng chính. Tiến sĩ Nguyễn Trung Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông quốc gia, Trưởng ban Điều phối Ca cao Việt Nam, cho rằng, thách thức của cây ca cao không nhỏ, không được ưu tiên vùng đất tốt so với cao su, điều, hồ tiêu… vì đi sau. Diện tích lại nhỏ lẻ, do mới nên vừa trồng vừa tìm hiểu, tập huấn quy trình kỹ thuật chưa đồng bộ, chưa theo sát thực tế, người dân thiếu vốn đầu tư; nông dân cảm thấy thu nhập từ ca cao không hấp dẫn, nên càng thiếu sự chăm sóc đúng mức, con số này chiếm khoảng 50% diện tích. Theo khảo sát, những hộ làm tốt, sản xuất theo tiêu chuẩn của UTZ năng suất tăng 15%/năm, chất lượng cũng được nâng lên. Một hạn chế khác, khi giá giảm, việc minh bạch giá cho nông dân rất quan trọng. Đại lý mua thấp để trừ hao, làm chênh lệch càng lớn. Để hài hòa giữa người trồng với khâu trung gian và sơ chế phải được xác lập thông qua việc công khai giá của các nhà máy, để người trồng nắm bắt. Hệ thống thu mua chưa đều cũng là vấn đề cần khắc phục để giúp cây ca cao phát triển vững chắc. Theo chủ trương của Bộ NN-PTNT, cây ca cao trồng xen là chính, tập trung ở miền Tây và Đông Nam bộ, đặc biệt Tây Nguyên, với diện tích cà phê già cỗi.
Định vị hạt ca cao
Theo tỉnh Bến Tre, cây ca cao nếu được chăm sóc đúng sẽ cho thu nhập tương đương cây trồng chính. Vì vậy, tỉnh vẫn có niềm tin với “cây trồng mới” này. Tỉnh hỗ trợ 40% giá giống nhưng không trực tiếp, các hộ đăng ký trồng hoàn chỉnh khi nghiệm thu mới được hỗ trợ. Như vậy sẽ giúp ca cao phát triển tốt và vững chắc hơn. Việc khánh thành Nhà máy sơ chế Puratos Grand-Palace Việt Nam tại Bến Tre hy vọng giúp hoàn chỉnh hệ thống thu mua và giúp bà con yên tâm hơn. Việc cạnh tranh các cây trồng là điều không tránh khỏi. Đại sứ Bỉ tại Việt Nam cho rằng, để ca cao phát triển bền vững cần tạo thêm thu nhập cho nông dân, muốn vậy cần có sự nghiên cứu, đầu tư bài bản nhằm nâng cao giá trị gia tăng hạt ca cao, không xuất thô mà phải sơ chế. Đồng quan điểm này, ông Gricha Safarian, Tổng Giám đốc Puratos Grand-Palace Việt Nam cho rằng, nâng cao thu nhập cho người trồng có nhiều cách, ngoài giá mua hạt theo thị trường, nếu sản xuất theo chứng nhận UTZ giá cao hơn. Cùng là ca cao thô nhưng đạt nhiều chỉ tiêu, giá trị hạt sẽ tăng lên. Nếu ca cao thô có thêm xuất xứ hàng hóa sẽ giúp nâng cao giá trị hạt, đạt thêm chất lượng tốt, giá mua sẽ tăng. Nếu trồng có thêm chứng nhận về trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm môi trường giá càng tăng thêm. Đây là tiến trình mà Việt Nam nên hướng đến để giúp nâng cao thu nhập người nông dân. Cũng theo ông Gricha Safarian, chất lượng ca cao trồng các nước được phân chia theo từng thang bậc, thấp nhất là hạt ca cao Indonesia do không lên men, kế đến là ca cao lên men đại trà ở các nước như Ghana, Bờ Biển Ngà, Brazil và Việt Nam. Ca cao hương vị tốt như Ecuador, Venezuela, Dominique. Và ca cao hương vị hảo hạng như tại Trinidad, Madagascar. Việt Nam cần phải định vị và chuyển lên bậc ca cao có hương vị tốt nhằm có giá trị cao hơn. Phải có giải pháp phù hợp, đồng bộ cả về giống, kỹ thuật và tập huấn người trồng mới nâng cao thu nhập người trồng, qua đó cây ca cao có điều kiện phát triển bền vững.
CÔNG PHIÊN (SGGP)
Bình luận (0)