Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Long đong phận tân cử nhân chờ việc

Tạp Chí Giáo Dục

Vứt phịch chiếc mũ bảo hiểm xuống đất, uống cạn cốc trà đá, Việt Dũng, chàng cử nhân “mới toanh” của Trường đại học Luật Hà Nội hổn hển nói không thành tiếng: “Hôm nay là tròn một tháng làm xe ôm, vất vả đủ bề nhưng… còn hơn ở nhà chịu đói”.

Hành nghề xe ôm là một cách "cứu đói" của các tân cử nhân chờ việc

Rải hồ sơ bất thành, đành theo nghiệp… xe ôm
Trễ hẹn với chúng tôi gần nửa tiếng, Dũng, cậu thanh niên quê Nghệ An có dáng người nhỏ thó, nước da cháy đen cùng gương mặt khắc khổ cười “nhăn nhó”: “Anh thông cảm, hôm nay em ngồi cả ngày mới được một cuốc nên cố kiếm vài đồng”.
Xoay tròn cốc nước trên tay, Dũng chậm rãi tâm sự với chúng tôi về cái duyên bén nghề. Ngày mới ra trường, cậu cũng hùng hục làm hồ sơ đi rải khắp nơi. Lúc đầu, thậm chí chàng cựu sinh viên khoa kinh tế, Đại học Luật Hà Nội còn thấy vui vui bởi lần đầu được sống trong cảm giác là lạ, vừa mong chờ, vừa hồi hộp lo lắng khi đâm đơn xin việc.
“Tính ra, em đã làm tới gần 20 bộ hồ sơ gửi đi khắp nơi nhưng càng ngày, hy vọng xin được việc cứ dần tàn lụi đi…”, Dũng thở dài rầu rĩ.
Nhớ lại ngày đầu tiên vào nghề “xế ôm”, Dũng kể: “Hôm đó, em đang ngồi quán nước phía đầu đường Nguyễn Trãi thì có người vào hỏi thăm chỗ bắt xe ôm. Đang đói meo, túi lại rỗng nên em liều xung phong. Chở người ta ra gần chợ Mơ cũ, được 25.000 đồng, vậy là ăn được cả ngày”.
Ấy vậy, nhưng công việc trái nghề với cậu sinh viên mới chập chững ra trường cũng có không ít “gió bụi”. Ngày nào may thì được vài chục nghìn không thì cũng nằm dài, ấy là chưa kể những ngày đầu mới đi làm còn bị mấy tay “ma cũ” trong khu vực đuổi đánh.
“Xin xỏ hết hơi và mất kha khá khoản “lót tay” mới được yên thân ở bên lề đường này đấy anh ạ, không phải là muốn là đứng ra làm xe ôm đâu”, Dũng hấp háy mắt chỉ về phía mấy tay đồng nghiệp đằng xa.
Đang vui câu chuyện, Dũng chợt lặng đi khi chúng tôi hỏi về gia đình, nhìn xa xăm ra con đường Nguyễn Trãi buổi ban trưa nắng như đổ lửa, cậu nghèn nghẹn kể: “Nhà có hai anh em ngoài Hà Nội. Bình thường có anh đi làm ở công ty du lịch, hai anh em cũng đủ sống.
Thế nhưng…trời hành sao mà người anh lại bị tai nạn trong đợt dẫn "tour" đi Hòa Bình hồi đầu tháng. Vậy nên, trong lúc em chưa tìm được việc thì sống chết cũng phải theo nghiệp “ôm” này”, Dũng trầm ngâm.
Thực tế, có không ít sinh viên mới ra trường cũng đang phải chịu cảnh long đong, trái nghề tới mức “phũ phàng” như Dũng.
Gặp Quý Vượng, một “cò sim” điện thoại, cựu sinh viên trường đại học Ngoại thương vừa tốt nghiệp cách đây ba tháng, cậu cười nhạt nói: “Mãi không kiếm được việc như ý nên chấp nhận ở nhà làm “cò”.
Mỗi hợp đồng cho sim hòa mạng trả sau thực hiện thành công, mình được chia 70.000 đồng. May lắm thì một tháng mình làm được 20 hợp đồng, đó là vận động hết nước hết cái cả người thân rồi. Cũng chỉ đủ tiền điện thoại, xăng xe nhưng… có còn hơn không”.
Mang tiếng là cử nhân ngoại thương, một trong những trường khá “ấm” với tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành nghề cao nhưng Vượng tâm sự: “Lúc đầu mới ra trường mình cũng hào hứng lắm vì được nhận vào cơ quan khá có tiếng, nhưng càng làm càng nản, lương thấp, không khí thì căng thẳng nên thà ở nhà làm cò sim qua ngày còn thoải mái hơn”.
Quay về trường trú “bão”
Trong khi nhiều tân cử nhân nghèo phó mặc cho dòng đời xô đẩy, mưu sinh bằng mọi nghề thì cũng có không ít sinh viên mới ra trường chọn con đường yên bình hơn: thi cao học hoặc học văn bằng 2.
Nghe ra, đó có vẻ là sự lựa chọn không tồi. Tuy nhiên, với nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, học cao học hay văn bằng 2 chỉ là biện pháp tình thế hay trốn tránh những khó khăn trước mắt.
Linh Chi, sinh viên khoa tiếng Nga khoá 2005-2009, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cười to khi chúng tôi hỏi lý do quyết định thi cao học: “Thi cao học á, chính mình cũng không biết lý do thực sự nữa là. Mình không nghĩ bản thân kém tới mức không nơi nào nhận. Nhưng thực tế mình đã nộp hồ sơ và đi phỏng vấn vài nơi nhưng hình như chưa có duyên. Ở nhà nhiều cũng “nhão” người nên mình đi thi thôi”.
Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, trường đại học vẫn là nơi “trú bão” của không ít sinh viên mới ra trường. Gặp lại Thế Hùng, anh chàng sinh viên khoa Triết học K25, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cười méo mó kể: “Thật sự từ hồi đi học mình đã không biết sẽ làm gì khi ra trường. Tốt nghiệp rồi cũng lang thang qua nhiều cơ quan khác nhau. Toàn công việc văn phòng, không liên quan gì tới ngành đã học và chán nản vô cùng. Bạn bè xui thi văn bằng 2 báo chí thế là tặc lưỡi làm theo. Vậy là đỡ phải đau đầu tìm việc”.
Sau vài tháng bôn ba, Hùng ngậm ngùi chiêm nghiệm: “Ngày trước học trong trường thì chỉ mong được nhanh tốt nghiệp để tự do bay nhảy. Nhưng giờ thì mới thấu không đâu bằng trường mình. Được đi học lại thấy vững dạ và an tâm lạ thường. Mọi khó khăn cứ để lùi lại vài năm nữa rồi tính” .
Theo Xuân Dũng
Vietnam+

Bình luận (0)