Hợp tác công tư về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng mới đã được một số trường CĐ nghề thực hiện. Theo đại diện các trường, sự hợp tác này là cần thiết trong bối cảnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) khó khăn như hiện nay.
Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành nghề hàn tại Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương |
Tranh thủ hợp tác công tư
Mới đây, Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2, Công ty TNHH Bosch Việt Nam và Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) đã ký kết hợp tác thỏa thuận nội dung trên. TS. Trương Anh Dũng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá cao sự hợp tác này, tạo cơ hội để các trường phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung.
Đánh dấu bước đầu của sự hợp tác, Việt Nam và Đức đã chọn Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 xây dựng Trung tâm đào tạo nghề xuất sắc với kỳ vọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường. Đây là môi trường lý tưởng để triển khai thí điểm mô hình đào tạo quốc tế mà các trường đang hướng đến nhằm khẳng định mình trong hệ thống GDNN hiện nay. Theo đó, trung tâm sẽ sử dụng vốn ưu đãi để trang bị các thiết bị, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trường nghề, người hướng dẫn và đánh giá sinh viên tại doanh nghiệp… theo tiêu chuẩn dạy nghề của Đức.
Ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2) cho biết để đáp ứng yêu cầu công nghệ mới trong đào tạo nghề, đặc biệt là đối với các ngành công nghệ kỹ thuật mới, trường chủ động liên kết với doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI để nắm xu hướng phát triển của họ. Từ đó có hướng cập nhật, hiệu chỉnh chương trình đào tạo, bổ sung các mô đun, môn học về IT, AI, robot… vào chương trình.
TS. Jugen Hartwig (Tổ chức hợp tác Đức – GIZ) cho biết trước những đòi hỏi của thị trường nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, nhất là thị trường lao động tại Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM, GIZ sẽ tài trợ kinh khí cho các hoạt động đào tạo giáo viên và đào tạo thí điểm cho người tham gia dạy nghề tại doanh nghiệp.
TS. Trương Anh Dũng cũng cho biết việc lồng ghép các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào chương trình đào tạo là sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Sự hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp Đức để xây dựng chương trình đào tạo nghề tại Việt Nam là cơ hội để các trường tìm cho mình chỗ đứng trong việc cung cấp cho người học các ngành nghề cũng như cho thị trường lao động.
Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho biết việc hợp tác triển khai các chương trình đào tạo nghề tiên tiến là bước chuẩn bị cho việc lồng ghép các ngành công nghiệp 4.0 vào chương trình đào tạo. Các nội dung liên quan đến các ngành công nghiệp 4.0 lồng vào chương trình nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết bên cạnh chuyên môn, tạo điều kiện cho người học làm quen với các tình huống phức tạp và có hướng giải quyết tốt.
Thiết kế chương trình phù hợp với điều kiện thực tế
Theo lãnh đạo Tổng cục GDNN, đến thời điểm này Việt Nam đã và đang nhập 12 chương trình đào tạo nghề tiên tiến của Đức, tập trung vào các ngành nghề công nghiệp. TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) nhìn nhận: Nhu cầu sinh viên học các chương trình dạy nghề tiên tiến ngày một tăng xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Vì vậy, với chương trình đào tạo sẵn có, thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo hoàn chỉnh, có mô đun, học phần về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là điều tất yếu. Qua đó khẳng định thương hiệu của trường với xã hội, đặc biệt là với thị trường lao động trong và ngoài nước. “Cũng như Nhật Bản và Úc, chương trình đào tạo nghề luôn lồng ghép các nội dung liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trang bị cho người học kiến thức chuyên môn, đồng thời là những kỹ năng cần thiết mà khi ra trường, sinh viên có thể bắt tay vào làm việc ở bất cứ môi trường nào. Thực tế, sinh viên Việt Nam học chương trình tiên tiến đều được tuyển dụng ngay trong thời gian thực tập”, TS. Nguyễn Thị Hằng khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đánh giá cao mô hình hợp tác đào tạo của Đức trong đào tạo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP. Ông Lâm cũng kỳ vọng, trong thời gian tới các trường TC-CĐ sẽ chủ động tìm kiếm doanh nghiệp, đối tác triển khai mô hình đào tạo của Đức cho ngành chế tạo cơ khí và cơ điện tử. Đây là hai ngành đang khan hiếm nguồn nhân lực và để lấp vào chỗ trống, các doanh nghiệp phải tự tuyển dụng lao động và đào tạo lại.
“Mô hình đào tạo nghề của các quốc gia có tiên tiến đến đâu nhưng khi áp dụng tại Việt Nam, tùy vào đặc thù của từng ngành nghề cũng như điều kiện cụ thể của các trường cần phải rà soát, đánh giá và thiết kế chương trình trước khi đưa vào thí điểm”, ông Lâm lưu ý.
T.Anh
Bình luận (0)