Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lồng ghép kỹ năng sống vào tiết học

Tạp Chí Giáo Dục

Một giờ học có lồng ghép KNS tại lớp 12A14 Trường THPT Trần Khai Nguyên
Giáo dục kỹ năng sống (KNS) cho học sinh (HS) là một trong những chủ trương được Bộ GD-ĐT định hướng cho trường phổ thông đưa vào thực hiện trong chương trình chính khóa những năm gần đây. Việc lồng ghép KNS vào từng môn học đã được bộ soạn thảo thành tài liệu hướng dẫn giúp giáo viên (GV) trong quá trình giảng dạy.
Thực hiện theo chủ trương và định hướng đó, từ năm học 2010-2011, Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM) đã khuyến khích GV lồng ghép KNS vào các môn học dựa trên tài liệu do Bộ GD-ĐT soạn thảo. Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với cô Phạm Thị Nga (GV bộ môn văn Trường THPT Trần Khai Nguyên) về công việc “bếp núc” chuẩn bị cho tiết dạy có lồng ghép KNS trong môn văn.
Theo cô Nga, thành công trong một tiết dạy bình thường không phải là điều đơn giản, và để có một tiết dạy có lồng ghép những kỹ năng lại càng khó hơn rất nhiều. Chính điều này đòi hỏi GV phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về giáo trình lẫn tâm lý để tiết dạy đạt được kết quả nhất định. Đầu tiên là việc chuẩn bị cho chính bản thân GV. Cô Nga phân tích: “Để làm công việc này, tôi đã nghiên cứu kỹ tài liệu giáo dục KNS để hiểu rõ hơn về khái niệm này vì nó khá trừu tượng và còn xa lạ đối với nhiều GV. Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ, tôi nhận ra các GV đã sử dụng một vài phương thức trong quá trình dạy như hướng dẫn HS thảo luận, làm việc theo nhóm, thuyết trình… Tuy nhiên, những phương thức này còn nhỏ lẻ và chưa kết hợp với nhau nên chưa phát huy tối đa tính sáng tạo và tích cực của các em. Bên cạnh đó, tôi còn tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, nhất là những người có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm về cách tổ chức lớp, tổ chức HS cùng tham gia làm việc. Ngoài ra, tôi còn phân loại HS để phù hợp với từng phương pháp giảng dạy, bởi không phải lớp nào cũng sử dụng được việc lồng ghép KNS vào bài giảng. Ví dụ, với lớp có nhiều HS năng động, tôi sẽ cho các em cùng thuyết trình, thảo luận nhóm. Ngược lại, với lớp có nhiều HS thụ động, tôi cho các em chơi những trò chơi nhỏ mà phần thưởng là điểm số, tràng pháo tay của HS hay thậm chí là một bài hát của một HS trong lớp…”. Về giáo án giảng dạy, cô Nga cho biết phải chuẩn bị một giáo án bình thường và một giáo án điện tử. Giáo án bình thường giúp GV phân chia thời gian và các yêu cầu cần thiết cho một bài giảng; còn giáo án điện tử là phần sẽ được trình chiếu nên gần gũi với các em HS. “Vì thế tôi thường sử dụng nhiều trò chơi, câu đố, hình ảnh minh họa thật hấp dẫn để thu hút sự chú ý của HS. Ngoài ra, tôi còn chọn một số trò chơi đơn giản để gợi sự hứng thú của tất cả các em. Tất nhiên, những trò chơi này đều mang những dữ liệu liên quan đến bài học”, cô Nga nói.
Thông thường, giờ văn có lồng ghép KNS thường rơi vào giờ làm văn và tiếng Việt. So với văn học, hai phân môn này có vẻ khô khan và trầm lặng, nếu dạy theo cách dạy truyền thống sẽ không tạo được hứng thú cho các em HS. Do đó, trước khi lựa chọn một tiết dạy có lồng ghép KNS, cô Nga thường hỏi ý kiến HS xem các em muốn được học bài nào, phần nào. Điều này sẽ khiến GV nắm bắt được nhu cầu của HS và cũng khiến các em thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình đối với giờ học. Ngoài ra, cô cũng có thể lựa chọn một chủ đề gần gũi với cuộc sống hằng ngày để hướng dẫn các em thực hiện như bạo lực học đường, các vấn đề xã hội nóng bỏng, trách nhiệm của người thanh niên… Sau khi chọn xong bài giảng, cô chia lớp ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm sẽ đảm nhận một nhiệm vụ chuẩn bị khác nhau cho bài học. Từ nhiệm vụ được giao đó, các em HS sẽ phân công từng thành viên trong nhóm phụ trách các phần việc như thu thập tài liệu, làm Powerpoint, cử người thuyết trình, phản biện… cách lồng ghép này sẽ khiến các em phát hiện, rèn luyện những kỹ năng giao tiếp, ứng xử, truyền thông, thực hành CNTT… Cô Nga cho biết những đề tài mà cô giao cho HS khá gần gũi với đời sống xã hội nên các em dễ dàng tìm kiếm tư liệu trên internet, sách báo và thu thập ý kiến thầy cô, bạn bè qua hình thức phỏng vấn. Khi một nhóm HS thuyết trình thì nhóm còn lại sẽ lắng nghe và phản biện lại ý kiến của bạn. Điều này sẽ giúp HS học được cách ứng xử, hướng các em tới những tình huống có thể xảy ra hằng ngày.
“Một giờ học có lồng ghép KNS thành công thường khá ồn ào bởi sự cộng hưởng nhiệt tình của tất cả thành viên trong lớp. Do đó, tôi luôn lường trước các mức độ này và đặt ra những quy tắc để lớp học giữ trật tự khi cần thiết. Đó là những hiệu lệnh từ chiếc còi, cây thước hay bất cứ vật dụng nào có thể phát ra âm thanh để ổn định lớp học. Và đó cũng là lúc vai trò của GV được phát huy hơn lúc nào hết”, cô Nga chia sẻ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

Khi một nhóm HS thuyết trình thì nhóm còn lại sẽ lắng nghe và phản biện lại ý kiến của bạn. Điều này sẽ giúp HS học được cách ứng xử, hướng các em tới những tình huống có thể xảy ra hằng ngày.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)