Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với các cuộc vận động, hoạt động ngoại khóa và những phong trào thi đua lớn của ngành giáo dục trong năm 2021.
Một hoạt động nhằm tuyên truyền, hướng dẫn sinh viên tìm hiểu kiến thức pháp luật về giao thông
Đây là nội dung được nhấn mạnh trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2021 của ngành giáo dục vừa được Bộ GD-ĐT ban hành.
Kế hoạch này cũng tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác. Cụ thể, các sở GD-ĐT có nhiệm vụ tổ chức phổ biến kịp thời, thường xuyên các quy định pháp luật mới về giáo dục; tăng cường theo dõi, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, các văn bản chỉ đạo của ngành. Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các văn bản pháp luật mới ban hành trong năm 2020, 2021 liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT.
Tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân, báo cáo viên… Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kiến thức pháp luật tại các cơ sở giáo dục.
Chỉ đạo giáo viên bộ môn chú ý lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng một cách hợp lý; phối hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, gắn việc giảng dạy và học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế.
“Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường cần phù hợp lứa tuổi, góp phần xây dựng và hình thành thế hệ trẻ có văn hóa, lối sống lành mạnh, có lòng yêu nước và luôn tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật” – văn bản nêu. |
Thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, giáo viên dạy môn giáo dục công dân trong các cơ sở giáo dục phổ thông; có kế hoạch chuẩn hóa đội ngũ nêu trên, tạo điều kiện để báo cáo viên pháp luật, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật. Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung các phương tiện, thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác phổ biến giáo dục pháp luật; phổ biến kinh nghiệm ở những nơi làm tốt công tác này, nghiên cứu những mô hình hay, cách làm hiệu quả để áp dụng, nhân rộng.
Các cơ sở giáo dục ĐH, trường sư phạm (gọi chung là cơ sở giáo dục) cũng có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo về đổi mới quản lý giáo dục ĐH, các văn bản mới ban hành liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của nhà trường… Rà soát, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên giảng dạy môn pháp luật đại cương. Khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên cơ sở giáo dục tham gia làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và tham gia vào phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân tại địa phương. Rà soát, sửa đổi, bổ sung giáo trình, tài liệu giảng dạy cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của sinh viên và đổi mới việc học, thi, kiểm tra, đánh giá môn học pháp luật đại cương. Đa dạng hóa các hình thức giáo dục pháp luật ngoại khóa cho sinh viên. Đổi mới và lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp để phổ biến cho sinh viên trong tuần sinh hoạt công dân – sinh viên.
Thục Trân
Bình luận (0)