Xanh hóa đào tạo nghề đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm thực hiện từ hàng chục năm trước. Tại Việt Nam, nội dung này cũng được triển khai những năm gần đây, tuy nhiên chưa được áp dụng theo tiêu chí quốc tế, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng xanh bền vững.
Bà Ngô Quỳnh Xuân (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Du lịch Sài Gòn) phát biểu tại buổi tập huấn |
Đó là nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước tại chương trình tập huấn cán bộ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) về xanh hóa cơ sở GDNN do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức – GIZ tổ chức ngày 11-7. Đây là hoạt động thuộc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam.
Đào tạo kỹ năng xanh
Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng giáo dục nói chung và đào tạo nghề nói riêng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững. Bởi chính lực lượng lao động có tay nghề là những người xử lý vấn đề năng lượng và tài nguyên tại nơi làm việc một cách hiệu quả nhất và ngăn chặn các rủi ro, thiệt hại môi trường. Cũng chính lao động có tay nghề là những người áp dụng đúng quy cách các công nghệ thân thiện với môi trường. “Trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội đang được xanh hóa, GDNN không chỉ cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng cần thiết mà còn tăng cường tri thức và năng lực để đối mặt với những thách thức về xã hội, kinh tế, sinh thái hiện tại và tương lai, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước”, ông Sự nói.
Ông Christian Knuppert (cố vấn kỹ thuật Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam của GIZ) cho biết từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050, Việt Nam cần triển khai toàn diện, có biện pháp thay thế làm xanh hóa tại các cơ sở GDNN. Theo đó cần chung tay hợp tác, lồng ghép yêu cầu, nâng cao nhận thức… trong đội ngũ giảng viên, học sinh – sinh viên. Về tổng thể, các trường nghề đã có thay đổi, tuy nhiên để xanh hóa hoàn toàn là không dễ dàng chút nào nếu không có chương trình đào tạo lồng ghép yếu tố xanh.
Trong khi đó, TS. Klaus-D.Mertineit (chuyên gia tư vấn xanh hóa đào tạo nghề của Đức) khẳng định Việt Nam đã có chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện xanh hóa đào tạo nghề. Theo đó, hãy bắt đầu từ việc đào tạo kỹ năng xanh cho người lao động. Cụ thể từ những việc nhỏ nhất như không sử dụng năng lượng nhiều hơn mình cần, không làm rơi vãi xăng, dầu xuống đất… Đây là thực trạng tồn tại ở các xưởng thực hành của trường nghề tại Việt Nam. Điều này cực kỳ tai hại bởi 1 lít dầu rơi xuống đất có thể làm tổn hại đến 1 triệu mét khối nước. Tại Đức không có nhiều cơ sở GDNN xanh nhưng lại có rất nhiều ngành nghề xanh. Xanh hóa đào tạo nghề ở Đức đã có trên 30 năm, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Từ thực tế đó, TS. Klaus-D.Mertineit cho rằng trường nghề phải là hình mẫu cho các hoạt động bảo vệ môi trường, hành động đi kèm với lời nói. Ở Đức, người học nghề ở lĩnh vực xanh ra trường khó tìm được việc làm nhưng nếu chương trình học được lồng ghép các yếu tố xanh sẽ dễ tìm việc hơn. Đơn cử ở ngành năng lượng xanh không có chương trình thiết kế ngay từ đầu mà chỉ lồng ghép vào các nghề điện tử, cơ khí…, sau đó người học sẽ học nội dung riêng biệt cho ngành.
Xanh hóa đào tạo nghề bắt đầu từ đâu?
Từ thành công mô hình xanh hóa đào tạo nghề của Đức, TS. Klaus-D.Mertineit chia sẻ: Các cơ sở GDNN hãy thay đổi phương pháp giảng dạy, quản trị nhà trường, phát triển nguồn nhân lực, quản lý thiết bị và khuôn viên trường… Đây là điều kiện cần để xanh hóa đào tạo nghề. Bên cạnh đó cần xác định cơ sở GDNN không phải là “ốc đảo” tách biệt mà cần có những đối tác bên trong và bên ngoài để thực hiện xanh hóa đào tạo nghề. |
Ông Đặng Minh Sự khẳng định ngoài việc nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề, các cơ sở GDNN cũng rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng, rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức bảo vệ môi trường trong học sinh – sinh viên. Tuy nhiên, công tác tập huấn các kỹ năng mềm này chưa được thực hiện một cách có hệ thống. Việc tích hợp các nội dung xanh liên quan đến phát triển chương trình, giáo trình, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xanh hóa tại các cơ sở GDNN… chưa được áp dụng theo tiêu chí quốc tế và rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, các đối tác phát triển.
Đại diện Trường CĐ Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ cho biết trong mỗi chương trình đào tạo của trường, học sinh – sinh viên được cung cấp ít nhất 30 giờ học tập, thảo luận những nội dung liên quan đến an toàn lao động, vệ sinh nơi làm việc, tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả nhất. Là hành động nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn, giúp đội ngũ cán bộ – giáo viên – nhân viên và học sinh – sinh viên làm quen và hình thành kỹ năng sống xanh, đồng thời đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề cung cấp cho thị trường lao động, phục vụ phát triển nền kinh tế xanh.
Đề cập đến giải pháp xanh hóa đào tạo nghề, TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) đề xuất Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) chủ trì xây dựng chiến lược phát triển kỹ năng xanh trong các cơ sở GDNN bên cạnh kế hoạch hành động của quốc gia về xanh hóa đào tạo nghề. Đồng thời hình thành khung kỹ năng xanh chuẩn quốc gia, bồi dưỡng những yêu cầu về kỹ năng xanh cho đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Ở góc độ quản lý Nhà nước về hoạt động GDNN, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đánh giá: “Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ đẩy mạnh cải cách hệ thống GDNN, ưu tiên phát triển ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn hoặc định hướng nghề nghiệp gắn với việc làm và nhu cầu của xã hội mà song song đó còn phải chú trọng vấn đề xanh hóa đào tạo nghề”.
T.Anh
Bình luận (0)