Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Lông nhung hươu gây hại sức khỏe

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo các chuyên gia, nếu được biếu tặng mà không biết dùng sẽ "lợi bất cập hại".

Nhung hươu là sừng non (lộc) của hươu đực, được coi là 4 thượng dược (sâm, nhung, quế, phụ). Nhưng theo các chuyên gia, nếu được biếu tặng mà không biết dùng sẽ "lợi bất cập hại".

Nhung hươu tốt cho người bị bệnh tim
Theo y học cổ truyền, nhung hươu có vị ngọt, mặn, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí, cường tinh, chữa suy nhược thần kinh, yếu sinh lý, liệt dương, đau lưng, mồ hôi trộm… Thuốc thường được dùng dưới dạng bột, viên hay ngâm rượu. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. 
Theo Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Hướng (Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam), nhung hươu là sừng non của hươu đực, hoặc  con nai (mê). Nhiều nghiên cứu cả Đông và Tây y cho thấy, lộc nhung có tác dụng giúp người bệnh ngủ ngon, giảm mệt mỏi, tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp vết thương chóng lành. Đặc biệt, nhung hươu rất tốt với các chứng bệnh như tim, nhược năng, bệnh thần kinh thực vật… Ngoài ra, nhung hươu còn giúp da dẻ đẹp vì bổ khí huyết, điều hòa cơ thể… do trong nhung hươu chứa 52,5% protid, 2,5% lipid, chất keo (keratin), 34% muối khoáng và một chất nội tiết tố (hormon) gọi là lộc nhung tinh.
Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, lộc nhung không phải thuốc tiên chữa bách bệnh, mà phải biết dùng và dùng đúng mới tốt cho sức khỏe. Đông y khuyên những người béo phì, đờm nhiều, hay mệt mỏi, có thấp đàm nhiều không được uống. Người tì hư hàn không được uống. Người gan nóng, áp huyết cao, viêm thận nặng cũng không được uống. Ăn nhung hươu còn có thể bị lở ngứa đối với người có cơ địa dị ứng.
Nếu người gầy, trong mình nóng, thiếu máu hay mất máu, viêm phế quản, khạc đờm vàng, sốt, bệnh truyền nhiễm bụng sôi, đầy bụng, đau bụng đi ngoài, người bị nóng do âm hư sinh nội nhiệt, người hẹp van tim cũng không nên dùng nhung.
Ông Nguyễn Xuân Hướng cho biết, đã có trường hợp do không biết cách chế biến, không cạo lông nhung nên tuy ngâm rượu mà chất bổ không ra, uống phải lông nhung sau 1 tháng bị viêm ruột, viêm đường tiêu hóa. Khi ruột đã bị viêm do lông của nhung hươu thì cực kỳ khó chữa.
Nhung rất bổ nhưng chỉ dùng khi thật cần thiết và ngưng sau 2 – 3 tuần vì dùng lâu và liều cao sẽ làm nứt thịt. Có trường hợp tự ý sử dụng lộc nhung không đúng bệnh, đúng liều đã làm cơ thể khoẻ đâu không thấy, lại thấy người ốm thêm.
Chọn và chế biến lộc nhung
"Rượu nhung ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần 30 – 50ml trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em. Lộc nhung khi pha chế với một vài vị thuốc khác sẽ bổ thận ích tinh, cường gân bổ tủy, dùng để chống các bệnh như tảo tiết, hoạt tinh, dương nuy, lưng đau gối mỏi, hay quên do thân dương hư nhược…".
Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Cổ phần hươu giống Hương Sơn – Hà Tĩnh), trên thị trường có nhiều loại nhung, giá từ 1,2 – 1,5 triệu đ/lạng. Tuy nhiên, chất lượng nhung tùy thuộc vào chủng loại, hình dáng, độ sinh trưởng, cách chế biến, bảo quản nhung. Lộc hươu từ khi mọc đến lúc cắt khoảng 50 – 55 ngày là tốt. Con hươu béo khoẻ 2-4 tuổi, ngực nở, bụng thon, lông mịn màng, mắt sáng sẽ cho chất lượng nhung tốt.
Anh Tuấn cho biết thêm, loại nhung tốt là huyết nhung được cắt khi sừng non chuẩn bị phân yên. Loại nhung này thân ngắn, mềm, mọng, da hồng, đầu tù, lông rất mịn và thưa. Ngoài ra, có thể chọn nhung yên ngựa (sừng non bắt đầu phân nhánh chưa thành sừng, bên ngắn, bên dài 5 – 15 cm như hình yên ngựa); nhung gác sào I (sừng non đã mọc nhánh phụ thứ nhất, lông cứng và dày, đầu bè ra); nhung gác sào II (sừng đã mọc thêm nhánh phụ thứ hai). Nhung hươu quý hơn nhung nai.
Ông Nguyễn Văn Trịnh, chủ trang trại nuôi hươu Trịnh Thiện (Vũ Thư, Thái Bình), cho biết, để lựa chọn được nhung hươu tốt nên mua sừng non khi mới mọc dài 5-10cm, rất mềm, sờ mịn như nhung. Nhung hươu cưa xong cần được chế biến ngay, vì để lâu nhung sẽ bị thối, hỏng. Nên mua tại trang trại để giám sát và chế biến ngay. Nếu chế biến  không đúng thì mất tác dụng. Muốn ngâm rượu, cần làm sạch lông tơ của nhung bằng cách nung đỏ một que sắt rồi lăn đi lăn lại cho cháy hết lông hoặc đốt với cồn 90 độ cho sạch lông, rồi lau sạch bằng rượu gừng (có thể nhúng nước sôi cạo sạch, để khô, thái mỏng bằng dao cầu). Nếu nhung quá cứng có thể đồ cho mềm rồi thái. Hoặc tẩm nhung vào rượu cho mềm, thái mỏng, sấy khô. 
Nhung hươu ngâm rượu, mật ong, nấu cháo, nấu cao, kết hợp với các vị thuốc khác thành thuốc bổ. Tốt nhất là dùng vào mùa thu, đông, xuân. Ngâm rượu cần thái (chẻ mỏng, 100g nhung ngâm 2,5 – 3 lít rượu thành phẩm, nhưng chia rượu ra ngâm 3 lần: lần 1 ngâm 1 tháng, lần 2 – 3 ngâm từ 2 đến 3 tuần), rồi gộp lại, pha thêm rượu mới hãy dùng. Nếu ngâm cả cặp nhung cho đẹp cần ngâm 6 tháng. Rượu nhung uống 1-2 chén trước bữa ăn rất tốt để khôi phục sức khỏe phụ nữ sau sinh, điều dưỡng khí huyết, bổ dương, dưỡng âm. Nhung ngâm với 1,5 lít mật ong, 35 ngày sau sẽ ăn được, mỗi ngày 1 lần (30 ml), nhưng ăn 1 tuần, nghỉ 1 tuần mới dùng tiếp.
Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Xuân Hướng cho biết, chế biến nhung thành  thuốc để dùng lâu dài không khó, nhưng rất kỳ công. Dù tán bột mịn rồi dùng với vài vị thuốc Đông y, hay nghiền nát trộn với bột dược liệu thành viên, hoặc thái mỏng ngâm rượu, mật ong, hoặc nấu cháo… thì trước khi dùng cũng phải có chỉ định liều lượng rõ ràng của bác sĩ để an toàn cho sức khỏe người dụng.
Theo Gia Đình

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)