Dáng người gầy gò, trên ngực là phù hiệu của một trường THCS ở ngoài Bắc, nhưng vì hoàn cảnh gia đình em phải bỏ học giữa chừng để mưu sinh. Hỏi ra mới biết, nhà ở tận Bắc Giang, em theo ba mẹ vào Biên Hòa (Đồng Nai) ở trọ và đi làm thuê, hằng ngày phải rong ruổi từ chỗ này đến chỗ kia để đánh giày.
Em lân la mãi mới hỏi một vị khách ngồi bên cạnh tôi trong quán cà phê: “Đánh giày không chú?”. Vị khách không trả lời nhưng móc từ trong túi ra mấy ngàn tiền lẻ cho em. Không những không nhận, em còn nói: “Nếu chú đánh giày thì con làm, còn chú cho tiền con cảm ơn”.
Tôi không khỏi bất ngờ về lòng tự trọng của em bé đánh giày. Việc mưu sinh đối với em là phải kiếm được những đồng tiền do chính mồ hôi nước mắt của mình làm ra.
Đem câu chuyện trên về lớp học, nhiều em học sinh có vẻ nghi hoặc. Nhưng để giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh không cần những lý thuyết cao xa, mà đó là những hình ảnh các em hằng ngày vẫn chứng kiến.
Lòng tự trọng của em bé đánh giày giúp các em học sinh hiểu rõ hơn giá trị đích thực của cuộc sống mà trước hết là biết coi trọng con người của mình, từ đó các em đứng lên để đấu tranh, bảo vệ cho lẽ phải.
Trong học tập, các em cũng thường trình bày quan điểm riêng của mình giúp cho tiết học sinh động hơn. Hơn nữa tuổi các em cũng đã lớn (học sinh THPT), đủ để nhận ra những điều sai trái, bởi thế giáo viên cần để cho các em trình bày quan điểm và uốn nắn những quan điểm trái chiều. Có như vậy, các em mới phát huy hết khả năng của mình và đồng thời có một cách nhìn toàn diện hơn về bài học. Và trên hết, tự trọng sẽ giúp các em tôn trọng những người xung quanh.
Mai Đường
Bình luận (0)