Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lớp công nghệ thông tin của cô hiệu phó

Tạp Chí Giáo Dục

Nhận thấy CNTT cực kỳ cần thiết cho GV, đặc biệt trong thời 4.0 ngày nay khi không chỉ mở ra những phương pháp giảng dạy mới, giúp học trò thích thú trong học tập mà còn giúp người GV “nhẹ nhàng” hơn trong việc giảng dạy, cô Trương Hồ Trâm Anh (Phó Hiệu trưởng Trường TH Phùng Hưng – Q.11) đã mạnh dạn mở ra lớp CNTT để… trang bị miễn phí cho các thầy cô giáo những công cụ, kiến thức hữu ích phục vụ giảng dạy.

Cô Trâm Anh chia sẻ với các thầy cô giáo ở Trường TH Phùng Hưng – quận 11

Lớp CNTT của cô Trâm Anh học vào mỗi… buổi trưa thứ hai, thứ ba hàng tuần tại Trường TH Phùng Hưng và tại quán cà phê, thu hút GV trong và ngoài trường, từ bậc TH cho đến THCS trên toàn thành phố.

Học một… sàng khôn tại quán cà phê

Gần 2 tháng nay, cứ 11 giờ trưa mỗi thứ hai hàng tuần, sau khi kết thúc 4 tiết học trên lớp, chỉ kịp ăn vội bữa trưa ở căng tin, cô Nguyễn Hải Triều (GV Trường TH Nguyễn Thái Học – Q.1) lại… tất tả chuẩn bị máy tính, bút, giấy chạy đến quán cà phê trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.11) để… học lớp CNTT. Lớp học kéo dài đến 1 giờ 30 phút chiều. “Mệt nhưng mà thích lắm. Quãng đường hơi xa một chút nhưng được học bao điều mới mẻ”. Trước đó, dù đã từng đi học các lớp CNTT nhưng với cô Triều, tại lớp CNTT này, cô luôn tìm thấy sự thích thú, “học mà như không học”. “Nhiều điều tưởng mình biết rồi hóa ra chưa biết. Vì đứng lớp là các thầy cô giáo đang giảng dạy cấp bậc như mình, nên có những tâm tư, mong muốn giống mình. Vì vậy, kiến thức rất gần gũi và thiết thực”.

Không riêng cô Triều, trong khuôn viên nhỏ nhưng riêng biệt trên lầu 2 của một quán cà phê nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10), hơn 10 thầy cô là GV đến từ các trường TH, THCS tại Q.1, 5, 7, 9 Tân Bình… lại tay bút, tay máy, tề tựu đông đủ. Lớp chỉ mới được khởi động từ gần 2 tháng nay.

Các thầy cô say sưa học bài

“Ngày đầu tiên thấy oải lắm vì học vào đúng giữa trưa. 5 tiết học tại trường xong là chạy đến lớp học luôn. Nhưng rồi học, thấy sự nhiệt tình của các thầy cô giáo, những kiến thức mỗi ngày mỗi mới lại áp dụng ngay được trên lớp học của mình… mình mê luôn”, cô Nguyễn Trần Thúy Anh (GV lịch sử, Trường THCS Ba Đình – Q.5) vui vẻ cho hay. Đến giờ thì với cô Thúy Anh, lại cứ háo hức đợi đến trưa thứ hai, chuẩn bị sẵn câu hỏi để lên lớp CNTT hỏi thầy cô.

Bản thân cô Trâm Anh cũng vậy, mỗi trưa thứ hai sau khi “gói ghém” mọi công việc tại trường, cô cũng vội vàng chạy đến quán cà phê. “Mình phải đến trước, sợ các thầy cô đợi lâu sẽ nản. Các thầy cô ham học lắm. Sáng thứ hai, công việc thường nhiều nhưng hầu như không ai nghỉ buổi nào, dù nhiều hôm mưa tầm tã”.

Đồng hành với cô Trâm Anh tại lớp là thầy Lê Minh Châu (GV tin học, Trường TH Nguyễn Thị Định – Q.7). Có sẵn nền tảng về kiến thức sử dụng bảng tương tác, khi được cô Trâm Anh “ngỏ ý” mời đứng lớp CNTT tại quán cà phê, chia sẻ miễn phí cho các thầy cô giáo, thầy Châu “đồng ý cái rụp”. Mỗi trưa thứ hai thầy lại “lỉnh kỉnh máy chiếu, phụ tùng”, đi quãng đường xa cả chục cây số lên để cài đặt, giảng giải cho thầy cô. “Bảng tương tác thì hầu như trường nào cũng có. Nhưng không phải thầy cô nào cũng biết các kỹ năng, kiến thức để sử dụng bảng một cách có hiệu quả. Mình chỉ hỗ trợ các thầy cô những công cụ về cắt ghép phim, lồng tiếng, phụ đề… để làm sao tạo ra một bài giảng sinh động, lôi cuốn học sinh”, thầy Châu cho hay.

Thầy cô càng cần phải học

Tháng 8-2016, cô Trâm Anh chuyển công tác về Trường TH Phùng Hưng. Tại đây, thấy nhà trường có lợi thế cơ sở vật chất: mỗi lớp đều có ti vi, wifi phủ sóng toàn trường, có phòng ứng dụng CNTT gắn bảng tương tác. Thuận lợi thì như thế còn việc tận dụng những thuận lợi còn rất hạn chế: GV dù giảng dạy bằng giáo án điện tử nhưng sử dụng từ phần mềm cũ, cách thiết kế giáo án chưa cập nhật, wifi chỉ dùng cho việc vào mạng internet chứ chưa thật sự dùng vào việc dạy học, bảng tương tác thì GV chưa dám sử dụng vì chưa được giảng dạy bài bản cách sử dụng cũng như soạn giáo án bằng phần mềm tương tác.

Làm sao để các thầy cô sử dụng những gì nhà trường trang bị một cách có hiệu quả là điều mà cô Trâm Anh băn khoăn nhất. Sau 2 tháng “trăn trở”, cô mạnh dạn đề xuất với hiệu trưởng mở lớp CNTT miễn phí tại trường cho chính các thầy cô mình.

Tháng 10-2016, lớp CNTT chính thức đi vào hoạt động vào mỗi trưa thứ ba hàng tuần tại trường. Ban đầu GV khá đông lên đến vài ba chục vì tò mò xem… cô hiệu phó mới “có gì vui”. Với mục tiêu học xong là phải ứng dụng được ngay vào công việc giảng dạy ở lớp học một cách hiệu quả, phải “thay đổi được giao diện” cho học trò thích thú và đặc biệt là làm “các thầy cô được nhẹ nhàng”, cô Trâm Anh đã thiết kế giáo án theo các chủ đề thiết thực, gần gũi: quản lý lớp học hiệu quả; quản lý công việc hiệu quả; làm việc cộng tác, soạn giảng bằng phần mềm PowerPoint và phần mềm bảng tương tác; dạy học bằng gameshow… Bên cạnh là các chủ đề dài hơi, chuyên sâu như: soạn giảng giáo án tương tác cơ bản, thành thạo và chuyên nghiệp cùng PowerPoint 2016…

Để “kéo chân” các thầy cô đến lớp, bên cạnh việc liên tục thay đổi các chủ đề giảng dạy, cô Trâm Anh còn mời thêm các chuyên gia CNTT “chính hiệu” đến để “thổi lửa”. Đồng thời, trong các giờ dạy, cô luôn khuyến khích các thầy cô bằng những món quà nhỏ…

Cô Trâm Anh (ngoài cùng bên trái) cùng các thầy cô trong lớp CNTT tại quán cà phê

“Từ những bỡ ngỡ, ngờ vực ban đầu, nay lớp học đã trở thành thường lệ, thói quen. Các thầy cô luôn tranh thủ thời gian để học rồi lại chuẩn bị cho giờ dạy buổi chiều, đó là điều mình cảm thấy may mắn”, cô Trâm Anh cho hay.

“Đến nay, GV trong lớp công nghệ của mình đều có thể tự tin thao tác với các công cụ của bộ Microsoft office như PPT, Word, Onenote, Sway, Mail, Onedrive… Song song đó, các thầy cô còn thành thạo các công cụ của Google như Google doc, Google forms, Google drive, các công cụ gameshow như kahoot”, cô Trâm Anh hồ hởi khoe.

Bản thân chỉ là GV tiểu học, để có thể “truyền lửa” cho các thầy cô khác, cô Trâm Anh nói, chính mình cũng phải cố gắng rất nhiều. Từ những kiến thức “sơ khai” trong những lần đi tập huấn “ứng dụng công nghệ và truyền thông vào dạy học” năm 2015, cô vận dụng linh hoạt và “biến chúng trở thành công cụ hữu ích phục vụ giảng dạy”. Với những cố gắng đó, trong suốt năm học 2015-2016, cô được mời làm trợ giảng trong những khóa tập huấn. Ngoài ra, cô cũng được Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TP.HCM) mời đi chia sẻ trong ứng dụng công nghệ vào dạy học. “Mỗi ngày từng chút một, mình coi đó là những trải nghiệm thú vị, tích lũy thêm nhiều kiến thức không chỉ về công nghệ mà còn là các phương pháp dạy học, các quan điểm dạy học hiện đại. Để từ đó có thể tự soạn các chủ đề, giáo án cho từng buổi dạy trong lớp sao cho gần nhất với mong muốn của các thầy cô”.

Với cô Trâm Anh, trong thời đại ngày nay khi CNTT mỗi ngày một phát triển, nếu người GV không tự mình trang bị những kiến thức mới để làm công cụ giảng dạy thì dù cơ sở vật chất có hiện đại đến đâu cũng sẽ thành vô nghĩa, vẫn sẽ là những cách dạy cũ kỹ, làm “cũ mòn” cả người dạy và người học. “Chính sự ham học, niềm say mê của các thầy cô, ánh mắt háo hức, những tin nhắn, cuộc điện thoại “hậu giờ học” hỏi về kiến thức, sự chung tay của cả cộng đồng thầy cô giáo là động lực, niềm vui lớn cho mình duy trì các lớp học CNTT. Bởi thầy cô học, không chỉ cho mình mà còn cho học trò, cho tương lai các em…”, cô Trâm Anh chia sẻ.

Đỗ Phi Yến

Bình luận (0)