Nếu không có lớp ghép, trẻ em vùng cao sẽ khó có cơ hội được tiếp cận giáo dục (GD). Đặc biệt, đối với trẻ mầm non (MN), lớp ghép tại các điểm lẻ vô cùng quan trọng. Xét ở một khía cạnh nào đó, thì những lớp ghép này cũng chính là các “bà đỡ” cho GD vùng cao.
Đường đến trường… xa lắm
Bà Trần Thị Tuyết – Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trạm Tấu (Yên Bái) – cho biết toàn huyện có 14 cơ sở GDMN trong đó 13 trường MN và 1 nhóm trẻ tư thục. Tổng số nhóm, lớp là 109 nhóm, lớp, trong đó có 19 nhóm trẻ (1 nhóm trẻ tư thục) và 90 lớp mẫu giáo với 2.770 cháu: Trong đó có 355 cháu nhà trẻ và 2.415 cháu mẫu giáo. Trong 90 lớp mẫu giáo có 31 lớp đơn, 59 lớp ghép, trong đó ghép 2 độ tuổi 22 lớp với 616 cháu, ghép 3 độ tuổi 37 lớp với 954 cháu. Nhìn những con số có thể không thấy hết những khó khăn, vất vả của GDMN nơi đây.
Cũng theo bà Tuyết, Trạm Tấu có 11/12 xã, thị trấn thuộc chương trình 135 của Chính phủ. Chính vì vậy, điều kiện kinh tế của huyện khó khăn, giao thông đi lại còn rất vất vả. Sở dĩ phải có lớp ghép cho trẻ học vì dân cư phân bố thưa thớt. Mỗi quả núi là một thôn bản. “Thôn bản cách nhau rất xa từ 2-3 giờ đến nửa ngày đi. Mỗi thôn bản số trẻ từ 3-5 tuổi chỉ 20-25 cháu. Do đó, không đủ số lượng HS để tổ chức lớp đơn. Nếu không tổ chức lớp ghép thì số trẻ trong độ tuổi đến trường không được đi học. Mỗi điểm lẻ thường có 1 lớp ghép” – bà Tuyết chia sẻ. Tuy nhiên, dù đã cố gắng nhưng Trạm Tấu vẫn còn 2% trẻ MN 5 tuổi không đến lớp. Nguyên nhân là do nhà của người dân ở quá xa điểm trường. Bà Tuyết cho biết những hộ dân sinh sống ở chòm Mù Nước, thôn Păng-Dê, xã Bản Mù khó có thể đưa con em họ đi học MN vì phải mất từ 4 giờ đến 5 giờ đi lại. Trong khi đó, khác với HS tiểu học, THCS có thể tự đi lại thì trẻ MN đều phải có cha mẹ đưa đón. Chính vì vậy, ngoài công việc giảng dạy, đầu năm học, GV ở các trường MN của Trạm Tấu còn được “giao chỉ tiêu” vận động trẻ đến trường. Năm học này, các cô giáo MN hoàn thành gần như 100% chỉ tiêu được giao. Cô Trần Thị Hồng Vân – Hiệu trưởng Trường MN Sơn Ca (xã Bản Công) – cho biết trường có 7 nhóm lớp ghép ở các điểm trường. Trong đó, có điểm trường xa nhất cách điểm trung tâm là trên 10km.
Một giờ dạy của lớp ghép ở Trường MN Sơn Ca (xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) |
Không chỉ Trạm Tấu mà rất nhiều địa phương thuộc miền núi, vùng sâu vùng xa đều phải có lớp ghép để giúp trẻ MN có cơ hội đến trường.
Cần nhiều các “bà đỡ”
Bên cạnh những khó khăn chủ quan do điều kiện kinh tế xã hội tác động thì những khó khăn chủ quan cũng ảnh hưởng không nhỏ đến GDMN. Việc dạy lớp ghép 2 độ tuổi, 3 độ tuổi rất vất vả và khiến GV lúng túng. Theo bà Tuyết, tỷ lệ GV dạy lớp mẫu giáo ghép biết giao tiếp bằng tiếng địa phương là 70%. Do GV ở xuôi lên nên có khó khăn trong giảng dạy. Việc lựa chọn các nội dung kiến thức, yêu cầu cần đạt cho từng độ tuổi trong cùng một hoạt động sao cho phù hợp cũng là một khó khăn đối với GV. Ví dụ có cô ôm đồm muốn làm hết việc trong một chủ điểm. Có thể các cháu 5 tuổi thì đạt nhưng 3, 4 tuổi thì quá nặng. Do đó, với lớp ghép, yêu cầu cô giáo phải linh hoạt. Ngoài ra, quá trình tổ chức, hướng dẫn từng nhóm trẻ theo độ tuổi chưa đảm bảo đồng đều về mặt thời gian và kiến thức cung cấp (GV thường chỉ quan tâm những trẻ lớn hơn, những trẻ nhanh nhẹn hoạt bát, ít chú ý đến những trẻ bé, nhút nhát, những trẻ hạn chế về giao tiếp bằng tiếng Việt).
Huyện Mường Chà của tỉnh Lai Châu cũng là một huyện miền núi khó khăn và còn rất nhiều lớp ghép ở MN. Lớp ghép chiếm trên 50% tổng số lớp của huyện. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình GDMN ở các lớp mẫu giáo ghép, đội ngũ cán bộ quản lý, GV còn gặp nhiều khó khăn do trẻ thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, nội dung học của một số hoạt động cũng khác nhau nên GV rất khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức các hoạt động cho trẻ sao cho phù hợp với nhận thức của từng độ tuổi; sự quan tâm của cha mẹ trẻ tới giáo dục chưa được thường xuyên; chưa có tài liệu chính thức về hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN ở lớp mẫu giáo ghép; cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn…
Tuy nhiên, từ những khó khăn như vậy phòng GD-ĐT các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở GD phối hợp với UBND các xã tích cực tuyên truyền đẩy mạnh công tác xã hội hóa GD nhằm huy động các nguồn lực xây dựng phòng học và các điều kiện học tập cho trẻ. GV cũng được bồi dưỡng về mặt chuyên môn để tổ chức các hoạt động cho trẻ với các độ tuổi khác nhau.
Theo bà Tuyết, nhờ mô hình lớp ghép mà tỷ lệ chuyên cần của trẻ tại huyện đạt trên 98%, cuối năm học 2014-2015, tỷ lệ trẻ được đánh giá xếp loại bé chăm, bé ngoan đạt trên 80%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình đạt 100%.
Đối với GD, lớp ghép không phải là giải pháp tối ưu, chỉ là giải pháp mang tính tình thế. Tuy nhiên, phải có những mô hình này thì trẻ em vùng cao mới có cơ hội tiếp cận với GD.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)