Ảnh minh họa
Sau nhiều năm được ưu ái chủ nhiệm lớp ngoan, năm học 2013-2014, tôi đã được nhà trường “tín nhiệm” giao cho một lớp chủ nhiệm 12 “cá biệt” từ ngày thành lập trường đến giờ, lớp 12.4. Nghe đến đây, tôi không khỏi rụng rời tay chân bởi theo đánh giá của giáo viên chủ nhiệm cũ: Lớp học này có 25 em thì trong đó có 5 em có thể tạm gọi là ngoan còn lại 20 em đều “có vấn đề”!
Quả thật khi trực tiếp đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm cũng như giảng dạy Bộ môn ngữ văn, tôi thực sự đã nếm trải cảm giác của những giáo viên đã từng giảng dạy lớp này: Giáo viên không thể thuận lợi giảng bài quá 15 phút. Thậm chí có hôm cô giáo dạy toán đã bật khóc vì quá tức giận trước những “cái loa phóng thanh” đang được vặn với công suất lớn. Nhiều hôm tôi vừa bước chân vào lớp đã nghe phía dưới kháo nhau: Đại ca đến rồi! Chưa dạy mà cổ đã nghẹn lời.
Và hằng hà sa số những việc “tày đình” mà các em cố tình làm sau 30 giây giáo viên nhắc nhở!
Trong tuần có 2 tiết mà tôi không bao giờ muốn tham dự đó là tiết “chào cờ” ngày thứ hai và tiết sinh hoạt ngày thứ bảy bởi bao nhiêu “tội lỗi” của lớp chủ nhiệm được liệt kê dài như sớ Táo quân rải đều cho các thành viên của lớp. Và tất nhiên rất nhiều tuần tôi phải trương mặt ra hướng dẫn các em vệ sinh sân trường vì đứng ở cuối bảng thi đua.
Trước tình hình trên, tôi quyết tâm tìm “đối sách” bởi tôi nhận thức rằng năm học này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cuộc đời của các em. Tôi không thể để các em bị “cuốn theo chiều gió” như nhiều người đã khuyên bởi chúng quá “bất trị”. Tôi quyết tâm tìm đến nhà từng em học sinh để tìm hiểu.
Sau mỗi lần đến các gia đình học sinh để tìm hiểu, tôi đã sững sờ trước những gì thực tế tôi biết: lớp tôi có 5 trường hợp cha mẹ ly hôn, 1 em cha mẹ đi làm xa phải ở nhà chăm thêm 2 đứa em đã học cấp 2, 1 em mẹ mất lúc lên ba, cha bỏ đi lấy vợ khác phải sống với dì và ông bà ngoại… Chao ôi, những điều này trước đây tại sao tôi lại không biết mặc dù đã tìm hiểu kỹ thông tin từ những giáo viên chủ nhiệm trước đó?
Tôi nghiệm ra rằng: Hóa ra ít có học sinh “cá biệt” thật sự. Những biểu hiện lệch chuẩn của các em bao giờ cũng là sự bứt phá để cố đậy che những “vết sẹo” trong tâm hồn mà các em phải gánh chịu vì một lý do nào đó. Để xoa dịu nỗi đau ấy, người giáo viên phải đến với các em bằng con đường của trái tim. Mọi hình thức kỷ luật lúc này chỉ làm các em khiếp sợ nhất thời chứ không bao giờ là phương thuốc hữu hiệu để các em thực sự thay đổi.
Tôi đã tập chấp nhận các em, cố gắng loại khỏi đầu mình cụm từ “lớp cá biệt”. Và tôi quyết tâm thực hiện chiến lược: 3 cùng, Cùng học – cùng làm – cùng chơi với học sinh lớp chủ nhiệm. Khi đi lao động, không bao giờ tôi là chỉ huy năm ngón, tôi khiêng bàn, quét rác với các em. Tôi đi cổ vũ thể thao như một fan thật sự (mặc dầu tôi không thích thể thao cho lắm vì tôi luôn nghĩ thể thao thường ảnh hưởng đến việc học của các em). Khi đi cắm trại, tôi cùng các em dựng trại, cùng nấu ăn, thậm chí biên đạo thời trang để các em biểu diễn. Tôi âm thầm điều tra tình hình của lớp chủ nhiệm qua từng tiết học (qua giáo viên bộ môn) để giải quyết kịp thời những rắc rối và được các em tặng biệt danh” thám tử Cô-nan”.
Có lần tôi đã tặng cho một em học sinh chưa có định hướng tốt trong học tập một món quà đặc biệt: một cái bánh ngọt và một bịch muối ớt cay xè kèm theo lời nhắn: “Em chọn ăn muối ớt trước hay ăn bánh ngọt trước?”. Hôm sau em ấy đứng lên và cầm trái ổi chấm vào muối ăn ngon lành. Tôi kết luận: “Tốt! em đã biết chọn gian khổ trước sung sướng sau, về mặt tư tưởng có tiến bộ nhưng em phải bị tổ trưởng ghi vì tội ăn vặt trong giờ học”. Cả lớp cùng cười vui vẻ. Về sau tôi thấy em tiến bộ rõ rệt.
Tôi đã chủ động gặp từng em và tình nguyện trở thành “chuyên gia tâm lý” để các em tin tưởng bày tỏ những chuyện rắc rối ở gia đình, về những rung động đầu đời và đặc biệt là chuyện định hướng học tập trong tương lai… Tôi luôn bị các em “dụ dỗ” điện thoại để giúp các em giải thích về một vấn đề vướng mắc nào đó giữa các em và gia đình. Những lúc như thế tôi nhận ra biết bao nhiêu là sự đáng yêu và đáng thương của các em.
Trong những lúc thăng hoa trên những trang văn, tôi luôn cố gắng đan cài vào tâm hồn các em những ý nghĩa cuộc sống thật gần với hoàn cảnh riêng của các em. Tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào tâm hồn trong trẻo của học sinh mặc dầu chúng bị gắn mác “học sinh cá biệt”. Những tiết dạy như thế tôi bắt gặp những ánh mắt long lanh vì đồng cảm, vì nhận diện được những giá trị rất đỗi bình thường của cuộc sống học sinh mình.
Cả năm học, thầy trò tôi đã trải qua không biết bao nhiêu là niềm vui nỗi buồn. Nhưng bản thân tôi lại mơn man trong lòng một thứ niềm vui đặc biệt. Tôi không ảo tưởng về sự tiến bộ thần tốc ở các em nhưng tôi đã biết sung sướng vì một chút ít thành tích mà các em cố gắng. Tôi đã gạt bỏ được những định kiến đã ăn sâu vào tâm trí tôi khi dấn thân vào nghề: học sinh “cá biệt” chỉ có thể cải tạo bằng “kỷ luật thép”.
Cuối năm học, trong ngày lễ tri ân – lễ trưởng thành, các em đã làm tôi trở thành một giáo viên hạnh phúc với những tình cảm chân thành của ngày chia xa: Thầy Tuấn là người thầy mà chúng em yêu quý nhất, tụi em mãi mãi nhớ về thầy!
Lớp tôi đã đỗ tốt nghiệp 100% như là một kết thúc đẹp cho những nỗ lực của thầy trò chúng tôi. Năm học này, ngẫm ra “lớp học cá biệt” đã dạy tôi rất nhiều điều trong hành trình vươn đến vị trí người thầy của tôi.
Trầm Thanh Tuấn
Bình luận (0)