Từ một lớp học mở dành cho cộng đồng trên mạng, nền tảng SHub Classroom đã được người sáng lập phát triển thành mô hình khởi nghiệp nhằm hướng đến phục vụ miễn phí cho giáo viên và học sinh.
Anh Nguyễn Đăng An (bên trái) giới thiệu nền tảng SHub Classroom với lãnh đạo Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM và khách tham quan. Ảnh: Công ty CP Công nghệ SHub cung cấp
Nền tảng SHub Classroom được phát triển bởi một cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhằm hỗ trợ ngành giáo dục, giúp ích cho giáo viên và học sinh trong quá trình học tập, giao bài, làm bài kiểm tra, cung cấp đề thi, tài nguyên học tập… Đặc biệt, nền tảng trên còn là cầu nối liên kết xuyên suốt giữa giáo viên và phụ huynh, giúp phụ huynh tương tác, theo dõi việc học của con mình.
Lớp học ưu việt
Quan tâm, theo dõi chuyển biến của công nghệ trong và ngoài nước thời gian qua, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, kỹ sư Nguyễn Thành Đông (Công viên phần mềm Quang Trung, Q.12) đánh giá, SHub Classroom có nhiều ưu điểm mà các phần mềm khác chưa phát triển được. Cụ thể, khi sử dụng nền tảng SHub Classroom, giáo viên sẽ dễ dàng thực hiện các công việc hằng ngày như cung cấp tài nguyên học tập, thi trực tuyến, giao bài về nhà, thảo luận, gửi thông báo, tạo phòng học trực tuyến, điểm danh, thống kê điểm số… Với trường học và các cơ sở đào tạo khác, người quản lý sẽ trực tiếp đánh giá được từng giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, SHub Classroom còn hỗ trợ công cụ để thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn theo đặc thù riêng của từng tổ chức.
Theo ông Đông, cũng như các lĩnh vực khác, giáo dục đang từng bước được số hóa với các nền tảng số phục vụ dạy và học. Đây cũng là lĩnh vực thu hút giới công nghệ trong và ngoài nước nghiên cứu với nhiều giải pháp đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo cũng như xu hướng chuyển đổi số. “Trên thị trường hiện có nhiều nền tảng số phục vụ giáo dục, tuy nhiên, để sở hữu một nền tảng tối ưu, chi phí thấp hay nói cách khác là một giải pháp toàn diện thì không hề đơn giản, và nền tảng SHub Classroom đã làm được điều đó”, ông Đông nhận xét.
Dùng thuật toán AI nhận diện đề bài mà không cần soạn thảo
Anh Nguyễn Đăng An (người sáng lập nền tảng SHub Classroom) cho biết lớp học được xem là cộng đồng học tập mở, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều có thể học khi đã đăng ký quyền truy cập. Đây là môi trường mà học sinh có thể học hỏi, chia sẻ hiểu biết lẫn nhau. Ngoài ra, khi học sinh có bài tập, câu hỏi cần giải đáp hay muốn học tập cách giải mới thì có thể đăng tải và cộng đồng sẽ trả lời. Đề cập tính ưu việt của nền tảng SHub Classroom, anh An cho biết các công cụ hỗ trợ lớp học hiện nay chỉ dừng lại ở số hóa quy trình dạy học và việc dạy học còn gặp nhiều khó khăn cũng như mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, sử dụng nền tảng SHub Classroom sẽ giúp tự động hóa công việc của giáo viên và học sinh trong lớp học thay vì chỉ là số hóa các quy trình dạy và học.
Hướng đến phục vụ miễn phí
Qua thời gian sử dụng nền tảng SHub Classroom, hoạt động dạy và học dễ dàng tiếp cận hơn. Theo đó, người quản lý có thể nhanh chóng nắm bắt được hoạt động của từng lớp học, từng giáo viên, thậm chí là từng học sinh mà không cần các báo cáo định kỳ. Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của SHub Classroom, các đơn vị có thể mở rộng quy mô cùng số lượng học sinh mà vẫn đảm bảo được chất lượng đồng nhất ở toàn bộ lớp học.
Với các thuật toán và công nghệ hiện đại, nền tảng SHub Classroom hỗ trợ các nhiệm vụ của giáo viên, tự động hóa hoàn toàn những việc mà trước đây phải mất hàng giờ để thực hiện. Nhờ đó giáo viên có quỹ thời gian để sáng tạo, chia sẻ với người học nhiều hơn. Còn với học sinh, nền tảng SHub Classroom giúp nâng cao trải nghiệm, gắn kết hơn với lớp học và giáo viên; đồng thời dễ dàng tìm kiếm nguồn tài liệu học tập. Trong khi đó, đối với phụ huynh, thông qua ứng dụng, phụ huynh được kết nối trực tiếp với lớp học và giáo viên, qua đó nắm bắt cụ thể tình hình học tập của con em mình. Được biết, hiện tại nền tảng SHub Classroom đã có hàng chục cộng tác viên là học sinh giỏi ở các trường THPT; thủ khoa, á khoa đầu vào của các trường ĐH danh tiếng và hàng trăm giáo viên các bộ môn. Dù ra đời chưa lâu (năm 2019) nhưng nền tảng SHub Classroom hiện có hơn 4 triệu người dùng trên cả nước và có 1,5 triệu học liệu số được tạo trên nền tảng.
Việc đăng ký tài khoản sử dụng nền tảng SHub Classroom khá dễ dàng
Hiệu quả kinh tế khi sử dụng nền tảng này cũng là điều mà người dùng quan tâm. Theo thống kê của Công ty CP Công nghệ SHub, số giờ học tập trực tuyến của học sinh trên nền tảng SHub Classroom khoảng 24 triệu giờ (bao gồm tổng thời gian tương tác với học liệu). Thời gian tiết kiệm cho giáo viên và xã hội là 1,7 triệu giờ, tương ứng với thời gian soạn thảo và chấm 41 triệu câu hỏi nếu không dùng nền tảng SHub Classroom. Chi phí in ấn tiết kiệm được khoảng 22,5 tỷ đồng cho xã hội – tương đương với 45 triệu đề bài cần in ấn nếu không dùng nền tảng SHub Classroom. Nhằm hỗ trợ công tác dạy và học trực tuyến trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Công ty CP Công nghệ SHub đã chia sẻ miễn phí 500 tài khoản cao cấp cho giáo viên nhiều trường từ tiểu học đến THPT trên toàn quốc sử dụng đồng bộ. Em Nguyễn Tiến Thành Nhân (học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Em đến với nền tảng SHub Classroom qua lời giới thiệu của giáo viên bộ môn. Lúc đó giáo viên gợi ý, em nào cần trao đổi học thuật, tìm hiểu về các bộ môn có thể đăng ký quyền truy cập của nền tảng này. Từ một học sinh cần trao đổi học thuật, nay em là cộng tác viên của nền tảng SHub Classroom, nhận thông tin câu hỏi và trả lời khoảng 20 câu hỏi/ngày từ khắp nơi gửi về”.
Hiện nền tảng SHub Classroom là một trong những mô hình khởi nghiệp được cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước quan tâm với những sản phẩm công nghệ hỗ trợ đổi mới giáo dục, đặc biệt là kết nối và xây dựng cộng đồng học tập trực tuyến. “Mô hình của SHub Classroom là sản phẩm dành cho giáo dục và phục vụ miễn phí cho học sinh và giáo viên”, anh Nguyễn Đăng An chia sẻ về định hướng trong thời gian tới.
T.Tri
Bình luận (0)