Đó là dự án nhằm tạo môi trường gắn kết giữa người nghe và người điếc do nhóm SV Trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng sáng lập. Dự án được đánh giá mang tính nhân văn, thực tiễn, là một trong 5 dự án được chương trình UPSHIFT do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF và Mạng lưới khởi nghiệp trẻ Việt Nam VYE tài trợ phát triển…
Nhóm sáng lập dự án cùng các thành viên tham gia chụp ảnh lưu niệm sau một buổi chia sẻ |
1.Nhóm SV gồm Huỳnh Thị Thiên Ngà, Võ Bích Trâm, Lê Văn Phát, Đoàn Ngọc Huyền, Đoàn Công Dũng và Dương Thị Bích Hằng, đều là SV năm thứ nhất, Trường ĐH Kinh tế – ĐH Đà Nẵng. Một điều thú vị khác là các thành viên của nhóm từng là bạn học chung dưới ngôi trường THPT Hòa Vang. Chia sẻ về ý tưởng, Huỳnh Thị Thiên Ngà cho biết, lúc đầu nhóm chỉ nghĩ đến phương án xây dựng dự án hỗ trợ người điếc, tuy nhiên sau đó qua nhiều lần tiếp xúc, sinh hoạt cùng CLB Người điếc Đà Nẵng thì nhận được nhiều sự chia sẻ về mong muốn của họ. Thế là ý tưởng về dự án Silence’s Melody Class – Giai điệu của sự thinh lặng được nhóm thống nhất lựa chọn để phát triển. “Dự án là nơi gắn kết giữa người nghe và người điếc. Ở đó, sẽ không có bất cứ âm thanh nào cả. Bạn chỉ có thể giao tiếp bằng ký hiệu, bằng cử chỉ. Đừng lo lắng, những người điếc sẽ dạy bạn điều đó. Và không chỉ nhận lại, bạn vừa là người cho đi. Bạn sẽ là người hỗ trợ những người điếc học được các bài học sơ cấp cứu cần cho cuộc sống. Bạn sẽ là người tạo ra được môi trường hòa nhập giữa người nghe và người điếc. Bạn sẽ là cầu nối giúp người điếc cảm nhận được sự tôn trọng, sự bình đẳng và được vui chơi cùng mọi người. Bạn nhận được không chỉ là sự trải nghiệm mà là tình cảm – tình cảm yêu thương giữa con người với con người khó khăn”, Ngà bộc bạch.
2.Để thực hiện được mục đích đầy nhân văn đó, nhóm phải sắp xếp thời gian học hợp lý, lên kế hoạch thực hiện chi tiết và thuyết phục để được UPSHIFT tài trợ, đưa vào phát triển trong thực tế. “Là SV năm nhất, kinh nghiệm chưa có nên gặp khá nhiều khó khăn từ khâu chuẩn bị hội thảo cho đến sự liên hệ giữa bài giảng và người phiên dịch, chuẩn bị giáo trình…”, Bích Trâm nói thêm.
Sau hơn 3 tháng chạy dự án thực tế, nhóm đã tổ chức được 3 buổi hội thảo, thu hút khoảng 100 lượt người tham gia. Hội thảo ban đầu được nhóm tổ chức ở những địa điểm người điếc thường hay sinh hoạt như Trung tâm Hỗ trợ người điếc miền Trung, Trung tâm Bảo trợ xã hội, sau đó mở rộng ra không gian quán cà phê để giúp họ có điều kiện gặp gỡ nhiều người, cũng như thu hút sự quan tâm của cộng đồng về ngôn ngữ kí hiệu. |
Sau hơn 3 tháng chạy dự án thực tế, nhóm đã tổ chức được 3 buổi hội thảo, thu hút khoảng 100 lượt người tham gia. Hội thảo ban đầu được nhóm tổ chức ở những địa điểm người điếc thường hay sinh hoạt như Trung tâm Hỗ trợ người điếc miền Trung, Trung tâm Bảo trợ xã hội, sau đó mở rộng ra không gian quán cà phê để giúp họ có điều kiện gặp gỡ nhiều người, cũng như thu hút sự quan tâm của cộng đồng về ngôn ngữ kí hiệu. Mục tiêu của dự án là hướng đến mối liên kết giữa người điếc và người nghe được. Vì vậy, hội thảo luôn có một nửa số người tham gia là người điếc và nửa còn lại là những người nghe được quan tâm đến ngôn ngữ kí hiệu tay và cộng đồng người điếc. Theo Thiên Ngà, phần kí hiệu của lớp học được chị Trương Thị Ngân (Chủ nhiệm CLB Người điếc Đà Nẵng) đảm nhiệm có kèm theo người phiên dịch để người nghe được dễ hiểu, nắm bắt bài và có thể trao đổi với người điếc thông qua ngôn ngữ cử chỉ. Mỗi bài dạy, những người bình thường thống nhất phương án sử dụng nhiều ngôn ngữ cử chỉ để tìm được tiếng nói chung với người điếc một cách nhanh nhất, cũng như dễ dàng trao đổi thông tin, nắm bắt tâm tư của nhau nhiều hơn.
Đối với phần dạy sơ cấp cứu, kỹ năng thoát nạn được các tình nguyện viên có chuyên môn y tế đứng lớp. “Nhóm xây dựng giáo án dựa trên nhu cầu của các bạn điếc. Chủ đề được linh động theo nhu cầu. Ví dụ như khi tìm hiểu thấy kỹ năng thoát nạn từ hỏa hoạn của các bạn điếc rất yếu do họ không nghe được tiếng la hét, nhóm liền xây dựng bài giảng này”, Bích Trâm cho biết. Các hoạt động hội thảo cũng thường xuyên được nhóm đăng tải trên fanpage để cộng đồng quan tâm đăng kí tham dự.
3.Ngọc Huyền bộc bạch, những thành công bước đầu là động lực để nhóm hướng đến những chương trình dài hơi. “Ban đầu khi tiếp xúc các bạn điếc, nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Mọi giao tiếp gần như thông qua chữ viết trên giấy. Sau đó mỗi thành viên đều nỗ lực học hỏi, từ kí hiệu ngắn đến dài để trao đổi với các bạn điếc. Mỗi khi thành viên nhóm giao tiếp điều gì đó bằng kí hiệu tay, các bạn điếc rất vui. Từ đó nhóm cũng vui lây và cố gắng nhiều hơn, thấy việc làm của mình có ích”.
Chia sẻ về dự định, Thiên Ngà cho biết, sắp tới, nhóm sẽ tổ chức một số mini game để tạo sân chơi nhiều hơn giữa các bạn điếc và người bình thường nghe được. Trong tương lai, nhóm mong muốn thông qua phương tiện mạng xã hội cũng như các hội thảo, sẽ có ngày càng nhiều hơn các bạn không may bị điếc và cộng đồng quan tâm đến người điếc cũng như ngôn ngữ kí hiệu cùng tham gia để giúp người điếc hòa nhập, có nhiều kỹ năng sinh hoạt cũng như hiểu hơn về họ.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)