Trong căn phòng rộng chừng 20m2 ở 56 Tô Hiệu, quận Hà Đông, Hà Nội có một lớp học của người khiếm thị. Lớp không đông, chỉ có hơn chục người cả già và trẻ. Đó là lớp học kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt dành cho người khiếm thị do Hội Người mù Hà Nội tổ chức.
Chúng tôi đến lớp vào giờ thực hành, từng cặp học viên thực hiện các kỹ thuật day, ấn, nhào bóp cùng nhiều động tác khác. Anh Nguyễn Hoành Ki, giáo viên tận tình chỉ bảo các kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt. Vừa hướng dẫn, anh vừa chuyện trò: "Bàn tay của người khiếm thị rất nhạy cảm, họ có thể "đoán" chính xác các huyệt trên cơ thể con người".
Anh N.V.T. ở Phú Xuyên, Hà Nội hồ hởi: "Cách giảng dạy của các thầy, cô giáo dễ hiểu. Tôi chỉ mất có vài ngày đã thành thạo các kỹ thuật xoa bóp, bấm huyệt. Giờ đây tôi cảm thấy rất vững tin vào tay nghề của mình". Anh T. bị khiếm thị bẩm sinh, ước mơ của anh là học được một nghề nào đó để có thể tự nuôi sống bản thân. Vì thế khi Hội Người mù Hà Nội mở lớp xoa bóp, bấm huyệt miễn phí anh đăng ký ngay. Anh T. hy vọng, khi kết thúc khóa đào tạo, được nhận vào làm ở một trung tâm xoa bóp, bấm huyệt để đỡ khó khăn cho gia đình.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Nội cho biết, hầu hết những học viên tham gia lớp học đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Tất cả đều chung một khát vọng sống mãnh liệt, mong ước được bước ra khỏi bóng tối, thực hiện ước mơ có việc làm để có thể tự nuôi sống bản thân. "Chúng tôi mời thầy về dạy cách xoa bóp, bấm huyệt thật bài bản, khoa học để học viên có thể tự kiếm sống. Hết phần lý thuyết các thầy phải nằm ra để cho trò thực hành trên người".
Lớp học trên là một phần của dự án dạy nghề và tạo việc làm cho người khiếm thị mà Hội Người mù Hà Nội đã triển khai trong nhiều năm qua. Mục đích của dự án là trang bị cho người khiếm thị một nghề để họ có thể xin được việc làm, có thu nhập nuôi sống được bản thân và gia đình. Nguồn kinh phí thực hiện chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp. Bên cạnh đó là nguồn tiền ủng hộ của các tập thể, đơn vị có lòng hảo tâm như Quỹ Ford tại Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội…
Ông Trần Trung Hiếu cho biết thêm, nghề xoa bóp, bấm huyệt có thu nhập mỗi tháng khoảng hơn triệu đồng. Nhiều người sau khi học nghề xong đã đứng ra mở cơ sở mát-xa, xoa bóp bấm huyệt, không chỉ nuôi sống được bản thân, gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người cùng cảnh. Tuy nhiên do nguồn kinh phí còn nhiều hạn chế nên mỗi năm, Hội chỉ mở được từ 2-3 lớp dạy nghề. Hội lại đang rất thiếu giáo viên và kinh phí để duy trì việc dạy nghề… Nếu có cơ chế, chính sách tạo điều kiện tốt hơn trong việc giải quyết việc làm, người khiếm thị sẽ có cơ hội rèn luyện về mặt thể chất và tinh thần dưới hình thức tự lao động, tự tạo thu nhập, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Quỳnh Anh (Hà Nội mới)
Bình luận (0)