Mỗi sáng các em len lỏi trên những con phố để kiếm sống, chiều xuống tìm về lớp học. Cứ vậy, đã hơn 15 năm qua các em học sinh (HS) – những mảnh đời khốn khó và lớp học tình thương(LHTT) của Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng (tại số 16 – đường Trần Phú – Đà Lạt) lặng lẽ tồn tại…
Lớp học tình thương của Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng |
Những mảnh đời góp nhặt
Tiếp chuyện tôi là một người đàn bà ngoài 60 tuổi với gương mặt phúc hậu – người đã 15 năm qua trở thành “bảo mẫu” của HS LHTT Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng. Bà tên là Nguyễn Thị Thoa. Bà là một trong 6 cô giáo đang dạy các lớp học ở đây. Nói về nguồn gốc của LHTT này, cô giáo Thoa cho biết: Những năm 1992-1993, một nhóm SV Trường Đại học Đà Lạt tham gia trong Đội Công tác xã hội – thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) tỉnh Lâm Đồng tình cờ gặp nhiều trẻ em bán vé số, đánh giày, trẻ em lang thang… ở Khu Hòa Bình (Đà Lạt). Hỏi chuyện, các em đều trả lời rất muốn đi học nhưng gia đình quá khó khăn phải bỏ học, tự kiếm sống… Đội Công tác xã hội vận động được hơn 10 em và tổ chức dạy văn hóa tạm thời tại một số điểm khu vực chợ Đà Lạt. Về sau, số HS tăng dần, Đội Công tác xã hội (do anh Bùi Quang Hoành làm đội trưởng) báo cáo với TTBTXH tỉnh. Trung tâm này đã thuê mặt bằng làm chi nhánh tại số 60 – đường Nguyễn Chí Thanh – Đà Lạt làm chi nhánh và mở lớp dạy các em. Chi nhánh của Trung tâm thì chật chội mà số HS tìm đến học ngày càng đông (trên 50 em) nên năm 1995, lãnh đạo TTBTXH Lâm Đồng liên hệ và được Ban giám đốc Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng thống nhất đã chuyển hơn nửa số HS sang học tập tại đây. (Do SV trong Đội công tác xã hội giảng dạy). Tháng 12-2003, Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng đã thành lập Chi đội TNTP Hồ Chí Minh, kết nạp 19 đội viên đầu tiên của LHTT. Và từ năm 2006 đến nay, LHTT này được giao Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng quản lý.
Hiện nay lớp học có tất cả 43 HS theo học tại 5 lớp: từ lớp 1 đến lớp 5. Là người có thời gian gắn bó với LHTT lâu nhất (15 năm) nên cô Thoa thuộc lòng tên tuổi, hoàn cảnh từng HS và gia đình mỗi em. HS theo học ở đây thường là gia đình đông con, mồ côi cha (hoặc mẹ), nghèo khổ và từ nhiều tỉnh, thành khác đến Đà Lạt thuê nhà ở, sinh sống bằng nhiều nghề: bán vé số, phụ hồ, chạy xe ôm, làm thuê… Nhiều gia đình cuộc sống kinh tế rất bấp bênh, đói nghèo nên không thể cho con ăn học. Ngay như các em (đa số tuổi còn rất nhỏ) đã phải đi làm thuê, đánh giày, bán vé số, bán báo… phụ giúp cha mẹ. Nhiều gia đình có tới 2, 3 con đều theo học tại các LHTT ở đây như: ba anh em Hoàng, Hà, Hải; ba chị em: Mai, Giàu, Thông hay như ba anh em: Sơn, Hồng, Sanh… Có thể thấy, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, các bậc phụ huynh chỉ còn biết phó thác sự học của con mình vào LHTT này! Dù đang học tiểu học, nhưng tuổi đời của HS lớp học này rất chênh lệch, em nhỏ nhất 7 tuổi, lớn nhất là… 20 tuổi. (Có 3 em từ 17 – 20 tuổi) đang học lớp… 5!
Lặng lẽ “trồng người”
Đang dạy tại LHTT ở đây có 6 cô giáo; trong đó 5 cô là những cô giáo đã nghỉ hưu và một cô cán bộ trẻ công tác tại Bảo hiểm của Bưu điện Lâm Đồng tham gia phụ lớp. Cũng như cô Thoa, các cô giáo đã một đời gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, nghỉ hưu “nhớ nghề”, ở nhà cũng buồn nên xin dạy học vừa tìm nguồn vui tuổi già vừa mong giúp cho những HS thiếu may mắn biết con chữ đỡ vất vả trên con đường mưu sinh. Đến với lớp học tình thương chỉ bằng tình yêu thương HS nghèo và tấm lòng tự nguyện, các cô không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì và cũng chẳng có khoản phụ cấp nào. Trừ mỗi năm, Phòng Giáo dục TP. Đà Lạt về kiểm tra, tổ chức thi hết năm học; căn cứ số HS lên lớp, Phòng GD chi thưởng một lần cho tất cả giáo viên. Số tiền chỉ 2-3 triệu đồng/người/ năm. Và cứ vậy, những cô giáo ở đây mỗi ngày niềm vui vẫn đến rộn ràng. Dù Đà Lạt những chiều sương lạnh hay mưa giăng, các cô vẫn đến lớp đúng giờ và chờ đợi HS. Mỗi tuần 5 buổi (từ thứ ba đến thứ bảy), vào 16 giờ 30 HS của các cô tìm về lớp học như đàn chim ríu rít về tổ ấm sau một ngày bươn chải kiếm sống trên mọi ngả đường. Cô giáo Nguyễn Thị Thoa kể lại những kỷ niệm xúc động trong 15 năm dạy học tại đây. Cô cho biết, những ngày mới vào học, nhiều HS mang cả cuộc sống gai góc ngoài đời vào lớp như chửi thề, quậy phá, đánh nhau… Cô giáo bắt phạt và giảng giải cho các em “mình là LHTT các con phải làm cho mọi người thương yêu mình…”. Cô giáo như mẹ hiền! Tình cảm ấy, lời dạy ấy “thấm” vào các em và các cô thật vui lòng, đến nay HS LHTT của 6 cô giáo tình nguyện này đều rất ngoan, lễ phép, biết thương yêu, nhường nhịn nhau, ham học và học rất giỏi.
Trên địa bàn Đà Lạt hiện có 3 cơ sở mở LHTT, nhưng LHTT Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng được Phòng GD Đà Lạt đánh giá cao nhất, chất lượng giáo dục tốt nhất. Toàn bộ chương trình được dạy theo quy định của Bộ GD-ĐT, do Phòng GD Đà Lạt trực tiếp quản lý về chuyên môn. Tỷ lệ HS lên lớp hàng năm đạt rất cao; đặc biệt là tỷ lệ thi tốt nghiệp hết cấp I liên tục nhiều năm học qua đạt 100%. Ngoài niềm vui chung của cô và trò, đây còn là niềm động viên rất lớn để các cô giáo ở LHTT Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng tiếp tục lặng lẽ cống hiến!
Dù phải bươn chải kiếm sống mỗi ngày nhưng mỗi chiều đến, các em không quên tìm về với lớp học. Thăm các lớp học, tôi bắt gặp trên những gương mặt hồn nhiên rất đáng yêu ấy còn lấm tấm mồ hôi, có em chưa kịp rửa vết bùn trên má!
Bài và ảnh:Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)