Ngẫm nghĩ xem mình viết đúng chưa |
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mở một lớp học dành cho các em nhỏ đang điều trị bệnh ung thư. Lớp học đã góp phần xoa dịu những nỗi đau thể xác của các em sau những lần xạ trị; xóa bớt mệt mỏi trên gương mặt người cha, người mẹ khi thấy các em vui vầy bên lớp học cùng chúng bạn…
Tranh thủ với thời gian
Mới bước vào cổng bệnh viện, chúng tôi đã thấy mọi thứ dường như rất chật chội, mùi thuốc bốc lên nồng nặc, dọc dãy hành lang la liệt những người bệnh và người nhà bệnh nhân nằm, ngồi. Thế nhưng, bước chân vào lớp học của bệnh viện là một không khí khác hẳn. Đó là một lớp học đông vui như ở trường dành cho những em học sinh điều trị bệnh ung thư từ lớp 1 đến lớp 5. Các em học một cách chăm chú, tập trung theo sự hướng dẫn của cô giáo. Ở tuổi các em, mặc dù chưa hiểu hết được ý nghĩa của cái chết nhưng dường như các em đang tranh thủ, đang chạy đua cùng với khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại để tìm kiếm những cái hay, cái đẹp của cuộc đời.
Tấn Kiệt đang ê a đọc từng chữ cái với vẻ mặt căng thẳng, tập trung. Bên cạnh là người mẹ hướng dẫn từng ly từng tý một. Mẹ Tấn Kiệt tâm sự: “Cháu bị ung thư máu điều trị ở đây đã hơn 2 tháng. Hồi hè, cháu vào lớp 2 nhưng bây giờ mọi kiến thức học ở lớp 1 cháu đã quên hết sau những lần xạ trị”. Đôi mắt ngân ngấn nước, chị kể tiếp: “Mặc dù con mình không còn ở trên đời này được bao lâu nữa nhưng nó vẫn ham học lắm, cô giáo giảng bài xong về nằm ở giường bệnh mà nó vẫn còn lấy vở ra tập đánh vần”.
Vừa chăm chú làm toán theo hướng dẫn của một anh sinh viên tình nguyện, Quyền (học sinh lớp 5, quê ở Vũng Tàu) vừa gãi chân gãi tay. Tưởng em bị ngứa nhưng thật ra sau những lần tiêm thuốc đã làm cho tay chân em bị tê cứng. Sau mỗi giờ học, em là người ra khỏi lớp muộn nhất bởi em còn phải đợi các bạn ra hết để bố mẹ vào bế về giường bệnh. Quyền kể: “Nằm ở giường bệnh chán lắm cô ơi, may mà có lớp học này nên em vừa được cô giáo giảng bài, vừa tranh thủ làm quen với các bạn”. Mới đó mà Quyền đã tỏ ra thật thân thiết với cô bé Trinh cũng đang học lớp 5 quê ở Tiền Giang. Ở lớp học này, điều làm cho chúng tôi thật sự xúc động là hầu như các em tay đều phải băng bó vì mới tiêm thuốc, mặt mũi còn nhem nhuốc thuốc vẫn đến lớp. Có những em vừa mới bôi thuốc xong là chạy sang lớp học liền.
Tay đang bị đau nhưng em vẫn nắn nót viết từng con chữ theo hướng dẫn của cô giáo |
Hôm thứ sáu, anh sinh viên tình nguyện dán bảng thông báo nghỉ tết trung thu nhưng có một em chạy đến bảo: “Anh gỡ bảng thông báo đi, để các cô dạy chúng em”.
Bệnh tật đã ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của các em. Có những em học xong rồi lại không còn nhớ gì sau những lần tiêm thuốc. Cô Đinh Thị Kim Phấn, giáo viên Trường Tiểu học Đuốc Sống, Q.1 cho biết: “Dạy những em học sinh có hoàn cảnh như thế này khó hơn rất nhiều so với các em học sinh bình thường khác. Cùng một lúc, cô giáo phải dạy các em ở tất cả các lớp. Sự khác nhau về trình độ đã là cái khó cho giáo viên rồi thì sự nỗ lực dạy đi dạy lại cho các em lại càng khó hơn nữa vì các em cũng mau chóng quên những gì mà mình đã dạy”. Ban đầu, lớp cô chỉ dạy cho những em học sinh lớp 1 nhưng thấy các em khác đứng ở ngoài cửa lớp nhìn vào một cách thèm thuồng, thậm chí có em còn khóc đòi vào lớp học. Thấy các em có niềm đam mê như vậy, các cô giáo đã tận tụy cố gắng thu xếp để tất cả các em học sinh ở đây đều được vào lớp.
Những nhà giáo với tấm lòng nhân đạo
Mặc dù công việc ở trường và ở nhà bề bộn nhưng từ lúc lớp học được khai giảng đến nay, cô không hề vắng một buổi lên lớp nào. Có hôm, giáo viên khác có việc bận là cô cố gắng thu xếp để đến dạy thay chứ “để các em chờ tội lắm”, cô tâm sự. Cô còn vận động thêm một số giáo viên ở trường mình đến giúp đỡ và giảng dạy các em. Hiện nay, lớp học của cô cũng đã có 5 giáo viên, cùng với một số bạn sinh viên tình nguyện, lớp học được tổ chức giảng dạy mỗi tuần 3 buổi. Ngày nào đến lớp, cô Thủy, một giáo viên trẻ Trường Tiểu học Đuốc Sống cũng chuẩn bị sắm mấy cái bút chì, quyển vở, thước kẻ để tặng cho các em. Cùng với các giáo viên, cô Nguyễn Thị Huyền, Phó hiệu trưởng nhà trường cũng tranh thủ ngày chủ nhật đến giảng dạy và trò chuyện cùng các em. Nếu giảng dạy vào những buổi học thứ tư, thứ sáu các em được vào lớp học thì không khí lớp học còn được thoải mái. Nhưng vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, các em phải điều trị trên giường bệnh. Vì vậy, các cô phải đến từng giường bệnh, kê bàn cho các em học trong tư thế tay này đang chuyền thuốc, tay kia lại viết bài một cách vất vả. Tuy nhiên, tất cả những bệnh tật, những đớn đau, những “cái mùi” ở bệnh viện cả thầy và trò dường như không còn nghe, không còn biết, họ vẫn say mê dạy và học.
Lớp học ở đây không chỉ có những giáo viên trẻ mà còn có những nhà giáo đã nghỉ hưu. Khi nghe tin về lớp học, họ đến thăm và mong muốn cống hiến một chút tuổi già của mình. Do biết thời gian còn quá ngắn ngủi nên đã thôi thúc họ đến dạy chữ cho các em. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng cô Sâm vẫn đều đặn tuần 3 buổi đến lớp. Cô tâm sự với mọi người, mình nghỉ hưu rồi thời gian cũng rảnh nên đến với các em giúp cô cảm thấy cuộc sống thật có ý nghĩa.
Mặc dù lớp học khai giảng mới khoảng vài tháng nhưng chừng đó thời gian được tiếp xúc với các em đã cho các cô những kỷ niệm. Những kỷ niệm vui có, buồn có. Thật xúc động biết nhường nào khi có những học trò mới vừa hôm qua còn ngọng nghịu đọc A, B, C thì hôm sau em vĩnh viễn ra đi. Cô Phấn tâm sự, từ khi cô vào dạy đến giờ đã có 4 em phải mãi mãi lìa xa cuộc đời. Mỗi lần chứng kiến sự ra đi của các em, cô rất đau lòng. Có em, trước lúc ra đi còn mong ngóng cô giáo và ráng xếp những con hạc trắng tặng cho các cô. Những kỷ niệm mà các em để lại sẽ đi theo các cô trong suốt cuộc đời đi dạy của mình.
Niềm đam mê học tập và sự nhiệt tình của các giáo viên đã góp phần tiếp thêm sức mạnh cho các em chiến đấu, giành giật từng ngày, từng giờ với cuộc sống. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng cùng với những bàn tay nhân ái của cộng đồng, các em sẽ cảm thấy những ngày tháng này thật có ý nghĩa.
Mặc dù bệnh tật đang hành hạ thể xác nhưng mơ ước được đến trường, được nghe các thầy cô giảng bài vẫn luôn ngự trị ở các em. Hôm nào cô giáo chưa vào lớp là các em lại mong ngóng, lại hỏi thăm. |
Dương Bình
Bình luận (0)