Đặc biệt bởi thầy là một anh công nhân nghèo, mới chỉ học hết bậc phổ thông. Còn trò là học sinh nghèo từ lớp 6 đến lớp 9. Thầy, trò xưng nhau bằng chú, cháu. Bảy năm thầy tình nguyện đứng lớp “không công” chỉ bằng tình yêu thương với học trò nghèo, lớp học không thu bất kỳ một đồng học phí nào, thậm chí thầy còn tặng quà, nuôi gà cho trò ăn.
Anh Hoàng Trọng Khánh đang dạy học cho các em nhỏ |
Đó là lớp học của anh Hoàng Trọng Khánh (sinh năm 1981), công nhân Công ty Bio-Pharmachemie, mà học trò vẫn quen gọi bằng cái tên trìu mến “lớp học của chú BiO”.
Ngày làm công nhân, tối làm thầy giáo
Người dân lao động quanh khu Gò Mả (Q.9) gần chục năm qua đã quá quen với hình ảnh anh công nhân Khánh ngày đi làm, tối đến lại tất tả trở về phòng trọ cho kịp giờ lên lớp.
Mỗi tối, lớp học bắt đầu từ 5h30 và kết thúc vào lúc 8h30. “Ca sớm là học sinh lớp 7, 9. Còn ca muộn hơn là học sinh lớp 6, 8. Mình dạy tất cả các môn nhưng chủ yếu là Toán, Lý, Hóa, Ngữ Văn. Riêng môn tiếng Anh thì mình chỉ nhận dạy lớp 6, 7 vì trình độ có hạn”, anh Khánh cho biết.
Trong căn phòng trọ rộng chừng 20m2, tầng trệt làm khu dạy học khối lớp 7, tầng trên rộng rãi hơn dành cho khối lớp 9, bảng viết thậm chí chỉ là tấm gạch ốp tường. Trên bục giảng, thầy vẫn mặc nguyên bộ đồ công nhân, say sưa giảng về định luật bảo toàn khối lượng, về quang năng, về lực ma sát và những công thức ngoại ngữ, phía dưới trò say mê nghe.
Kể về cơ duyên “đứng lớp”, anh Khánh nói rằng, rất tình cờ. Đó là vào một chiều muộn năm 2010, khi anh về nhà một người bạn ở khu Gò Mả (Q.9) chơi. Thấy một đám gồm 4 đứa nhỏ ngồi túm tụm ôn bài trong một lều ốc lụp xụp. Thương nên anh ghé lại giảng. “Bữa đó, mình giảng bài cho lũ nhóc đến tận tối muộn mới trở về. Trước khi về lũ nhóc còn dặn mai chú lại ghé nha”.
Từ đó, chiều nào anh công nhân Khánh sau giờ tan làm cũng trở về khu Gò Mả để “làm thầy giáo” bất đắc dĩ. Những người dân lao động nghèo quanh đó biết tin có anh công nhân nhận dạy miễn phí cho con nhà nghèo ở quán ốc cũng gửi gắm con học. “Cứ dạy mãi bên cái lều này thì không ổn, một phụ huynh cho mượn khu xưởng mộc mỗi tối để làm lớp. Được một thời gian, mình nghĩ phải có một lớp học thật sự để các em học hành, không thể tạm bợ được” – anh nhớ lại.
Dù đồng lương chỉ ít ỏi nhưng anh Khánh cũng trích phân nửa ra thuê một nhà trọ khang trang, rộng rãi để “đón học trò”. Từ 4 học trò ban đầu trong lều ốc liêu xiêu ấy, con số học sinh theo học lớp mỗi năm lại tăng lên, dao động từ 40-50 em mỗi khóa.
Không tính toán mới làm được
Thời gian đầu, anh phải đi đến từng khu nhà trọ của người lao động quanh xóm Gò Mả để kêu gọi phụ huynh cho các em đến lớp. “Mình nói, đến lớp sẽ được học miễn phí, được phát thêm sách bút”.
Để động viên các em, hàng năm, anh luôn trích một phần nhỏ trong đồng lương công nhân của mình mua những phần quả nhỏ như tập, bút, ba lô để tặng các em.
Bên cạnh đó, tận dụng khoảng vườn nơi khu trọ rộng rãi, anh tăng gia nuôi thêm gà để “bồi dưỡng” học trò của mình vì “toàn học trò nghèo, mỗi dịp ôn thi cứ xanh như tàu lá chuối”.
Đã theo học lớp học được 4 năm, em Nhật Huy (lớp 9/4, Trường THCS Tăng Nhơn Phú B) cho biết, chú Khánh dạy rất dễ hiểu, lúc nào cũng tạo không khí sảng khoái, dễ chịu khi học bài. “Ngoài việc dạy học, chú còn dạy về cách sống, cách ứng xử với mọi người xung quanh và phụ giúp ba mẹ”. |
Mới đây, khi được công ty thưởng cho 4 triệu đồng, không ngần ngại, anh lấy ngay số tiền đó mua gần chục bộ bàn ghế cho học trò và hai chiếc bảng viết. “Trước bàn ghế chắp vá, xập xệ, bảng thì phải viết trên gạch ốp tường. Nay nhìn các em ngồi bàn ghế ngay ngắn, mình cũng thấy vui” – anh Khánh cười nói.
Khi thấy anh cứ miệt mài với tụi nhỏ, không thiết tha gì ngay cả việc lập gia đình, nhiều người nói xa nói gần rằng, công nhân không lo mà làm ăn, lương ba cọc ba đồng nuôi thân chẳng đủ, còn lo mấy chuyện tầm phào. Nhưng với anh, chỉ cần rời khỏi lớp, chỉ cần nghỉ một ngày, khi tụi nhỏ lao xao, “chú BiO ơi, chú BiO à, sao hôm nay chú không dạy” là đã không cầm được lòng.
“Mỗi trò đến với lớp là một số phận buồn. Em thì cha mất sớm, mẹ lập gia đình riêng phải ở với ông ngoại cao tuổi. Em thì lại mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với chú. Nhiều em cha mẹ là dân lao động nhập cư, thu nhập bấp bênh, ngay cả việc mua một cuốn tập cũng khó khăn. Cuộc sống của các em không mấy dễ dàng”, anh Khánh nghẹn ngào. Nên với anh, “mỗi ngày được thấy tụi nhỏ tiến bộ, hăng say học tập là đã thấy công sức của mình được đền đáp”.
Để có thể dạy học trò, anh Khánh phải luôn mày mò tự học từng ngày. Anh mua sách giáo khoa về học, rồi học trên mạng internet. Với anh, mỗi lần đứng lớp là một lần tự học. “Bài nào khó quá, không giải được, mình ghi chú lại, kêu tụi nhỏ mang lên lớp hỏi cô, rồi mang về cho mình coi”.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)