Nhằm giúp đỡ những trẻ em nghèo đang trong độ tuổi đến trường biết đọc biết viết, thời gian qua Ban chỉ huy Trạm biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng TP.HCM đã tổ chức lớp học xóa mù chữ tại khu phố 5, P.Tân Thuận Đông (Q.7, TP.HCM).
Đại úy Vũ Trường Tính hướng dẫn các em học bài – Ảnh: LÊ PHƯƠNG |
Thượng tá Nguyễn Hồng Phúc, chính trị viên phó BPCK cảng TP.HCM, cho biết: “Trong quá trình tìm hiểu, nắm bắt địa bàn, mỗi khi lui tới các khu nhà trọ của những người dân sống trên địa bàn hành lang cảng Bến Nghé, anh em cán bộ, chiến sĩ đã chứng kiến không ít cảnh những đứa trẻ đến tuổi đi học vẫn ở nhà chơi đùa, thậm chí có em đã hơn 12 tuổi rồi mà chưa biết chữ.
Thực tế đó đã khiến chúng tôi trăn trở rất nhiều và rồi được sự đồng ý của cấp trên, cán bộ, chiến sĩ Trạm BPCK Bến Nghé đã cùng phối hợp với chính quyền P.Tân Thuận Đông đứng ra tổ chức lớp học xóa mù chữ mà mọi người vẫn gọi với cái tên thân thuộc là Lớp học tình thương của các chú bộ đội biên phòng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều hộ dân sống tại địa bàn hành lang cảng Bến Nghé là dân nhập cư từ các tỉnh ĐBSCL về đây thuê trọ để làm ăn mưu sinh. Cuộc sống của họ rất khó khăn khi phải chạy từng bữa ăn cho gia đình. Vì hoàn cảnh đó mà nhiều đứa trẻ đang trong lứa tuổi đi học phải theo cha mẹ đến những nơi làm mới, việc thay đổi chỗ ở liên tục cộng với điều kiện không cho phép nên nhiều đứa trẻ trong độ tuổi đến trường vẫn không biết đọc biết viết.
Từ khi được thành lập tính đến nay đã ngót bốn năm, lớp học xóa mù chữ vẫn được duy trì đều đặn tại nhà văn hóa khu phố 5. Ngoài giáo viên đứng lớp chính là đại úy Vũ Trường Tính (nhân viên kiểm soát của trạm), lớp học còn có các bạn đoàn viên của trạm, P.Tân Thuận Đông, Hải quan khu vực 3 và những sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Luật tham gia giảng dạy, hướng dẫn các em.
Vừa đưa con đến lớp học, bà Trần Thị Đô (quê Hậu Giang) chia sẻ: “Chúng tôi đến đây mưu sinh đã được bốn năm, vợ chồng tôi có tất cả ba người con, cháu út năm nay cũng đủ tuổi vào lớp 1 nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn, tôi và chồng đi làm thuê cả ngày vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống nên cũng không đủ điều kiện cho cháu đến trường như các bạn cùng trang lứa. May mắn ở đây có lớp học tình thương nên cháu mới được biết đến các con chữ, tôi chẳng biết làm gì ngoài câu nói cảm ơn gửi đến các anh”.
LÊ PHƯƠNG/TTO
Bình luận (0)