Thầy Trà đang cần mẫn dạy cho những trò nhỏ của mình |
Ở cái tuổi 84 xưa nay hiếm, ông giáo già Nguyễn Trà (P.Phương Liên, Q.Đống Đa, Hà Nội) vẫn miệt mài, cần mẫn “đưa đò” ở lớp học hướng thiện do thầy mở ra để gieo những con chữ, những bài học làm người, ươm mầm những ước mơ hoài bão thay đổi cuộc sống đến trẻ em nghèo, trẻ em đường phố lang thang, bất hạnh.
Lớp học hướng thiện của thầy Trà đã tồn tại suốt 23 năm qua. Những trò nghèo đến với lớp được thầy cho chữ, cho sách bút, cho quần áo và trên hết là tình thương, sự chở che và nâng đỡ.
Lớp học “tả pí lù”
Tôi gặp thầy Trà tại lớp học hướng thiện ở đình làng Trung Tự. Ông giáo già tóc đã ngả hết màu sương nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn, ánh mắt nụ cười vẫn ánh lên sự tinh anh lạ thường. Sáng chủ nhật, Hà Nội mưa tầm tã, lớp học vẫn ê a những tiếng trẻ thơ học bài. Bà bán hàng nước đầu đình Trung Tự, khi biết tôi hỏi về thầy, đon đả nói rằng “cả cái làng Trung Tự này ai mà không biết ông giáo Trà, ông giáo nhiều việc lắm, suốt ngày chỉ cặm cụi dạy học cho trẻ nghèo thôi”.
Lớp học hướng thiện của thầy Trà cũng có bảng đen phấn trắng, cũng bàn cũng ghế như thường, chỉ khác là học sinh trong lớp thầy ở mọi độ tuổi, mọi trình độ, từ bậc tiểu học 6, 7 tuổi cho đến ĐH. Thậm chí có cụ ông 78 tuổi vẫn còn miệt mài theo học thầy chữ Hán Nôm. Sĩ số 16 học sinh nhưng mỗi người lại học thầy một môn. Người học tiếng Việt, người học toán, lý, hóa; số khác lại học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung. Trong khuôn viên đình làng Trung Tự yên ắng, thanh lành, những cô cậu học trò ngồi thành từng nhóm nhỏ chăm chú. Thầy ngồi phía trên, trang nghiêm và trìu mến nhìn học trò. Chốc chốc lại có một cô, một cậu học sinh mang bài lên hỏi.
Những bài toán tưởng chừng hóc búa được thầy giảng giải một cách dễ hiểu, linh hoạt và đặc biệt, tính nhẩm siêu nhanh khiến học trò nào cũng thích thú. “Thầy dạy tính nhẩm còn nhanh hơn cả máy tính” là cách mà học trò nhận xét về cách dạy của thầy.
Trong lớp học của thầy Trà, mỗi trò lại là một số phận khác nhau nhưng đa phần đều khó khăn. Là những trẻ đường phố lang thang, là những trẻ nghèo phải tự mưu sinh nuôi bản thân và gia đình. Cả những người đã đi làm, theo thầy học ngoại ngữ để hy vọng tìm được một công việc tốt hơn cho cuộc sống nhẹ nhàng, dễ thở hơn.
Em Nguyễn Hoàng Thành Nhân (lớp 4) theo học thầy môn toán bị mắc chứng thần kinh, nhà trường không nhận vào học. Gia đình Nhân hết sức khó khăn, mẹ Nhân làm giúp việc nhà theo giờ, bố Nhân làm nhân viên chuyển phát nhanh, không có điều kiện để đưa Nhân theo học tại những trường dành cho trẻ đặc biệt nên đã đưa Nhân đến xin học môn toán ở lớp của thầy.
Có những em đánh giày, bán báo vẫn miệt mài cắp sách đến học thầy mỗi sáng chủ nhật hàng tuần để được nghe thầy dạy cái chữ và cách làm người.
Thậm chí, có cả mẹ cả con cùng học lớp thầy. Con học tiếng Anh, mẹ học cách dạy của thầy, học phương pháp để về kèm con.
Lớp học hướng thiện mở 4 buổi/ tuần. Sáng chủ nhật thầy dạy tất cả các môn tại đình Trung Tự, 3 buổi còn lại là sáng thứ ba, thứ năm, thứ sáu thì dạy ngoại ngữ tại ngay nhà thầy.
Chắp cánh những ước mơ bay xa
Thầy giáo Nguyễn Trà trước là học sinh Trường Bưởi, là một trong những sinh viên lứa đầu tiên của ĐH Sư phạm Hà Nội. Thầy từng dạy ở Trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Trãi trên địa bàn Hà Nội, thông thạo 4 ngoại ngữ: Tiếng Pháp, Anh, Đức, Ý và biết chữ Hán. Năm 2014, thầy đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi bằng khen trước những cống hiến của thầy cho ngành giáo dục.
|
Năm 1990, thầy Trà nghỉ hưu. Ai cũng tưởng thầy từ nay sẽ an hưởng thú vui tuổi già. Đùng một cái, năm 1992 thầy tuyên bố sẽ mở lớp học hướng thiện cho những trẻ nghèo, trẻ lang thang đường phố đến học. Người ta ngỡ ngàng thì ít mà cười nhạo thầy khùng, thầy dở thì nhiều. Hình ảnh những đứa trẻ thất thểu nhặt rác mưu sinh vì cái nghèo mà không được đến trường, nụ cười giòn tan của các em khi nghe thầy hỏi “có muốn học chữ không, thầy cho” đã khiến thầy vượt qua tất cả. Ban đầu chỉ có một em đến học, nhếch nhác, đói khát. Thầy cho quần áo, cho cơm ăn, rồi dặn kêu các bạn khác đến học, thầy cho cơm cho áo. Cứ thế, lớp học được tăng lên cấp số nhân. Các em đánh giày, bán báo cứ rảnh khi nào là đến học thầy lúc đó, chưa bao giờ thầy từ chối. Dù có một em thầy cũng kiên nhẫn ngồi giảng.
Với thầy Trà, hướng thiện nghĩa là hướng con người đến những điều thiện. Người thầy trong lớp phải biết hướng đến sự nhân nghĩa, lòng thương người còn trò thì học đạo làm người, dám ước mơ và hướng đến những điều tốt đẹp.
Mà ước mơ, theo thầy Trà đó chính là điều quan trọng nhất. Người ta, đặc biệt là trẻ thơ, phải có ước mơ, dám ước mơ, cuộc sống mới tốt đẹp. Ước mơ cho con người đôi cánh để sải, bay lên trên những bùn nhơ cuộc sống.
“Có thể bây giờ cuộc sống còn khó khăn, nhưng các em phải sống có ước mơ, có lý tưởng, hoài bão, chỉ như thế các em mới thay đổi được cuộc sống này. Nếu thầy cho chữ không thôi thì chưa đủ nếu các em sống không dám ước mơ” là điều mà thầy luôn dạy học trò nghèo của mình.
Qua mỗi buổi học thầy lại lồng vào đó để kể những câu chuyện về các vĩ nhân, những người đã dám thay đổi cuộc sống của mình vì ước mơ. Đó là chuyện chàng Chopanh đàn tiếng dương cầm trong trời mưa tầm tã để sau này trở thành người nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng toàn thế giới. Là chuyện chàng Pharaday (nhà vật lý học người Anh) khi còn là một cậu bé nghèo đã nuôi khát vọng trở thành một giảng viên ĐH môn vật lý để sau này cả thế giới phải nghiêng mình kính phục…
Rồi mỗi dịp tổ chức sinh nhật cho các em học sinh tại nhà mình, thầy lại không quên lồng vào đó những câu chuyện thú vị để các em không bao giờ ngừng mơ ước, khát khao, không bao giờ thôi niềm tin vào cuộc sống.
Không thôi đau đáu về dạy làm người
Thầy Trà nói rằng, cả cuộc đời thầy chỉ mong được dạy chữ, dạy làm người cho các em. 40 năm đứng lớp thêm 23 năm dạy lớp học hướng thiện, với thầy như thế vẫn chưa đủ để nối dài cho ước mơ của trẻ em nghèo.
23 năm qua, tiếp xúc với biết bao thế hệ học trò nghèo, những câu chuyện buồn về cuộc sống của các em luôn khiến thầy trăn trở, nhức nhối. Có cậu học trò mồ côi cha mẹ phải bỏ ngang lớp đi nhặt rác kiếm sống. Trước khi mất, mẹ của cậu còn cầm tay cậu dắt đến nhà thầy gửi gắm. Từ đó, đều đặn mỗi tháng thầy đều trích 500 ngàn đồng từ tiền lương hưu của mình để cho cậu.
Trẻ em nghèo đến học lớp thầy, ngoài việc học chữ còn được thầy giúp đỡ về sách bút học tập, quần áo để mặc, đồ ăn thức uống khi thiếu thốn.
Những lứa học trò nghèo từ lớp học hướng thiện của thầy, nhiều người đã trưởng thành, có công việc ổn định, vẫn liên hệ với thầy thường xuyên. Có nhiều người lại tiếp nghiệp của thầy, gieo con chữ, gieo đạo làm người. Với thầy, cả cuộc đời người dạy học, chỉ mong bấy nhiêu thôi.
Thầy Trà đã bàn giao lớp học hướng thiện cho Hội Khuyến học P.Phương Liên, đã chuẩn bị đầy đủ cả lớp học, cả những thầy cô dạy cho lớp, phòng khi một ngày thầy đau ốm, không thể tiếp tục dạy được nữa. Còn bây giờ, 84 tuổi, ngày ngày thầy vẫn miệt mài với công việc dạy học của mình. Chỉ cần nhìn ngắm nụ cười, ánh mắt của những trẻ nghèo, nhìn các em trưởng thành mỗi ngày, gieo cho các em những ước mơ về cuộc sống, với thầy đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời nhà giáo.
Phi Yến
Bình luận (0)