Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lớp học không lời nói: Muỗi khôn!!!

Tạp Chí Giáo Dục

Muỗi sợ vào chỗ nào?
Muỗi dễ ngủ ở chỗ nào?

Cô giáo Lê Thị Thu Xương chỉ cho học trò của mình viết từng con chữ

Hàng loạt câu hỏi về đề tài phòng chống sốt xuất huyết được đưa ra, những cánh tay giơ lên, thầy và trò cùng nhau tranh luận sôi nổi. Thế nhưng điều đặc biệt ở lớp học ấy không có một lời nói nào được cất lên, tất cả chỉ dùng bằng ký hiệu và cử chỉ.
Nơi sẻ chia của những “vầng trăng khuyết”
Cứ vào mỗi buổi sáng chủ nhật, Trường Tiểu học Lý Nhơn, quận 4 lại mở cửa để chào đón học trò khiếm thính đến từ khắp nơi trong TP.HCM và những vùng lân cận. Lớp học có hơn 50 người với đủ mọi lứa tuổi, từ những em bé tiểu học đến những cô chú tuổi chừng 40-50 do cô giáo Lê Thị Thu Xương trực tiếp giảng dạy.
Những con người ở đây có những số phận, những hoàn cảnh khác nhau, người làm thợ may, người làm bảo vệ, người bán vé số, người là sinh viên… và tất cả đều đi tìm tiếng nói chung để được chia sẻ.
Anh Thanh (quê ở Tiền Giang), 29 tuổi rồi nhưng đến giờ anh mới bắt đầu nắn nót tập viết những chữ cái đầu tiên và học các ký hiệu ngôn ngữ của người khiếm thính. Bằng cử chỉ, ký hiệu của bàn tay gân guốc đã bị chai sạn vì những ngày tháng lao động vất vả, anh chia sẻ với chúng tôi qua sự trợ giúp của một “thông dịch viên”: “Được những người quen trong Câu lạc bộ (CLB) Khiếm thính TP.HCM giới thiệu, mình lập tức đến tìm cô giáo Xương và theo học ở lớp học này cũng khá lâu rồi. Đến lớp học, tất cả những người ở đây không chỉ học các kiến thức hay mà điều quan trọng là nắm được các ký hiệu dành cho những người câm điếc để có thể chia sẻ tâm sự bất cứ khi nào. Mình không còn cảm giác cô lập giữa đám đông nữa”.
Cùng học với anh Thanh là anh Lê Trọng Vinh. Mặc dù bị câm từ nhỏ nhưng anh luôn cố gắng học hành để không thua kém bạn bè. Anh đã tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Hiện anh đang làm bảo vệ ở một công ty để có thời gian học tiếp bậc cao hơn và đến với lớp học của cô Xương. Viết lên tờ giấy trắng, anh tâm sự: “Mình đến đây không phải là học con chữ mà chủ yếu là tìm thấy niềm vui, hạnh phúc được sẻ chia sau một tuần làm việc vất vả. Lớp học này không phân biệt trình độ học vấn, chỉ những ai học được nhiều ký hiệu hơn thì họ sẽ nhanh chóng giao tiếp được nhanh hơn, nói lên được những suy nghĩ của mình nhiều hơn với mọi người”.
Một cô bé nhỏ nhắn mới học lớp 1 hoàn toàn không bị khuyết tật nhưng vẫn thức dậy sớm theo mẹ đến lớp để học các ký hiệu. Em hồn nhiên kể: “Mẹ em không nói được, em đi học cùng mẹ để em nói chuyện với mẹ nhanh hơn”. Nghe lời kể hồn nhiên của bé nhưng trong đó ẩn chứa biết bao tình yêu thương dành cho mẹ.
Học sinh phần đông là những người lớn nhưng bàn ghế ở đây lại dành cho học sinh tiểu học nên không gian có vẻ chật chội. Chỗ ngồi không thoải mái, lâu lâu các cô các chú lại phải nhích lên nhích xuống, kê đi kê lại bàn ghế nhưng ánh mắt vẫn chăm chú vào bài giảng của cô giáo. Và lớp học ấy vẫn hăng say, sôi nổi như những lớp học bình thường khác.
Gieo chữ vì tình thương

Thảo luận với học trò, không một tiếng nói nào được cất lên nhưng không khí của lớp học vẫn hết sức sinh động

Hơn 10 năm lớp học khiếm thính được thành lập, nếu tính tỉ mỉ hơn là khoảng hơn 120 tháng, 480 ngày chủ nhật cô giáo Xương vẫn cố gắng đều đặn đến lớp để học trò của mình không phải nghỉ một buổi nào.
Thời trẻ cô là giáo viên mẫu giáo, năm 33 tuổi cô đột nhiên bị tắc tiếng và bác sĩ cho biết cô bị bệnh ung thư thanh quản. Không còn tiếng nói, cô nghỉ dạy ở trường và từ đó bắt đầu làm quen với cuộc sống mới. Cô Xương tâm sự: “Để vượt qua được nỗi đau này, trong những ngày đầu cuộc sống của tôi quả thật là gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần khi mình không còn được đứng lớp”. Sau những năm tháng khó khăn với bệnh tật hiểm nghèo tưởng chừng như không thể qua được, năm 2001, cô tìm đến với CLB Khiếm thính TP.HCM và ước mơ gieo con chữ cho mọi người của cô được thực hiện.
Mặc dù không nhận được đồng lương nào từ công việc dạy cho người khiếm thính, thậm chí cô còn thường xuyên tự bỏ tiền túi từ đồng lương làm tạp vụ ít ỏi của mình để mua sắm cuốn tập, cây viết cho học trò nhưng niềm hạnh phúc khi đứng trên bục giảng đã giúp cô có thêm nghị lực đứng vững trong cuộc sống. Cô tâm sự: “Tôi may mắn hơn những người khác là chỉ mất đi tiếng nói nhưng vẫn nghe được âm thanh của cuộc sống. Nhiều năm qua một người Mỹ tình cờ gặp tôi ở sân bay và tặng cho một chiếc máy mà mỗi lần đặt lên dây thanh quản là có thể trò chuyện được. Và tôi hiểu những người trong lớp học này khao khát có được tiếng nói như thế nào nên rất muốn được chia sẻ những điều mình nghĩ, mình biết với những người kém may mắn hơn”.
20 năm mang trong mình căn bệnh ung thư, trải qua 5 lần phẫu thuật, không kể đến những ngày nằm triền miên trong bệnh viện, bệnh tật có lúc tưởng chừng đã quật ngã cô nhưng khao khát được sống, được cống hiến là sức mạnh níu giữ cô ở lại. Tuổi đã ngoại tứ tuần, đứng trên bục giảng nhìn cô giống như một cô tiên tóc bạc phơ. Khi chúng tôi hỏi điều gì đã thúc đẩy cô có một nghị lực phi thường đến vậy, cô cười với ánh mắt hiền từ: “Tôi chỉ là một người bình thường và bình thường hơn những người bình thường khác, đừng hỏi tôi có nghị lực nào, tôi chỉ biết là tôi khao khát được sống, được tiếp tục truyền đạt con chữ cho những người khiếm thính”.
Cùng dạy với cô Xương trong mấy ngày này còn có thầy Khiêm. Thầy Khiêm hiện đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Thầy mới chỉ đứng lớp hơn một tháng nhưng có vẻ như là một người thầy nhiều kinh nghiệm. Thầy kể: “Mình cũng là một người khiếm thính, mình hiểu được phần nào nỗi lòng của họ nên kể từ khi gặp cô Xương ở CLB Khiếm thính mình đã xin cô đến đây học và mong giúp những người nơi đây có được nhiều niềm vui”.
Và ở đây, còn có những sinh viên rất bình thường khác muốn sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. “Cách đây khoảng vài năm, mình đi chung với nhóm công tác xã hội của trường đến CLB Khiếm thính thành phố và gặp lớp học này. Kể từ đó, lúc nào rảnh mình cũng đến xin cô giáo cho học ké với mọi người. Mình muốn học được các ký hiệu để dễ dàng giao tiếp, chia sẻ hiểu biết của mình với những người khiếm thính” (Mỹ Như, sinh viên năm 3, Đại học Văn Lang chia sẻ).
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)