Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lớp học “làm người tử tế”

Tạp Chí Giáo Dục

Đã hơn 7 năm nay, lặng lẽ “ôm” vào mình những cái lắc đầu rằng “vác tù và hàng tổng”, cô giáo Lê Nam Linh, GV Trường chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đông Hà, Quảng Trị) vẫn đều đặn mở những lớp học miễn phí, truyền cảm hứng và khơi dậy niềm đam mê học văn cho các thế hệ học trò. Cái ân tình ấy của cô như bếp than hồng âm ỉ cháy và thổi bùng lên những nụ mầm tiềm ẩn của tình yêu văn chương!

Một giờ học ở lớp học Niềm vui của cô Nam Linh

Hào hứng với tiết học mở

5 giờ chiều chủ nhật, cánh cổng của Trung tâm GDTX TP.Đông Hà không còn cảnh cài then khóa cửa như thường lệ. Bác bảo vệ trung tâm nhiệt tình chuẩn bị phòng học với nụ cười đôn hậu: “Để cho các cháu được học thêm kiến thức thì mình về trễ hơn ngày thường một chút cũng thấy vui”. Lớp học ấy hội tụ rất nhiều thứ riêng đặc biệt: từ cái tên “Lớp học niềm vui”, cho đến học trò đang học đầu cấp cho tới cuối cấp, từ nhiều miền quê tìm về, lớp của cô giáo không thu học phí…  Nhiều cái riêng ấy chung nhau một điểm là cùng yêu môn văn và cùng nhau bàn luận, khơi gợi, trau dồi thêm kỹ năng học văn. Tiết học bắt đầu bằng khâu điểm danh sĩ số. Cô Linh bảo rằng: “Đấy là giúp các em có tinh thần tự giác và trách nhiệm hơn trong việc học của mình. Phần khác, lớp đã hơn 50 HS nhưng vẫn còn hơn 50 bạn khác đang có nhu cầu đến học mà lớp không còn chỗ trống. Sự chuyên cần của các bạn là học phí, nếu các bạn vắng 3 buổi không lí do thì sẽ phải nhường chỗ cho bạn khác”.

Giống cái cách người nông dân đặt những nhát cuốc vỡ hoang trên cánh đồng chưa hề có dấu ấn của cơ giới hóa. Những hạt mầm từ đó bật lên xanh tươi và khỏe khoắn hơn. Tiết học của cô Linh cũng vậy, không ôm đồm nhiều kiến thức, trước một buổi học mới, cô bao giờ cũng dành thời gian ôn lại những kiến thức nền đã học, tiếp đó bắt đầu khơi gợi, hướng cho học sinh tập nắm bắt và thực hành một vấn đề mới. Đi từ dễ đến khó. Quê ở tận xã Triệu Độ (huyện Hải Lăng), nhà cách lớp học cả chục cây số, em Lê Thị Phương vẫn đều đặn đến lớn niềm vui trên chiếc xe đạp cọc cạch. Phương chia sẻ: “Biết đến lớp học của cô giáo Linh từ rất lâu, năm nay lên lớp 12, dù ở trường huyện khá xa nhưng em quyết tâm sắp xếp thời gian để đạp xe ra theo học. Ở lớp học niềm vui em thấy cách dạy học văn khá thích thú, không chỉ biết thêm được nhiều kiến thức mà quan trọng nhất là với sự hướng dẫn của cô, em biết được cách thức, phương pháp để nắm bắt, triển khai một bài văn như thế nào để vừa súc tích, vừa đúng và đủ, tránh được những đoạn viết lan man, lạc đề”. Cách Phương vài dãy bàn, em Nguyễn Thanh Châu, một HS chuyên toán đến từ Trường chuyên Lê Quý Đôn hào hứng: “Lâu nay trong quan niệm của mình, học văn và viết văn rất rối rắm. Nhưng tham gia lớp học Niềm vui, em mới nhận ra rằng, học văn, cảm nhận văn là những gì rất gần gũi với cuộc sống xung quanh mình”.

Cô Linh bảo: “Một khi cảm quan được đánh thức, được khơi gợi thì việc học văn trở nên dễ như… ăn kẹo! Người học văn là phải hiểu được văn bản”. Vì vậy trước một vấn đề, cô luôn hướng cho học sinh xác định yêu cầu kiến thức và kỹ năng. Từ đó tùy vào khả năng ứng dụng, sáng tạo và khám phá của các em để làm ra những bài văn – sản phẩm của riêng mình. Những buổi học nhờ đó cũng trở nên hào hứng và sôi động hơn. Nhiều gương mặt vốn rụt rè mỗi khi nghe nhắc đến môn văn được cô giáo khai mở đã trở nên mạnh dạn và có nhiều bài văn đầy cảm xúc. “Khai mở những cảm xúc, dẫn dắt các em vượt qua những rối rắm để thấy văn là những gì diễn ra trong cuộc sống, rất gần gũi với mỗi người. Đồng thời, quá trình dạy mình vẫn luôn bám sát cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia để giúp các em vừa học tốt môn văn, vừa có thể hoàn thành kì thi quyết định của mình”.

Hành trình khơi dậy niềm yêu văn

Không phải đến bây giờ, lớp học văn miễn phí của cô Linh đã được mở từ 7 năm về trước, khi cô đang công tác tại Trường THPT Chu Văn An (huyện Triệu Phong) rồi đến Trường THPT Lê Lợi cho đến Trường chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đông Hà). Đó là chưa kể, có khoảng thời gian khi chưa đủ điều kiện để mở lớp học, cô lập hẳn một trang web, tranh thủ dành thời gian online để hướng dẫn, giúp những HS yêu thích môn văn trau dồi kỹ năng. Dù rất bận rộn với công việc dạy học ở trường suốt cả tuần, ngày chủ nhật cô vẫn tranh thủ đến với lớp học miễn phí dành cho HS yêu thích văn và cả những HS vốn rất “sợ” văn tìm đến lớp học này. Năm này nối năm khác, lớp bắt đầu mở vào đầu năm học và cũng kết thúc khi năm học ở các trường tổng kết. Cô Linh bộc bạch: “Đâu đó, câu chuyện nỗi buồn môn văn ngày càng nhiều hơn. Nhưng mình nghĩ rằng, giữa cái cách HS quay lưng với môn văn hoàn toàn khác với việc chưa tìm thấy niềm hứng thú với môn học này. Bởi vậy, khi mình khơi gợi cho các em nhìn thấy sự cần thiết giữa văn học và cuộc sống thì các em sẽ thích và sẽ yêu”.

Giới thiệu sách – một phần không thể thiếu vào cuối mỗi buổi học để tạo niềm đam mê đọc cho HS của cô Linh

Cô bảo rằng, học văn quan trọng nhất là văn hóa đọc và phải đọc nhiều, đồng thời với đó là đọc phải có phương pháp, phải hiểu. Đó cũng là lý do sau mỗi buổi dạy học, lớp học Niềm vui được cô dành thêm một khoảng thời gian giới thiệu sách. Ban đầu cô là người giới thiệu. Các buổi sau, mỗi HS trong lớp đều mang đến ít nhất một cuốn sách mà mình đã đọc và cảm thấy hay, có ý nghĩa để giới thiệu, tương tác cùng các bạn. Nói lên cảm nghĩ của mình về một chi tiết, nhân vật mà bản thân cảm thấy tâm đắc trong nội dung cuốn sách đó. Hành trình khơi dậy văn hóa đọc của cô Linh cũng là một câu chuyện thật dài. Từ những năm tháng giảng dạy ở Trường THPT Nam Hải Lăng, cứ cuối tuần, cô lại tranh thủ nhảy chuyến tàu chợ vào tận thành phố Huế, tìm đến những quầy sách cũ để chọn mua sách. Chiều tối, cô lại vội nhảy chuyến tàu trở về, ngang qua ga Mỹ Chánh, học trò đến nhận sách còn cô đi tiếp chặng đường vài chục cây số nữa để về nhà. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, không cân đo đong đếm nhiều, chỉ nghĩ đến việc học trò mình có sách để đọc, thế là cô không ngần ngại chắt bóp từ đồng lương ít ỏi của mình mà không hề toan tính.

Hai năm trở lại đây, đã có 15 tủ sách mang tên “Sách hóa nông thôn” được trao tận tay thầy trò vùng khó từ tấm lòng ấy của cô Linh. “Thông qua văn hóa đọc và đọc có chọn lọc, sẽ giúp cho những mầm non tương lai phát triển nhân cách hoàn thiện hơn, sống nhân ái và tử tế hơn”, cô tâm sự.

Hôm tôi đến thăm lớp Niềm vui, cô Linh tâm sự, hiện cô đang tiếp tục kêu gọi các mạnh thường quân chung tay để cùng tặng tủ sách cho trường THCS ở hai xã Hải Hòa, Hải Tân – những xã vùng trũng của huyện Hải Lăng. Con đường khơi dậy tình yêu văn, yêu sách dài và đòi hỏi sự bền bỉ. Hỏi cô có bao giờ thấy hụt hơi chưa? Cô cười: “Mình cứ cố gắng từng tí một. Nỗ lực bền bỉ thì sẽ đến đích!”. Không cần đến những hô hào to tát, những việc làm thầm lặng như cô Linh hay những đôi tay đưa ra giúp sức cùng cô nối dài hành trình học văn, học làm người tử tế đã viết nên câu chuyện cổ tích về ân tình chìm trong lòng phố chan chứa tình người!

Phan Nhật Lệ

Bình luận (0)