Những lớp học cầu truyền hình “2 trong 1”, “3 trong 1” là cách thức được nhiều trường THCS và THPT tại TP.HCM triển khai khi học sinh đi học trực tiếp. Các lớp học mới trong điều kiện bình thường mới không chỉ đảm bảo an toàn phòng chống dịch mà còn giúp duy trì việc dạy học trong điều kiện dịch Covid-19 còn phức tạp.
Tiết dạy học “2 trong 1” tại lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp)
Lớp học “3 trong 1”
“Các em phòng bên cạnh nghe thầy nói rõ không? Em T.A (xin giấu tên – PV) đã khỏe chưa nào? Em cố gắng nhé, mệt thì nghỉ nhé em! Bài vở sẽ được thầy và các bạn hỗ trợ”, thầy Nguyễn Trung Anh Vũ (giáo viên môn vật lý Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) bắt đầu tiết dạy trực tiếp của mình như thế tại lớp 9/6.
Lớp 9/6 có 45 học sinh. Để tổ chức dạy học trực tiếp trong điều kiện phòng chống dịch, lớp được chia ra 2 phòng, giáo viên sẽ thực hiện cầu truyền hình từ phòng này truyền trực tiếp qua phòng kia. Camera được đặt ở vị trí gần bảng chính, được kết nối với máy tính giúp truyền hình trực tiếp tiết dạy sang phòng học bên cạnh qua máy chiếu hoặc ti vi. Hôm trước trong lớp có 1 học sinh nhiễm bệnh, em tham gia học trực tuyến tại nhà. Vậy là lớp học trở thành “3 trong 1” – vừa dạy trực tiếp, vừa cầu truyền hình, vừa trực tuyến. Với học sinh học trực tuyến ở nhà thì trên máy tính còn được kết hợp thêm phần mềm Google Meet hoặc Zoom để truyền tải nội dung tiết dạy học trực tiếp đến các em. “Lớp học “2 trong 1”, “3 trong 1” là biện pháp tổ chức lớp học mới, linh hoạt, đảm bảo an toàn trong mùa dịch song vẫn đáp ứng yêu cầu tiếp thu kiến thức, tương tác của học sinh. Lúc đầu học sinh cũng lạ lẫm, nhiều em còn thiếu sự tập trung nhưng hiện nay thì đã rất ổn định. Ngoài giáo viên bộ môn giám sát, còn có thêm bộ phận giám thị thường xuyên nhắc nhở các em trong tiết học”, thầy Vũ đánh giá.
Để thích ứng với cách thức tổ chức lớp học trong điều kiện bình thường mới này, theo thầy Vũ, đòi hỏi giáo viên phải có sự chuyển đổi, uyển chuyển trong phương pháp giảng dạy. Đơn giản là thay đổi một vài thói quen như viết chữ to hơn, thường xuyên tương tác với lớp bên qua cầu truyền hình để các em có sự tập trung. Khi lớp học được chia thành 2 thì phải luân phiên để học sinh được học trực tiếp và có sự giám sát với lớp còn lại.
Dạy học trực tiếp trong điều kiện bình thường mới, Trường THCS Lê Quý Đôn đã chia học sinh 12 lớp 9 vào học ở 24 phòng và triển khai cầu truyền hình. Riêng 3 lớp tích hợp với sĩ số ít nên không tách lớp nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch.
Giáo viên cực hơn khi phải thực hiện nhiều vai trò
Ở bậc THPT, Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp) cũng triển khai lớp học “2 trong 1” ngay từ khi được dạy học trực tiếp, kết hợp vừa dạy trực tiếp và dạy trực tuyến. Hơn 40 học sinh không tham gia học trực tiếp trong toàn khối 12 được xếp thời khóa biểu theo lịch học trực tiếp của lớp 12A1. Khi trở lại trường học trực tiếp, các em sẽ được giáo viên rà soát, hệ thống lại kiến thức. “Lớp 12A1 được trang bị thêm camera đặt ở giữa lớp. Trong mỗi tiết dạy học trực tiếp, giáo viên bộ môn mở thêm 1 lớp học trực tuyến dành cho những học sinh chưa thể tham gia học trực tiếp. Khi dạy, thầy cô sẽ quan tâm hơn đến các học sinh học trực tuyến, cố gắng làm sao đưa không khí lớp học trực tiếp đến các em”, cô Lý Thị Hồng Thắm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ. Theo cô Thắm, vì là hình thức dạy học mới nên giáo viên sẽ cực hơn khi phải thực hiện song song cùng lúc nhiều vai trò trong một tiết dạy. Trong đó, thầy cô vừa phải tổ chức tiết dạy trực tiếp đảm bảo các quy định an toàn về phòng chống dịch, vừa phải thiết kế sao cho học sinh học trực tuyến hiệu quả. Đây là yêu cầu hết sức mới nhưng phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Hình thức này cũng có thể phát huy hiệu quả khi thành phố cho phép học sinh các khối lớp khác trở lại trường trong điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay.
“Để thích ứng với cách thức tổ chức lớp học trong điều kiện bình thường mới này, đòi hỏi giáo viên phải có sự chuyển đổi, uyển chuyển trong phương pháp giảng dạy”, thầy Nguyễn Trung Anh Vũ (giáo viên môn vật lý Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3) nói. |
Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5), cô Phạm Thị Bé Hiền (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, toàn trường có 21 lớp 12 được tách ra học ở nhiều phòng với 1 lớp học trực tiếp cùng giáo viên, một lớp học theo hình thức cầu truyền hình. “Việc tách lớp kết hợp hình thức cầu truyền hình cùng sự giám sát của giáo viên, giám thị là cách thức tổ chức dạy học hiệu quả, an toàn nhất trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch. Với phương pháp này, khi xuất hiện trường hợp học sinh và giáo viên có yếu tố liên quan đến dịch thì việc xử lý, khoanh vùng cũng ở quy mô nhỏ, đảm bảo duy trì việc dạy và học diễn ra liên tục”, cô Hiền đánh giá.
Trong khi đó, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) chuẩn bị riêng 3 lớp học có gắn máy chiếu, ti vi, cài đặt phần mềm học trực tuyến với hệ thống wifi mạnh nhằm phục vụ các tiết dạy học trực tiếp – trực tuyến trong trường hợp giáo viên là F0 hoặc bị cách ly. Thầy Nguyễn Anh Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, một số giáo viên nhiễm bệnh không thể tham gia dạy trực tiếp tại trường thì thầy cô sẽ chuyển đổi sang dạy trực tuyến. Trong các tiết dạy đó, học sinh sẽ di chuyển sang những phòng học này. Giáo viên ngồi tại nhà giảng trực tuyến, còn học sinh học trực tiếp trên lớp với sự quản lý của giám thị. “Dạy học trong điều kiện bình thường mới mở ra cho mỗi nhà trường nhiều sự sáng tạo, buộc thầy cô cùng học sinh phải thích ứng để đảm bảo phòng chống dịch và duy trì hình thức dạy học trực tiếp”, thầy Tuấn cho biết.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)