Thầy giáo mặc áo lính |
Lại thêm một đảo không có cầu cảng; lại phải thêm một lần “đánh đu” với sóng trên tàu và chiếc xuồng bé tẹo của bộ đội biên phòng; lại một lần phải bò lên núi, chạm tới Trạm Hải đăng rồi lần từng bước xuống bên kia chân núi mới thăm được các anh ở Đồn Biên phòng 704… Từng gương mặt nhễ nhại mồ hôi, lê những bước chân nặng trĩu. Bỗng đâu tiếng học trò “O… c…o… co huyền cò, cò bố mò cá…” vang lên chừng lưng núi. Giữa đảo xa lắc, tiếng học trò ê a chợt vỡ òa không gian yên tĩnh. Thầy giáo mang quân hàm xanh và lũ học trò mười mấy đứa, đủ cả lứa tuổi níu chân người đất liền…
Hòn Chuối cách cửa sông Ông Đốc khoảng 36km thuộc ấp 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), có 43 hộ dân mua bán, đánh lưới, làm vườn, rẫy. Những hộ dân này ở huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân ra lập nghiệp. Dân di cư, cái ăn còn chưa kịp, nói gì đến chuyện học hành của con cái. Hơn nữa, cả đảo cũng chỉ mươi mười đứa trẻ nên cứ mặc con chữ chòng chành cùng sóng. Chính tình yêu của lính từ các đơn vị Biên phòng, Hải quân, Hải đăng và Tổ an ninh đóng quân trên đảo này đã vun bồi nên lớp học tình thương ngang lưng núi. Hôm chúng tôi đến, lớp học chỉ mới bắt đầu hơn nửa tháng. Dạy chương trình lớp 1 nhưng tuổi học trò cứ vờn theo sóng: từ 4, 5 tuổi đến tận 14, 15. Còn thầy giáo đến trường quảy giỏ quân y, chưa một lần chạm chân ngành sư phạm. Tất cả đến lớp bằng tình thương và cả ước mơ, hoài bão.
Thầy giáo, Chuẩn uý Nguyễn Quốc Tự nói như khoe: “Lớp học mới mở nhưng các em đi học rất đều và học rất nghiêm. Nhiều khi hết giờ mà các em còn chưa chịu về”. Thật ra, đây là lần thứ hai Đồn Biên phòng 704 phối hợp với các đơn vị trên đảo mở lớp học tình thương. Trước đó, năm 2005 đã có một lớp tương tự ra đời và kéo dài đến năm 2007 thì kết thúc do thầy giáo… ra quân. “Không đành thấy các em lớn chừng này mà không biết đọc, biết viết” nên lớp học lại thêm lần nữa hình thành vào đầu năm nay.
Lớp học được “cải tiến” từ phòng làm việc của Kiểm lâm cụm đảo Hòn Khoai – bàn giao cùng lúc với trách nhiệm quản lý rừng trên đảo này thuộc về Đồn Biên phòng 704. Cửa sổ đóng thinh thít vì gió, chẳng có bóng đèn vì đảo Hòn Chuối chỉ có mấy giờ phát điện mỗi ngày vào sáng sớm và tối. Hai bàn học trò dài ngoằn do lính biên phòng tự chế, dắt ngang lớp học. Mười sáu em, đứa ngồi vừa tầm, đứa bàn cao tận cổ cùng lúi húi đọc đọc, viết viết. Chẳng biết từ đâu, cánh nhà báo trong đoàn kháo nhau: “Cô bé lớn nhất lớp chuẩn bị lấy chồng đấy”. Cô bé có tên rất đẹp – Mỹ Tiên, 15 tuổi, hàng ngày dắt em trai Nhật Quang 5 tuổi cùng đến lớp. Tiên bẽn lẽn nói chuyện chồng con: “Tại người ta nói chứ con đâu có chịu”. Cha đi biển, mẹ làm nghề gắp câu, chị em Tiên lâu lắm rồi chẳng được về đất liền. Quanh quẩn trên hòn, ước mơ được sống ở đất liền đã thôi thúc Tiên đến lớp. “Con muốn biết chữ để mai mốt về ngoại ở trong bờ học tiếp. Học để biết cách tính toán. Con muốn được buôn bán ở trong bờ thôi”. Hầu hết những đứa trẻ mà tôi tiếp xúc, cách này cách khác đều khát khao được sống nơi đất liền. Từng đôi mắt tròn xoe, ánh nhìn ngơ ngác. Từng lời nói, cử chỉ vụng về đến bối rối trước người lạ… Và câu trả lời nhanh nhảu của bé Nguyễn Văn Mến – 6 tuổi làm tôi cũng rối bời như chính các em vậy: Con không thích học chữ đâu. Con thích mần câu để có tiền vô bờ ăn Tết…
Để có được lớp học này, những người lính giữa đảo đã phải “chiến đấu” với quan điểm “đi học sẽ mất ngày mần” của không ít người dân trên đảo. Trong điều kiện mưu sinh giữa chốn trùng khơi, điều đó cũng khó trách được bà con. Nhưng vì tương lai của các em, người lính vẫn kiên trì thuyết phục. Anh Ngô Hoàng Chuẩn – Tổ Phó Tổ an ninh bộc bạch: “Mấy đứa 13, 14 tuổi đi học thì mất sở làm, còn tụi nhỏ 4, 5 tuổi mà đi học thì mẹ chúng phải bỏ chuyện mần đưa rước”. Chị em cùng đi học, đứa lớn được phân công làm cán bộ lớp, cùng hướng nhà thì kiêm luôn nhiệm vụ đi học cùng các em nhỏ. Và như thế, dù có em đến trường phải mất hơn 20 phút lội núi, nhưng lớp học vẫn tồn tại, luôn đều đặn hàng ngày.
Ước mong của những người lập nên lớp học giữa đảo chỉ vỏn vẹn “dạy cho các em đọc được, viết được, làm quen với chữ”; còn những đứa học trò cũng có những ước mơ rất đỗi bình thường: biết chữ để vào bờ. Nhưng ở nơi đầy sóng và gió, thực hiện điều đó thật chẳng dễ dàng chút nào. Thầy giáo phải tự mày mò lại cách phát âm mà mình đã học gần 20 năm trước, không biết có còn phù hợp với hiện tại. Thiết bị phục vụ giảng dạy hầu như không có thứ gì. Muốn có được tập vở, sách bút tặng các em để khuyến khích học tập nhưng chưa tìm được nguồn từ đâu. Thiếu nhiều, nhưng nghĩa tình của lính và ước mơ được biết chữ, được vào bờ của những đứa trẻ giữa trùng khơi vẫn mãi đong đầy.
Theo GDTĐ
Bình luận (0)