Từ mô hình “khu vườn lịch sử” sau đó bung ra thành “lớp học ngoài trời”, lớp học của thầy Nguyễn Bá Tước khiến việc dạy và học trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn, nhất là đối với môn sử.
Thầy Tước và các em học sinh tại “tháp lịch sử” – Ảnh: M.Tâm
Sáng kiến “lớp học ngoài trời” của thầy Tước rất có hiệu quả trong việc dạy học, giúp giáo viên năng động hơn trong giảng dạy, giúp trò chủ động phát biểu cũng như tiếp thu bài một cách nhẹ nhàng, thoải mái, nhớ lâu… đặc biệt là môn sử. Sở đang khuyến khích các đơn vị sáng tạo những mô hình độc đáo như vậy để mang lại hiệu quả cao trong việc dạy và học…
Ông Bùi Đức Quang (trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang)
8g sáng tại Trường tiểu học Long Thạnh 1 (xã Long Thạnh, Phụng Hiệp, Hậu Giang), học sinh lớp 4A1 đang say mê nghe cô Nguyễn Thị Thúy Hằng giảng bài lịch sử tại “lớp học ngoài trời”. Gọi là “lớp học ngoài trời” bởi lớp nằm dưới bóng mát hàng cây xanh.
Tháp lịch sử
Lớp học có diện tích 8x10m này giống y như khu vườn nhỏ xinh xắn với cổng vào ghi “khu vườn lịch sử” in nổi trên nền hình Lạc Long Quân và Âu Cơ, dọc theo hai thân cổng là hai dòng chữ “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Có hồ sen, cây cảnh, hoa, dây leo, bàn tròn, ghế nhỏ, bảng xanh, tủ sách lịch sử…
Đặc biệt, chính giữa “khu vườn” có đặt “tháp lịch sử” gồm năm tầng, ghi sơ lược lịch sử từ buổi đầu dựng và giữ nước của các vua Hùng trải dài đến ngày 30-4-1975.
Sau khi giới thiệu bài học “Quang Trung đại phá quân Thanh”, cô Hằng mời cả lớp nhìn lên mặt trước tầng 1 của “tháp lịch sử”. Ở đây có những dòng chữ viết về thế thắng như chẻ tre của hoàng đế Quang Trung khi đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi nước ta. Xong cô xoay mặt sau ra trước, tức thì hình ảnh vị vua áo vải Quang Trung oai hùng trên lưng ngựa hiện lên. Rồi cô xoay tháp đến tầng kiến thức khác khi liên hệ rộng ra vấn đề.
Khi tiết học còn 10 phút nữa kết thúc, cô Hằng đính câu hỏi trắc nghiệm trên mặt trước của tầng kiến thức. Phía dưới các em học sinh viết câu trả lời trên bảng nhỏ rồi giơ lên. Đến khi cô xoay mặt sau của tầng kiến thức hiện lên đáp án được cô đính vào trước đó, hầu như cả lớp đều reo lên bởi ai cũng trả lời đúng.
Cứ vậy qua “tháp lịch sử”, cô dẫn dắt học trò đi từ thú vị này đến thú vị khác khiến không khí lớp học sôi nổi, các em đều hăng say phát biểu… Đây là một trong những tiết học lý thú mà mô hình “lớp học ngoài trời” mang lại.
Sôi nổi, hào hứng
Ban đầu “lớp học ngoài trời” có tên là “khu vườn lịch sử”. Sáng kiến này do thầy Nguyễn Bá Tước (hiệu trưởng nhà trường) nghĩ ra, xuất phát từ thực tế môn lịch sử ít được học sinh quan tâm. Cạnh đó, nội dung và phương pháp dạy môn này chưa thật sự tạo niềm đam mê thích thú nơi các em.
Những điều này khiến thầy Tước trăn trở, đau đáu bởi theo thầy đây là môn học để làm người, giáo dục lòng yêu nước để tạo gốc rễ vững bền cho sự phát triển nhân cách con người, quyết định vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai. Nghĩ vậy nên thầy đã có sáng kiến thành lập nên “khu vườn lịch sử” mà trong đó “tháp lịch sử” là trọng tâm để việc dạy và học môn sử trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn, qua đó thay đổi nhận thức của các em, giúp các em yêu mến và thích học môn sử.
“Tháp lịch sử” được chia thành năm tầng, mỗi tầng có bốn mặt. Mỗi mặt đều xoay được để sử dụng được cả mặt trước và mặt sau. Mặt trước ghi kiến thức trọng tâm lịch sử, mặt sau là hình ảnh minh họa. Tầng 1 sơ lược từ thời đại vua Hùng dựng nước đến năm 1857. Tầng 2 tóm tắt giai đoạn lịch sử từ năm 1858-1954. Tầng 3 từ năm 1955 đến ngày 30-4-1975. Tầng 4 gồm tiểu sử và chân dung của vua Hùng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tầng 5 gồm hình bản đồ Việt Nam, đảng kỳ, quốc kỳ và trống đồng.
Thầy Tước cho biết: “Khi dạy đến phần nào giáo viên chỉ cần xoay tháp đến mặt đó. Rồi có thể xoay sang các mặt khác nếu muốn mở rộng vấn đề. Giáo viên có thể soạn nội dung cần cung cấp như câu hỏi, bài tập đính vào mặt trước, còn đáp án, nội dung cần ghi nhớ đính vào mặt sau của các tầng kiến thức”.
Từ khi sáng kiến này được áp dụng, tỉ lệ học sinh khá, giỏi môn sử tăng lên rõ rệt. Cô Hằng lý giải: “tháp lịch sử” đã hệ thống kiến thức lịch sử 4.000 năm dựng và giữ nước cũng như lẩy lên những phần quan trọng của từng bài học khiến các em nhớ lâu, hiểu cốt lõi vấn đề. Sau những bài học, giáo viên thường có các câu hỏi câu đố vui lồng ghép với kiến thức bài học. Những điều này khiến tiết học sử trở nên nhẹ nhàng, đầy sôi nổi và hào hứng. Bên cạnh đó, lớp học ngoài trời nên không gian thoáng mát cũng tạo tâm lý thoải mái giúp các em tiếp thu bài nhanh hơn.
Đến “lớp học ngoài trời”
Thấy “khu vườn lịch sử” phát huy hiệu quả nên thầy Tước quyết định nâng lên thành “lớp học ngoài trời” nhằm áp dụng rộng rãi cho tất cả các môn học như toán, tiếng Việt, khoa học, địa lý và tiết sinh hoạt Đội, chứ không chỉ bó hẹp ở việc dạy và học môn lịch sử khối 4 và 5.
Thầy diễn giải ngoài “tháp lịch sử” còn trang bị thêm hồ cá, các chậu cây, các loài hoa trên cạn và dưới nước… cùng thông tin, hình ảnh, tư liệu cho phù hợp với từng môn học, lớp học. Đến học tại đây, các em được học từ những sự vật thật, từ đó giúp các em tiếp thu bài nhanh hơn, hiểu sâu hơn và nhớ lâu hơn. Đồng thời nhờ đó mà khả năng diễn đạt của các em lưu loát hơn và ngôn từ cũng phát triển phong phú hơn.
Em Trần Việt Mỹ Ngân, lớp 4A1, cho biết: “Chúng em rất thích những giờ học tại “lớp học ngoài trời” bởi có “tháp lịch sử”, có hoa, có cá… giúp chúng em hiểu bài nhanh, nhớ bài lâu…”. Ngoài ra do không gian thoáng mát nên giờ ra chơi các em thường rủ nhau ra vui đùa và cũng để đọc những sự kiện lịch sử dân tộc tại “tháp lịch sử” hoặc tủ sách lịch sử.
Thầy Huỳnh Vũ Kha, tổng phụ trách Đội của trường, cho biết thường chọn nơi này làm điểm sinh hoạt truyền thống. Thầy nói: “Nơi đây không gian mát mẻ, có đủ tư liệu, hình ảnh minh họa thuận lợi cho việc sinh hoạt Đội theo từng chủ đề…”.
MINH TÂM
(TTO)
Bình luận (0)