Tại thành phố Linköping, Thụy Điển, giữa nhịp sống hiện đại, có một lớp học tiếng Việt đặc biệt, nơi tiếng mẹ đẻ được giữ gìn và lan tỏa qua từng con chữ. Lớp học này, do chị Lưu Sally – một người con xa xứ – khởi xướng và dạy dỗ, đã trở thành nơi kết nối tâm hồn của các em nhỏ gốc Việt với quê hương.
Với tình yêu và tâm huyết, chị Sally đã giúp các em không chỉ học ngôn ngữ mà còn thấm nhuần văn hóa Việt, vượt qua khoảng cách địa lý để giữ vững bản sắc dân tộc trong lòng mỗi học sinh nơi đây.
Trong khuôn khổ chương trình đoàn công tác đi thăm, làm việc và tìm hiểu cộng đồng người Việt Nam ở các nước khu vực Bắc Âu của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, tại TP.Linköping thuộc vùng Östergötland, Thụy Điển. Đoàn công tác đến thăm một lớp học của con em người Việt tại Trường Trung học Cơ sở Elsa Brandstrom (từ lớp 7 đến lớp 9) tại TP.Linköping, Vương quốc Thụy Điển.
Lớp dạy tiếng Việt tại vùng Östergötland
8 năm về trước, chị Lưu Sally (Nguyễn Thị Lưu – người Việt Nam ở Thụy Điển) hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại Thụy Điển, Chủ tịch Hội Người Việt tại vùng Östergötland nhận thấy việc cần thiết phải dạy văn hóa, đặc biệt là dạy tiếng Việt cho các con em trong cộng đồng người Việt, chị đã tranh thủ và tận dụng tối đa thời gian của bản thân (đang kinh doanh nhà hàng tại TP.Linköping) để tham gia dạy tiếng Việt cho con em người Việt đang theo học ở các trường tại TP.Linköping, vùng Östergötland.
Theo chị Lưu Sally, các học sinh nước ngoài tại Linköping tùy theo độ tuổi, sau giờ học chính quy tại trường sẽ được học ngôn ngữ của nước mình từ 30 phút đến một giờ mỗi ngày. Chỉ những học sinh từ lớp 7 trở lên mới có thể gộp nhóm để dạy tiếng Việt. Việc dạy tiếng Việt cho các em đòi hỏi kiến thức, sự nỗ lực, kiên trì của người dạy. Độ tuổi ở giai đoạn lớp 7 đến lớp 9, các em đều có cá tính nên mình phải có phương pháp truyền đạt phù hợp với từng em, đặc biệt là bám sát vào giáo trình của các em đang theo học tại trường. Từ đó sẽ tạo điều kiện và giúp các em vừa học kiến thức, vừa rèn luyện tiếng Việt một cách chủ động hơn.
Chị Lưu Sally chia sẻ: “Là người trực tiếp dạy tiếng Việt cho các em, tôi vô cùng cảm xúc khi nghe các em nói được tiếng Việt ở đây. 8 năm trước, khi bắt đầu tham gia dạy tiếng Việt, chỉ cần nghe các em nói vài tiếng dù chưa rõ ràng lắm cũng đã làm mình thực sự xúc động. Dù cách xa về địa lý, nhưng chính quyền sở tại vẫn tạo điều kiện để mình duy trì văn hóa, ngôn ngữ của đất nước mình rất đáng trân trọng. Các em được sinh ra tại Thụy Điển, có điều kiện học tiếng Việt, chỉ cần sau 6-8 năm, các em có thể đọc và hiểu sách tiếng Việt một cách rất rõ ràng”.
Tại buổi thăm và gặp gỡ các con em người Việt tại trường, chủ nhiệm Vũ Thị Huỳnh Mai cho biết: “Việt Nam chúng ta hiện có 54 dân tộc anh em. Tiếng Việt còn là dân tộc còn. Dù đi bất cứ nơi đâu thì các con cũng vẫn là người Việt Nam, do đó cũng phải cần giữ gìn tiếng Việt của mình, học và hiểu được cái gốc tiếng Việt sau đó có thể học ngôn ngữ của nước sở tại (Thụy Điển) hay các ngôn ngữ khác”.
“Chúng em muốn có tập viết chữ ô ly, sách in giấy từ Việt Nam”
Chia sẻ nhân buổi thăm lớp học tiếng Việt của đoàn công tác, bà Sabina Carlsson – Hiệu phó Trường Elsa Brandstrom cho biết: “Nhà trường đánh giá cao việc cô Lưu tổ chức lớp dạy tiếng Việt cho các con em người Việt đang theo học tại trường. Chúng tôi nhận thức rằng, việc học ngôn ngữ hay “tiếng mẹ đẻ” của các học sinh nước ngoài tại Thụy Điển nói chung hay của các con em người Việt nói riêng là rất quan trọng. Tại Trường Elsa Brandstrom hiện đang có các lớp giảng dạy khoảng 15 ngôn ngữ bản xứ cho các em học sinh. Điều này sẽ giúp các em hòa nhập với môi trường học và có thể tiếp cận các môn học theo từng cấp độ tại Thụy Điển một cách nhanh chóng. Nhà trường luôn tạo điều kiện để các em có thời gian tham gia học tiếng Việt tại trường. Đó cũng chính là lý do vì sao cô Lưu mở lớp và hỗ trợ dạy tiếng Việt tại Trường Elsa Brandstrom”.
Có mặt tại buổi học nhóm có các bạn như Vũ Khánh Linh, Nguyễn Hà Linh, Trần Gia Minh, Nguyễn Tấn Tài và Đỗ Trà Vi. Dù đến từ các vùng miền khác nhau ở Việt Nam, nhưng khi được hỏi về mong muốn, nhu cầu cũng như điều kiện để có thể giúp các em học tiếng Việt một cách thuận lợi hơn, các em đều không nêu nguyện vọng ngay mà xin phép được thảo luận nhóm. Sau khoảng thời gian ngắn thảo luận, một bạn đại diện nhóm chia sẻ mong muốn được hỗ trợ tập viết chữ ô ly để các em có thể luyện chữ viết và các tài liệu, sách in trên giấy để học.
Điều làm đoàn công tác khá bất ngờ chính là các em thực sự cần những tập, sách in giấy thay vì những tài liệu học được số hóa theo xu hướng chuyển đổi số chung. Lý giải về điều này, các em mong muốn cảm nhận được cầm trên tay những sách vở như đang được học tại Việt Nam.
Chủ nhiệm Vũ Thị Huỳnh Mai đánh giá cao phương pháp dạy tiếng Việt của cô Lưu Sally rất khoa học và phù hợp. Trên cơ sở những mong muốn của các em, đoàn công tác cũng sẽ có báo cáo cụ thể với lãnh đạo UBND TP.HCM. Sắp tới đây, trong đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP sẽ phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM nghiên cứu các phương pháp dạy và học tiếng Việt sao cho hiệu quả và dễ dàng thực hiện hơn bên cạnh việc hỗ trợ giảng dạy như cô Lưu Sally.
Giữa TP.Linköping xa xôi, lớp học tiếng Việt nhỏ bé đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị thiêng liêng của quê hương. Từng con chữ, từng lời giảng của chị Lưu Sally không chỉ đơn thuần là dạy ngôn ngữ, mà còn là nhịp cầu gắn kết các em nhỏ với cội nguồn. Mỗi em, dù sinh ra nơi đất khách, đều mang trong mình tình yêu sâu đậm dành cho quê hương qua từng trang sách tiếng Việt. Chính nơi đây, bản sắc Việt được truyền lại, nuôi dưỡng trong lòng những thế hệ mai sau, giữ vững ngọn lửa quê hương trong tim các em dù ở bất cứ nơi đâu.
Thủy Phạm
Bình luận (0)