Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lớp học tình thương “5 trong 1”

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là lớp học tình thương tại Trung tâm học tập cộng đồng phường 15, quận Tân Bình. Trong một lớp 25 em nhưng có đủ “trình độ” từ lớp 1 tới lớp 5. Ở đó, các em được yêu thương, được chăm lo về cả giáo dục và y tế.

Các em HS của lớp học tình thương vui mừng vì được nhận quà đầu năm học mới 2017-2018

Nâng bước chân em vào đời

Người đầu tiên khởi xướng thành lập nên lớp học tình thương này vào năm 1996 là ông Võ Minh Nhật, trưởng ban chăm sóc trẻ em phường 15. Trong bối cảnh của thập niên 90, địa bàn phường 15 là một vùng trũng, thuần nông, không quan trọng việc học hành, nên lớp học tình thương khởi đầu chỉ có 5 em theo học. Dần dà, với nỗ lực của thầy cô giáo và sự phối hợp của cán bộ phường vào từng thôn xóm, hẻm hóc “chiêu sinh” học trò, lớp học tình thương mới ngày càng đông hơn. Tuy nhiên, vì phần đông là con em của những gia đình lao động di cư, vừa đi bán vé số, phụ bán hàng ăn, nhặt ve chai… vừa đi học, nên sĩ số lớp học luôn biến động. Để giúp các em bám lớp, bám trường, thầy cô phải động viên, thăm hỏi gia đình các em thường xuyên. Điều đặc biệt ở lớp học này là có học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 thuộc nhiều độ tuổi, có em 15 tuổi mới lần đầu làm quen với cái chữ. Trong đó, thầy Nguyễn Tất Hữu phụ trách từ lớp 1 đến lớp 3, còn vợ thầy là cô Võ Thị Bích Vân coi sóc học sinh lớp 4 và lớp 5. Trong lớp học linh hoạt này, khi thầy ra đề toán cho học sinh lớp 1 thì tương tự sẽ cho học sinh lớp 2 luyện viết, tập đọc. Với sáng kiến “khóa miệng em này, mở miệng em kia” và cách phân bố thời khóa biểu hợp lý, nên chất lượng giảng dạy vẫn đảm bảo theo đúng tiến độ của chương trình chính quy của thành phố. 

Bên cạnh đó, lớp học tình thương còn được Trường TH Nguyễn Văn Kịp hỗ trợ về chuyên môn thông qua việc cung cấp đề thi học kỳ, đề thi tốt nghiệp, cử giáo viên coi thi, chấm thi và lo học bạ để các em có thể tiếp tục theo học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Tân Bình.

Hơn 20 năm kể từ khi thành lập đến nay, lớp học tình thương là nơi đã nâng bước chân nhiều thế hệ học sinh vào đời. Trong đó, nhiều em đã tốt nghiệp đại học, trở thành giáo viên, nhân viên ngành xuất nhập khẩu, kỹ sư tin học, kỹ sư xây dựng, cử nhân môi trường, trung cấp nghề hoặc mở tiệm kinh doanh riêng… Và nay lớp học tình thương này vẫn đang tiếp tục dưỡng nuôi những ước mơ cháy bỏng của các em nhỏ. Em Đào Thị Trâm Anh (HS lớp 5) cùng em gái đang học ở đây cho biết, lớp học này là nơi mẹ và các cậu dì của em đã theo học. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, cha vướng vào vòng lao lý, còn mẹ em bán vé số kiếm cái ăn hàng ngày đã khó, vì vậy “thật tốt vì chúng em được đi học mà không phải đóng tiền. Em hứa sẽ cố gắng học giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo và chữa bệnh cho bà ngoại nữa, vì ngoại bị bệnh tim mà không có tiền uống thuốc”.

Vừa là thầy cô, vừa là cha mẹ

Đó là cảm nhận của cựu HS Nguyễn Thị Ngọc, hiện là giáo viên Trường TH Tân Thạnh, Tây Ninh. Ngọc đã nói về điều thiêng liêng đó với lòng tri ân và đầy tự hào: “Thầy cô mặc dù dạy học không có lương, nhưng đã chăm lo cho chúng em bằng tình thương của người cha, người mẹ. Nhờ vậy mà chúng em mới có ngày hôm nay”. Ngọc kể, vào năm 1994, 5 mẹ con em trôi dạt đến TP.HCM mà chẳng có ai có giấy khai sinh. Mẹ em bươn chải bằng nghề bán mắt kính dạo kiếm cái ăn hằng ngày. Thật may mắn khi cả 4 chị em Ngọc đều được vợ chồng thầy Hữu – cô Vân khuyến khích đến trường từ năm 1995. Khi đó, thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức, giáo dục nhân cách cho HS, thầy cô còn là người chủ động kết hợp với chính quyền và mạnh thường quân lo cho các em từng tấm áo, quyển vở, chiếc cặp để học trò có thể đến trường một cách tươm tất, thậm chí hỗ trợ từng món quà cho những dịp lễ tết, đồng thời chuyên chăm đến từng gia đình để vận động con em đến trường.

Nhớ về hoàn cảnh lúc đó, Ngọc nói với giọng rưng rưng: “Vì không có nơi học cố định nên thầy cô phải chạy đôn chạy đáo nhờ hết chỗ này đến chỗ kia. Khi thì tổ chức lớp học ở chốt dân phòng, ở đình chùa, lúc phải học nhờ ở Trường TH Lê Lai và THCS Lê Lợi, ủy ban phường, hoặc vào nhà thầy cô giáo… Chỗ học tạm có nơi không được lành lặn, trời mưa dột ướt thì cả thầy lẫn trò phải tìm chỗ để ngồi học bằng được. Mỗi mùa Tết Trung thu, thầy cô còn đi xin từng cái lồng đèn làm bằng giấy bóng kiếng rồi đội mưa phát đèn trung thu, phát bánh cho chúng em”. Theo cô giáo Ngọc, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cùng tình yêu thương của thầy cô và sự hỗ trợ tích cực của các nhà hảo tâm, mà nhiều thế hệ HS của lớp học tình thương nay đã có cuộc sống ổn định và thành đạt. Tiêu biểu như 4 chị em Ngọc nay đều có việc làm và cuộc sống tốt, Ngọc làm giáo viên, em gái làm kế toán, em trai làm kỹ thuật viên bảo trì điện và em út hiện công tác trong ngành công an.

Có được những người học trò hiếu thảo, có lẽ không thể không kể đến quá trình dày công giáo dưỡng của thầy Nguyễn Tất Hữu, cô Võ Thị Bích Vân cùng các đồng nghiệp, những người đã gắn bó với công tác giáo dục của lớp học tình thương từ những ngày đầu từ khi mới thành lập. Thầy Hữu quan niệm: “Bên cạnh việc dạy cho các em biết cái chữ, thì việc dạy nhân cách cho các em cũng rất quan trọng và phải rèn luyện từ những điều nhỏ nhặt nhất, nhằm giúp các em hướng đến những điều tốt đẹp”. Ưu tư của thầy Hữu cũng là nỗi trăn trở của các thầy cô giáo, vì trong lớp có một số em thuộc gia đình cha mẹ li dị, nghiện ma túy hoặc vướng vào vòng lao lý. Do đó, khi thấy có em lần đầu đến lớp đội nón đi xồng xộc vào trong lớp học, ngủ gật hoặc gác chân lên bàn, thầy cô vẫn ân cần nhắc nhở, tập rèn cho các em sự lễ phép, quần áo chỉnh tề khi đến lớp và tác phong ngay ngắn trong giờ học. Thậm chí, thầy cô còn thay nhau quét lớp, dọn nhà vệ sinh để làm gương và tạo ý thức tự giác cho các em. Cùng chồng gắn bó với lớp học tình thương hơn 20 năm qua, cô Võ Thị Bích Vân tâm sự: “Chúng tôi luôn mong làm những điều tốt đẹp cho các em. Vì chỉ có học tập mới giúp các em có cái chữ, thoát nghèo, làm hành trang để các em vào đời và thành nhân mai sau”.

Chung tay vì tình yêu thương

Hơn một năm qua các em HS trong lớp học tình thương còn được các bác sĩ và nhóm sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chăm sóc về sức khỏe định kỳ hàng tháng. Trong trường hợp có HS bị bệnh đột xuất, thì bác sĩ sẽ đến giúp các em ngay lập tức. Trưởng nhóm là BS. Nguyễn Nam Hà (Chuyên khoa Tai mũi họng – Giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết, anh cùng vợ là dược sĩ Nguyễn Thị Thúy Vi và các đồng nghiệp luôn mong muốn có sự kết hợp giữa ngành giáo dục và ngành y tế, để cùng chung tay trong công tác chăm sóc sức khỏe cho các em HS. BS. Nam Hà chia sẻ: “Ngành giáo dục giúp cho các em về tri thức, thì ngành y tế sẽ chăm lo các em về sức khỏe. Khi các em có sức khỏe thì cũng sẽ học tốt hơn. Hy vọng khi cảm nhận được sự quan tâm của xã hội, tin rằng các em sẽ có thêm động lực để nỗ lực phấn đấu trở thành người tốt, biết yêu thương và sẻ chia với mọi người xung quanh”. Không chỉ chăm lo về y tế, BS Nam Hà còn là người mời gọi mạnh thường quân hỗ trợ cho các em trong năm học mới.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn (Chủ tịch Hội khuyến học, Phó Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng phường 15), đây là địa bàn có đặc thù riêng với hàng ngàn phòng trọ và khoảng 10 ngàn dân lao động nhập cư. Các hộ gia đình này có hoàn cảnh khó khăn nên điều kiện cho các em đến trường không nhiều. Do đó, để đảm bảo công bằng trong giáo dục, phường đã tổ chức lớp học phổ cập và lớp học tình thương với khoảng 70 em HS theo học mỗi năm. Qua đó, nhằm tạo môi trường lành mạnh và điều kiện cho các em được học hành, sau này giúp ích cho xã hội. Ngoài việc học chính khóa, các em còn được theo học các lớp vi tính, Anh văn thiếu nhi, phổ cập tin học, phổ cập bơi… Và điều đáng mừng là sau hơn 20 năm hoạt động, từ mái trường này đã có nhiều em HS vào đời, thành đạt, và trở về để tiếp tục giúp đỡ các thế hệ đàn em. “Điều đáng quý nữa là đội ngũ giáo viên giảng đến với lớp học tình thương và phổ cập đều là những tình nguyện viên với lòng nhiệt thành thương yêu các em mà không đòi hỏi gì về lương bổng…”, ông Sơn cho biết thêm.

Bích Vân

Bình luận (0)