“Tôi chỉ ước mơ cho tất cả trẻ em được đến trường, được chăm sóc, yêu thương cho dù các em bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hay gia đình nghèo khó. Hy vọng một ngày nào đó các em sẽ trưởng thành, là người có ích cho xã hội”. Đó là tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Vĩnh Long), người có 36 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó 16 năm làm giáo viên phổ cập tiểu học.
Gieo chữ cho những mảnh đời bất hạnh!
Ra trường trong những năm đất nước vừa chấm dứt chiến tranh, cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga đã về công tác tại nhiều điểm trường của tỉnh Vĩnh Long trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Năm 1992, cô Nga nhận công tác giáo viên phổ cập của Trường Tiểu học Chu Văn An thuộc phường 8, thị xã Vĩnh Long. Đây là phường có đông hộ nghèo, là một địa bàn phức tạp do có bến xe khách và tuyến Quốc lộ 1A ngang qua, dân cư từ những nơi khác chuyển đến để làm ăn, sinh sống rất nhiều, đa số là người nghèo, không có nghề nghiệp. Cuộc sống của trẻ em nơi đây chủ yếu là đi lượm rác, nhặt ve chai, bán vé số, thậm chí lang thang bụi đời để kiếm bữa qua ngày, chưa từng biết đến con chữ. Trước tình hình đó, một số trẻ em do theo cha mẹ đi làm ăn, gia đình nghèo, mồ côi nên không thể đến trường. Còn có những em bị bệnh bẩm sinh nên sức khoẻ yếu, hay bị thiểu năng trí tuệ, bị bệnh đao, tật nguyền,… nên không thể vào học các lớp chính qui ở các trường tiểu học được. Làm sao để các em đều được đi học là một trăn trở luôn day dứt và thôi thúc cô Nga. Vì thế, cô đã xin mở lớp học tình thương, đi đến từng nhà để vận động và tổ chức các em thành một lớp học. Cô không nhận bất kì một khoản thù lao hay học phí. Sở GD và phòng giáo dục hỗ trợ một số tập sách, cô trích ra một phần nho nhỏ lương của mình để mua sách cũ, tập, viết, bảng con, bánh kẹo cho các em. Cô dạy các em bằng tất cả lòng thương yêu và sự thông cảm. Ngoài lớp học tình thương cô Nga còn mở thêm lớp xoá mù chữ cho những người từ 15- 35 tuổi, cô nhận dạy tất cả những ai muốn vào học, chủ yếu là những người bán vé số, chạy xe ba gác, những người làm công,… Hiện nay cô vẫn duy trì lớp học này vào mỗi buổi tối thứ 2, 4, 5, 6 hàng tuần tại nhà riêng của cô, người học không phải đóng tiền mà còn được hỗ trợ tập, sách, và các vật dụng học tập khác.
Gian nan mới có kết quả ngọt bùi
Khi mới thành lập, lớp học tình thương còn nhiều khó khăn, không đủ sách để cho các em học nên cô phải chia bảng ra làm 5 phần, mỗi lớp 1 phần, cô phải chép toàn bộ lên bảng để các em học. Đa phần các em có gia đình nghèo nên cha mẹ muốn con em mình phụ giúp hoặc cho con đi theo bán vé số kiếm sống, không muốn cho con đi học. Các em bị khuyết tật chiếm đa số trong lớp nên việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Vì thế cô tổ chức các em bình thường giúp đỡ những em khuyết tật.
Mỗi buổi sáng cô cho cả lớp tập thể dục, sau đó có kiểm tra và cho điểm, các em rất thích có điểm nên em nào cũng cố gắng, từ đó tìm ra những em có cố gắng được thưởng bánh, kẹo, trái cây. Mỗi tháng lớp còn tổ chức sinh nhật, tặng quà cho những HS có sinh nhật trong tháng đó, những phần quà hết sức bình dị, mộc mạc đó là những bông hoa dại ven đường, một con hạc giấy, hay những lời chúc được viết, trang trí và bao lại rất cẩn thận, đối với các em đó là những món quà quí giá nhất từ sự đồng cảm và chia sẻ. Do lớp học có hiệu quả, “tiếng lành đồn xa” nên các phụ huynh thông cảm và cho con đi học. Ban đầu lớp tình thương chỉ có 15 em, thời gian sau, lớp học của cô ngày càng có nhiều học sinh theo học, có lúc lên đến khoảng 40 học sinh, có những em ở phường khác cũng đến học.
Tâm huyết với nghề, cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga cũng là giáo viên giỏi nhiều năm liền của tỉnh Vĩnh Long, là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được trao tặng Huy chương vì trẻ em Việt Nam và nhiều bằng khen khác. Cô tâm sự: “Niềm vui lớn nhất của tôi là khi thấy các em có tiến bộ, phát triển dù chỉ một ít. Nhiều phụ huynh về nhà thấy con mình biết đọc biết viết, biết cộng, trừ, nhân, chia vô cùng bất ngờ, chạy lại vừa khóc vừa cảm ơn, đó chính là nguồn nghị lực lớn nhất để tôi vượt qua tất cả”.
Nguyễn Quốc Ngữ
Bình luận (0)