“Lớp học ve chai” là cách gọi mà nhiều học sinh Trường THCS Hoa Lư (Q.9, TP.HCM) dành cho lớp 7A1 và cô Nguyễn Lynh Thy (giáo viên dạy văn). Với dự án “Chuyện của rác”, cô Thy và học sinh đã thay rác kể lại chuyện đời đầy ý nghĩa của mình trong chuyến hành trình mang tên tái chế, để trở thành những vật phẩm hữu ích trong cuộc sống hàng ngày.
Bàn ghế bằng chai nước ngọt |
“Chuyện của rác” không chỉ giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh từ việc phân loại rác hàng ngày mà còn trao cho các em những kỹ năng tái chế rác thải.
Tái sinh… rác
“Chuyện kể rằng, rất nhiều loại rác, dù đã đi hết phần đời của mình, bị người đời vứt bỏ nhưng nếu chúng ta biết tận dụng thì rác lại được tái sinh”, đó là một trong những lý do cô Thy và học sinh của mình miệt mài trong hành trình kể lại câu chuyện của rác. “Từ chai lọ, bìa cát-tông, que kem, rác thực vật nhà bếp, lốp xe hỏng… đều có thể được tận dụng để làm ra những vật phẩm độc đáo, có giá trị về mặt thẩm mỹ lại bảo vệ môi trường”, cô Thy chia sẻ.
“Chuyện của rác” được thực hiện trong 5 tuần, trong đó mỗi tuần lại gửi gắm một chủ đề, một thông điệp riêng. Tiếng nói chai lọ là những sản phẩm thủ công như bình hoa, chậu cây cảnh thậm chí là bàn ghế được làm từ những vỏ chai, lọ. Bìa cát-tông tỏa sáng lại là phát minh máy rót nước ngọt, máy nhả bánh được làm từ… bìa cát-tông. Khu vườn bánh xe mang đến những sắc màu mới khi hô biến một khoảng đất trong sân trường để làm một khu vườn với những chậu cây, vật trang trí từ… bánh xe. “Cả lớp được chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm đảm nhận một vai trò riêng. Nhóm báo cáo viên có nhiệm vụ thực hiện những bài văn nghị luận về tuyên truyền bảo vệ môi trường, phân loại rác. Nhóm kỹ sư sẽ tập trung nghiên cứu để sáng chế, cho ra đời những chiếc máy từ rác. Nhóm thiết kế tự mình lên ý tưởng để tạo ra khu vườn bánh xe. Ngoài ra còn có nhóm thợ thủ công, nhóm tuyên truyền viên…”, cô Thy cho hay.
Theo cô Thy, mỗi nhiệm vụ đều đặt ra những thách thức riêng, trên hết là cho các em những trải nghiệm về sự sáng tạo. “Tôi chỉ đưa ra ý tưởng, rằng “cô thấy vậy đó, các em làm được không”. Lúc các em kêu “dạ được”, tôi vẫn hoài nghi. Đến khi chứng kiến những sản phẩm tôi mới tin là học sinh của mình làm được”, cô Thy kể.
Trong vai một nhà kỹ sư chế tạo ra máy rót nước ngọt, em Đàm Lê Khải (thành viên lớp 7A1) cho biết máy được làm từ thùng cát-tông cũ và một mạch điện xoay chiều đơn giản cộng với một máy bơm mini. Chúng em phải làm đi làm lại nhiều lần mới có thể cho ra một sản phẩm. Máy không chỉ rót được nước ngọt mà cả trà sữa hay bất cứ loại nước nào.
Câu chuyện nhỏ, ý nghĩa lớn
Trao đổi với chúng tôi, cô Thy cho biết: “Quan trọng nhất là thay đổi được nhận thức giữ gìn bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác của học sinh trong lớp, trong trường. Trước đây, sau mỗi giờ chào cờ, giấy phủ trắng trường. Lớp sau mỗi buổi học luôn ngập trong rác. Từ khi dự án thực hiện, những hình ảnh xấu xí này đã hạn chế. Việc phân loại rác từ nguồn cũng được các em làm mà không còn phải nhắc nhở”.
Sơn bánh xe để làm khu vườn bánh xe |
‘‘Một bộ bàn ghế bằng chai nước ngọt thường ngốn khoảng gần 500 chai. Những chai này, chúng em thu nhặt ngay tại nguồn rác, đã được các bạn trong trường phân loại sẵn. Bởi vậy nên các bạn trong trường thường gọi tụi em là lớp học… ve chai’’, Mai Lê Khanh (thành viên lớp 7A1) hóm hỉnh cho biết.
Lê Khanh nói thêm: ‘‘Những tờ rơi, poster của dự án được chúng em mang đến tận khu dân cư, chợ Kiến Thiết phát cho người dân để tuyên truyền cho mọi người hiểu rằng bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Nhiều người lớn vì thế đã thay đổi được thói quen vứt rác bừa bãi’’.
Trên fanpage (trang mạng xã hội) của dự án, không thiếu những chia sẻ ngỡ ngàng đến từ phía phụ huynh khi thấy con mình tự giác gom rác đi đổ, tự dọn dẹp nhà cửa, tự trồng cây, trang trí… ‘‘Con đã thay đổi’’ là cảm nhận chung của nhiều bậc cha mẹ khi nói về con mình đã ‘‘trưởng thành’’ như thế nào trong dự án.
Gây quỹ tổ chức sinh nhật cho học sinh khó khăn
Những sản phẩm tái chế từ rác còn được thầy và trò bán gây quỹ để tổ chức sinh nhật cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường. ‘‘Không nhiều, không hoành tráng nhưng lại rộn rã tiếng cười, niềm vui và cả những nghẹn ngào. Cho các em những kỷ niệm đáng nhớ của tuổi học trò. Có em, thậm chí còn chưa một lần được biết đến sinh nhật. Qua đó, dạy cho các em tình yêu thương, san sẻ, biết thiện lương và quan tâm đến những người xung quanh’’, cô Thy chia sẻ. |
"Ban đầu khi nghe con nói mẹ phải phân loại rác thành 3 thùng, rác không thể tái chế, rác tái chế, rác nhà bếp. Tôi thấy sao rắc rối quá. Nhưng rồi thấy con tự làm, mọi thứ trở nên gọn gàng hơn. Rác tái chế con mang cho các cô thu lượm ve chai, rác nhà bếp thì con tận dụng trồng cây trên ban công. Sự trưởng thành của con khiến tôi thực sự xúc động", phụ huynh em Lê Uyên nghẹn ngào nói.
Khu vườn bánh xe trong khoảng sân nhỏ trước trường sau một thời gian giờ đã xanh um, rực rỡ sắc màu từ những chú bọ rùa, ếch cốm, heo con được các em sơn vẽ… từ bánh xe. Bộ bàn ghế tái chế từ chai nước ngọt cũng được bày biện tại đây để học sinh toàn trường được ngồi. ‘‘Khi chứng kiến thành quả của mình, các em sẽ nhận thấy ý nghĩa của việc mình làm. Rác khi được đặt đúng chỗ cũng sẽ tỏa sáng’’, cô Thy nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)