Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Lớp học vùng biên

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Lớp học tình thương ĐBP 893Tân Hưng là một trong 6 huyện nằm trong vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực biên giới, nhiều trẻ em không được đến lớp. Trước tình hình đó, Đồn biên phòng (ĐBP) 893 đã thành lập lớp học tình thương và tổ chức dạy học cho những trẻ em nghèo không có điều kiện đến lớp. Hơn 10 năm qua, lớp học tình thương của đồn có nhiều đóng góp trong công tác xóa  mù chữ, phổ cập giáo dục ở địa phương.

Khi chiến sĩ quân hàm xanh… làm thầy giáo

Lớp học tình thương của các chiến sĩ quân hàm xanh không có những chiếc áo mới trắng tinh, không có những vị phụ huynh đưa đón con đến tận cổng trường. Học trò của các anh chiến sĩ là những cô bé, cậu bé da sạm đen, tóc cháy nắng, với những chiếc áo ố vàng màu thời gian. Nhưng ánh mắt thì lúc nào cũng ánh lên niềm vui vì ngày ngày được đến lớp, vui đùa bên bạn bè và được các thầy truyền cho cái chữ.

Hằng năm khi sắp đến mùa khai trường, Đội vận động quần chúng của ĐBP 893 đến từng gia đình các em có độ tuổi từ 6-14 tuổi vận động các bậc phụ huynh đưa trẻ đến trường. Rồi đến cuối tháng 11 khi các trường đã đi vào nề nếp học tập ổn định,  bộ đội biên phòng (BĐBP) lại đi rà soát lại trong khu vực. Em nào trong độ tuổi đến trường mà không được đi học, BĐBP vận động gia đình cho các em vào các lớp học tình thương của đồn.

Lớp học tình thương của đồn được thành lập  từ năm 1996. Ban đầu chỉ có duy nhất một lớp với 30 học sinh đủ các độ tuổi đến học. Phòng học lúc ấy cũng chỉ là một căn chòi nhỏ bằng vách lá, bàn ghế học tập cũng chính là “sản phẩm” tự tạo bằng gỗ tràm của các anh chiến sĩ BĐBP.

n 10 năm qua bao lớp học trò của các thầy giáo quân hàm xanh đã ra trường, lớp học tạm bợ ngày xưa cũng được thay thế bằng ba phòng học khang trang (do Báo Công An TP.HCM tài trợ và công sức của BĐBP đóng góp xây dựng nên). Ngày nay, đến thăm các lớp học, chúng tôi không còn thấy những học sinh lớn tuổi nữa, những trẻ em nghèo đến học ngày càng nhiều, có khi lên đến khoảng trăm em. Chỉ tiếc là sau khi hoàn thành chương trình tiểu học ở lớp học tình thương của đồn, số học sinh tiếp tục học lên cấp 2 còn rất ít, chỉ đủ đếm trên đầu các ngón tay.

Vừa dạy chữ vừa phụ việc nhà cho học sinh

Theo Trung tá Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm chính trị, Bộ chỉ huy BĐBP Long An thì học trò của các lớp học tình thương là con, em của những gia đình còn nhiều khó khăn, cha mẹ tha phương đi làm ăn xa, nay đây mai đó, chỗ ở không ổn định. Cán bộ chiến sĩ ngoài việc vận động, thuyết phục phụ huynh cho các em đến lớp, đôi khi còn phải đến phụ giúp việc trong gia đình các em để học sinh yên tâm đến lớp.

Chiến sĩ Nguyễn Thanh Truyền, 23 tuổi, thầy giáo của lớp học tình thương vui vẻ cho chúng tôi biết: “Tôi nhập ngũ cũng hơn một năm rồi, nhưng “làm thầy” chỉ mới vài tháng thôi. Mặc dù chưa có nghiệp vụ sư phạm vững vàng như các giáo viên chuyên nghiệp, nhưng bù lại chúng tôi có sự nhiệt tình, lòng yêu trẻ. Hằng ngày đến lớp, tôi cảm thấy rất vui khi các em đi học đầy đủ và hiểu bài. Lớp học tình thương sĩ số không nhiều, nên chúng tôi cũng dễ dàng quan tâm, kèm cặp các em có học lực yếu vì thế chất lượng học tập cũng được nâng cao, tình cảm thầy trò cũng gắn bó hơn”. Em Nguyễn Văn Đẩu học sinh lớp 4 tình thương cho biết: “Quê con ở Cao Lãnh, nhưng ba mẹ con qua đây, sống bằng nghề bán cháo. Mẹ con bảo con đến đây học đỡ tốn tiền, các thầy giáo lại rất thương các em học sinh cho sách, vở…”.

Thiếu tá Nguyễn Hoa Hùng, Chính trị viên ĐBP 893 cũng cho biết thêm: “Từ khi thành lập lớp học tình thương đến nay, ĐBP 893 đã mở được 53 lớp với 857 học sinh theo học. Qua các lớp học tình thương này, một số em tiếp tục học cao hơn và đã tìm được cho mình một nghề nghiệp ổn định”.

Bài, ảnh: Thu Ba

Bình luận (0)