Năm học mới đã bắt đầu với hàng triệu học trò trong cả nước, nhưng với các em học sinh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì đặc biệt hơn nhiều. Năm học mới đến, vào thời điểm của đỉnh lũ, phần lớn các em phải đến trường trên những chuyến phà, chuyến đò bấp bênh. Lớp học vùng lũ có những bài giảng không nằm trong chương trình. Có những điểm trường, học sinh là con em Kiều bào Cam-pu-chia đông hơn học trò địa phương.
Thầy giáo Lâm Văn Tén lên lớp bài học đầu tiên “Sống chung với lũ”.
|
Bài học đầu tiên: Sống chung với lũ
Năm học mới bắt đầu trong cả nước, cũng là lúc nước ở những con sông đầu nguồn biên giới của tỉnh An Giang đạt đỉnh điểm. Buổi sáng những ngày đầu tháng 9, các bến đò của xã cù lao Phú Hữu (An Phú, An Giang) đông đúc hơn hẳn những ngày thường. Bên cạnh những người qua sông theo cuộc mưu sinh thường ngày, thì hành khách đông nhất của những chuyến đò sáng vẫn là các em học sinh đến trường vào năm học mới.
Học sinh qua sông đủ mọi cấp học, lớn tuổi thì tự mình chèo ghe, đi bộ, đạp xe, qua phà tới trường, còn học sinh mầm non, lớp 1, 2 thì phần lớn được bố mẹ đưa đón hoặc gửi kèm các bậc phụ huynh khác. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu đưa con là cháu Nguyễn Thành An đến trường, cho biết: “Cháu mới vào lớp 1, còn nhỏ quá nên tôi phải tự đưa cháu đi mới yên tâm. Ở đây, bốn bề đều là sông nước nên nguy hiểm lắm. Chỉ khi nào bàn giao cháu cho giáo viên, tôi mới dám về làm việc rồi lại căn giờ đi đón cháu.”
Trên đê Đồng Đức, điểm trường lẻ D Phú Hữu, trường Tiểu học D Phú Hữu, xã Phú Hữu (An Phú, An Giang) được xây kiên cố, khang trang, cao hơn hẳn những dãy nhà san sát của cư dân ở một vùng quê biên giới xứ cù lao còn nhiều khó khăn. Trên bục giảng, thầy giáo Lâm Văn Tén, phụ trách điểm trường lẻ ở đây say mê giảng bài cho học trò. Thầy giáo Tén lên lớp cho học trò lớp 2C một tiết học khá đặc biệt, không nằm trong chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiết học trang bị kiến thức sống chung với lũ cho học trò. Thầy giáo Tén cho biết: “Những tiết học này được chúng tôi biên soạn, giảng dạy lồng ghép trang bị cho các em học sinh những kiến thức cơ bản sống chung với lũ. Đặc biệt, các em mới vào lớp 1 sẽ được học những tiết học này với thời lượng lớn hơn nhiều. Không chỉ vậy, còn tùy vào thời điểm, sẽ có những tiết học ngoại khóa phù hợp trang bị những kiến thức cần thiết cho các em. Cụ thể như vào các đợt cao điểm về dịch sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng…, chúng tôi sẽ lên lớp những bài giảng để trang bị cho các em kiến thức phòng tránh”.
Để minh chứng hiệu quả của tiết học, thầy giáo Tén gọi một học trò trong lớp đứng dậy: “Học trò Dung cho thầy biết, lũ bắt đầu về từ tháng mấy, kết thúc vào tháng mấy?”. Dung đáp: “Dạ! Con thưa thầy, lũ bắt đầu tràn về từ cuối tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 11 hàng năm ạ!”. Thầy giáo Tén lại hỏi khó: “Thế lũ mang lại cho ta lợi ích gì và gây hại cho ta những gì?”. Học trò Dung trả lời: “Lũ về cho ta tôm cá nhưng cũng có thể gây chết người.”
Lớp học xuyên biên giới
Nói không quá khi gọi những lớp học vùng biên An Giang là lớp học xuyên biên giới. Bởi ở đó, có khi học trò là con em Kiều bào Cam-pu-chia đông hơn hẳn học trò người địa phương. Hiện tại, trường Tiểu học A, B Khánh An, D Phú Hữu, Long Bình… ở huyện An Phú có số lượng học sinh Việt kiều Cam-pu-chia rất đông. Cụ thể, điểm trường lẻ D Phú Hữu, trường Tiểu học D Phú Hữu có 150 học trò thì lượng học sinh là con em Kiều bào Cam-pu-chia đã chiếm trên 100 em.
Hơn 6 giờ sáng, bến đò Mương Chùa (xã Khánh An, huyện An Phú) bắt đầu nhộn nhịp hẳn. Từng tốp học sinh đeo khăn quàng đỏ, tay dắt xe đạp, vai mang cặp sách, nhanh bước xuống đò. Các em chủ yếu ở các ấp từ bên kia bờ sông, thuộc xã Pet Chray (huyện Kohthum, tỉnh Kandal, Cam-pu-chia), chiếc phà băng ngang dòng sông Hậu đưa các em về quê tìm chữ. Đây là một trong ba bến đò hàng ngày đưa rước hàng trăm lượt học sinh là con em Kiều bào đang sinh sống, làm ăn bên đất bạn Cam-pu-chia về Việt Nam học tại các trường của An Giang.
Phần lớn những gia đình Kiều bào ta ở biên giới Cam-pu-chia đều có cuộc sống khó khăn. Mùa khô thì đi làm thuê, làm mướn sâu trong nội địa Cam-pu-chia, mùa lũ, họ lại lênh đênh trên dòng nước mênh mông làm nghề câu, lưới kiếm sống. Thấy con em ham học và được quê hương tạo điều kiện thuận lợi nên số lượng các em về học ngày càng tăng. Anh Nguyễn Văn Xè, bố của học sinh Nguyễn Đức Tính, ở ấp Bắc Nam (xã Quyệt Chạy, huyện Kohthum, tỉnh Kandal, Cam-pu-chia), học sinh trường Mầm non Phú Hữu (An Phú, An Giang) cho biết: “ Mùa nước nổi này, mình cứ đưa con qua đây học, chờ tan tầm rồi đón con về luôn. Cũng vất vả lắm nhưng vì thương con quá nên đành chấp nhận thôi”.
Chính quyền địa phương huyện An Phú đã làm việc, đề xuất phía bạn tạo thuận lợi cho các em về Việt Nam học tập, miễn phí hoàn toàn tiền đò cho học sinh. Ngoài ra, các học sinh Việt kiều ở Cam-pu-chia còn được nhận hỗ trợ như tặng quà năm học mới, tặng áo phao, trao học bổng… để động viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập.
“Thương các em lắm, nhà trường luôn cố gắng tạo mọi điều kiện cho các em được học hành tốt nhất trong những điều kiện có thể. Để các em không bị thua thiệt với học trò các vùng khác” – Thầy giáo Lâm Văn Tén cho biết.
Theo Viết Lam
(bienphong)
Bình luận (0)