Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Lớp tiếng Anh “học nghèo”

Tạp Chí Giáo Dục

Một lớp học tiếng Anh có tới hàng trăm học viên nhưng già nửa lớp, cả năm chẳng đóng học phí bao giờ dù đó không phải là lớp học miễn phí.
Giảng đường 306, nhà D, Đại học Bách Khoa khá rộng, có thể chứa được hàng trăm sinh viên nhưng lớp học này luôn chật kín chỗ. Không đủ chỗ ngồi, nhiều sinh viên sẵn sàng ngồi tạm lên bục giảng hoặc ngồi bệt mép cửa ra vào, thậm chí có người chấp nhận vừa… đứng vừa học. Hơn hai mươi năm nay, lớp học tiếng Anh tại đây của dịch giả Thái Bá Tân vẫn duy trì đều đặn với phương thức đặc biệt như thế: luôn đông học viên nhưng rất ít người… đóng tiền học.
Lớp học thầy Tân luôn chật kín sinh viên, trong đó nửa số sinh viên thuộc diện “học nghèo” – Ảnh: Thanh Thanh Lan
Dù đã được giới thiệu trước nhưng khi trực tiếp chứng kiến, chúng tôi vẫn phải “mắt tròn mắt dẹt” vì số lượng sinh viên “học nghèo” quá đông. Một nhóm sinh viên bước vào lớp, thầy hỏi “Mua thẻ chưa em”, một bạn nữ để tóc ngắn vừa tủm tỉm cười vừa thỏ thẻ: “Thầy ơi, con học nghèo”. Bạn nam đi bên cạnh tay cầm một quyển từ điển dày cộp cũng “thỏ thẻ” không kém: “Mai em mua thẻ”… và rốt cục là chẳng ai đóng tiền. Mặc dù vậy, thầy Thái Bá Tân vẫn tươi cười quay sang nói với cả lớp: “Mình hỏi thế thôi chứ biết thừa là mai nó không mua thẻ đâu, sinh viên mà”. Hết tốp sinh viên này đến nhóm sinh viên khác lên xin bài để dịch nhưng số người đóng học phí lại chẳng là bao. Ngồi quan sát cả buổi chúng tôi nhẩm đếm, thầy mới bán được… 5 thẻ học.
Cứ thế, đến nay có những người đã “học nghèo” trong nhiều tháng, nhiều năm liền. Bạn Trần Thị Ngọc Trang (sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế quốc dân) cười rất tươi “mách nước”: “Thầy hỏi, cứ bẽn lẽn trả lời “Thầy ơi con học nghèo” là thầy tươi cười cho qua ý mà. 4 năm sinh viên thì cả 4 năm mình học tiếng Anh ở đây đều ở dạng “nghèo”.  Lớp mình  nhiều bạn thế lắm. Được cái thầy lúc nào cũng vui vẻ, chẳng giận bao giờ”.
“Đi học nghèo cho thầy vui”
Không chỉ được học miễn phí, các học viên ở đây còn rất yêu quý lớp học này vì thầy giáo của họ là một người rất tận tâm và vui tính. Dù ít người đóng tiền học nhưng thi thoảng, cả lớp lại giật mình khi thầy bất chợt chỉ mặt một cậu sinh viên: “Em kia, lên đây ngay. Thầy… tặng thẻ”.
Lương Mạnh Hoàng (sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh, Viện Đại học Mở) chẳng hề giấu giếm: “Lần nào mình cũng xin thầy cho học nghèo. Rồi thầy mắng sao nghèo gì mà lâu thế. Xong thầy lại quay sang cả lớp tuyên bố rất hài hước: Nói thế thôi chứ chúng mày cứ đi học nghèo cho thầy vui. Đừng để thầy ngồi tơ hơ một mình nhé”. Thực tế là hôm nào người thầy đã 60 tuổi này cũng lên lớp dịch bài cùng học trò, và chưa bao giờ thầy phải ngồi “tơ hơ” cả vì giảng đường luôn chật ních người.
Nhiều tuổi nhưng thầy vẫn còn rất khỏe, chẳng bao giờ phải dùng micro, cứ giọng “mộc” mà giảng oang oang cả một giảng đường rộng lớn. Anh Lê Mạnh Tuấn (trú tại Ngõ Quỳnh, Hai Bà Trưng) thì cho biết: “Tôi đi làm rồi nhưng thi thoảng vẫn tới đây học dịch. Vừa học thêm kiến thức vừa để xả stress. Nhiều lúc nghĩ bụng, không hiểu thầy đi dạy mà cho học "nghèo" mãi kiểu này thì được bao tiền. Tôi nghĩ, chắc thầy được niềm vui!”.
Thanh Thanh Lan/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)