Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lớp tiếp sức ở khu dân cư

Tạp Chí Giáo Dục

Với những học sinh yếu kém mất căn bản, thay vì để các em tự ôn bài ở nhà, ngành giáo dục quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) lần đầu tiên áp dụng hình thức mở những lớp tiếp sức đến trường ngay tại các khu dân cư
Lớp học tiếp sức cho học sinh lớp 9/1 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm  Ảnh: Nguyễn Huy

7 giờ 30 như thường lệ, hàng chục học sinh khối lớp 7, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn) lại tập trung đến nhà ông Võ Thanh Dũng để bắt đầu vào tiết học.

Lớp học tiếp sức cũng như bao lớp học thông thường, chỉ khác được mở ngay tại các khu dân, nhà sinh hoạt cộng đồng, thậm chí cả nhà dân.
Cô Trần Thị Lê Minh, phụ trách lớp, cho biết: “Các em phần lớn là những học sinh yếu kém nên diễn đạt phải dễ nhớ, dễ hiểu để giúp các em nắm lại kiến thức cơ bản”.
Bốn tiết học mỗi buổi dành cho các môn chính, văn, toán, lý, hóa đặc biệt bồi dưỡng các kiến thức hổng, môn học yếu kém cho từng học sinh.
Theo cô Trần Thị Tình, giáo viên phụ trách một điểm lớp tiếp sức: Trước đây, học sinh thường mải chơi không lo làm bài tập ở nhà, ôn luyện bài vở nên đây là cách giúp các em hoàn thành bài tập và tự tin trước khi đến lớp”.
Chỉ riêng tại khu vực phường Hòa Quý có 4 lớp học tiếp sức tại khu vực Mân Quang, Khái Tây 2, Bình Kỳ 1… Thầy Đặng Phước Trường – Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết, mô hình này triển khai từ đầu năm học 2008 – 2009, thường xuyên vào hai buổi mỗi ngày.
Đầu mỗi năm học, chúng tôi khảo sát số học sinh lưu ban, học sinh lên lớp nhưng còn yếu kém và các em từ lớp 5 mới lên để đánh giá học lực và tập hợp vào các lớp học này.
Đến nay, trường đã có 8 lớp tiếp sức theo từng khối tại 4 điểm học với gần 160 em. Thay vì để học sinh đến trường, chúng tôi mở lớp ngay tại các khu dân cư để các em đi học được thuận tiện.
Theo thầy Trường, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, không ít bậc phụ huynh chưa quan tâm việc học của con cái, khiến nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng, nhiều em ham chơi, không chịu học hành… Ban giám hiệu nhà trường đề xuất triển khai mô hình này nhằm khắc phục thực trạng trên.
Yếu kém thành tiên tiến
Ban đầu, dù các lớp tiếp sức được mở ngay tại nhà nhưng nhiều em vẫn không chịu đi học. Ban giám hiệu, thầy cô đến từng nhà học sinh, rồi cùng UBND phường, tổ dân phố, bí thư chi bộ vận động, tổ chức gặp mặt trực tiếp các bậc phụ huynh nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ.

"Ngành giáo dục quận đang nhân rộng mô hình tiếp sức này ra các trường khác như THCS Huỳnh Bá Chánh, THCS Lê Lợi, v.v. Kết thúc mỗi kỳ học, chúng tôi cho các em làm bài thi để khảo sát, đánh giá. Nhìn chung các em đều có chuyển biến tích cực về học tập" – Ông Nguyễn Lâm  – Trưởng phòng Giáo dục quận Ngũ Hành Sơn

 “Đến nay các lớp học đều đi vào nề nếp. Không chỉ dạy trong năm mà ngay cả hè chúng tôi cũng đều khảo sát vận động các em đi học để theo kịp kiến thức chung của các bạn trong lớp” – Thầy Trường cho biết.

Các lớp học hoàn toàn miễn phí, ngoài ra trường thường xuyên tặng sách vở cho những em có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc đến lớp. Phải đến tận khu dân cư để tiếp sức cho các em, thầy cô giáo đứng lớp chỉ được phụ cấp số tiền 60.000 đồng/4 tiết… nhưng ai cũng hăng hái tham gia vì góp phần nâng cao thành tích học tập nhà trường.
Sau hơn một năm triển khai, đến nay chất lượng giáo dục và tỷ lệ học sinh khá giỏi của trường tăng rõ rệt. Số học sinh lên lớp thẳng sau năm học 2008 – 2009 tăng gần 3% so với năm học trước (từ 87,5% lên 90,4%), học sinh được công nhận tốt nghiệp tăng lên 99,5%. Số học sinh khá giỏi tăng hơn 12%.
Đặc biệt, tình trạng học sinh bỏ học, học sinh lưu ban giảm hẳn. Hết năm học vừa qua, trường chỉ còn 16 em học sinh lưu ban (giảm một nửa so với năm học trước, trong khi đó, số em đạt giải học sinh giỏi cấp quận, thành phố lại tăng gấp đôi từ 6 em lên 12 em trong năm học vừa rồi).
Đáng mừng, trong số những học sinh được lên nhận giấy khen học sinh tiên tiến, có hơn chục em vốn là học sinh yếu kém trưởng thành từ các lớp tiếp sức đến trường.
Cô Trần Thị Xuân, giáo viên môn Sinh học, cho biết: Trước đây lớp 9/1 phần lớn học sinh thuộc diện yếu kém, nhưng qua các lớp học tiếp sức, đến nay các em thay đổi về thái độ học hành, chăm chỉ làm bài, biết chuẩn bị bài vở… và học tập tốt hơn.
Nguyễn Huy/ TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)