Mười năm qua, lớp học nép mình bên lũy tre làng của bà Hai đã đào tạo không biết bao nhiêu tuyên truyền viên về phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường cho địa phương…
Bà Hai uốn nắn từng nét vẽ cho các em – Ảnh: Minh Tâm |
Ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có bà Hai (Nguyễn Thị Lệ Huyền, 65 tuổi) đã tự nguyện đứng ra dạy miễn phí cho các em học sinh nghèo vùng quê những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh, dinh dưỡng, vẽ tranh, ca hát, diễn kịch…
Bà Hai công tác nhiều năm ở tổ y tế xã, bà có nhiều cách hay để các em tiếp cận với những kiến thức bổ ích nhằm bảo vệ, chăm sóc bản thân, rồi trở thành tuyên truyền viên tuyên truyền về cách phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Việc làm này của bà đã tác động tích cực đến xã hội. Nhiều năm qua ở ấp Ba Ngàn A không có dịch bệnh. Trẻ em biết bảo vệ mình nên không bị những tai nạn như xe cộ, leo trèo, xâm hại tình dục… |
Ông NGUYỄN VĂN NHÂN (bí thư ấp Ba Ngàn A) |
Mê học làm "tuyên truyền viên"
Ngày chủ nhật, có trên 30 em độ tuổi từ 6-14 háo hức, rộn rã đến nhà thiếu nhi. Buổi học bắt đầu bằng nghi thức chào cờ rất trang nghiêm. Xong, bà Hai kiểm tra lại bài cũ “Phòng chống HIV”. Rồi bà chuyển sang dạy bài mới “Phòng chống bệnh sốt xuất huyết”.
Bà giảng về loại muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết, nhấn mạnh: “Sốt xuất huyết rất nguy hiểm bởi bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có văcxin phòng bệnh, trẻ bị bệnh này có nguy cơ tử vong. Vì vậy tốt nhất chúng ta nên phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Rồi bà giảng cách diệt lăng quăng, muỗi để các em về nhà áp dụng và tuyên truyền cho người thân, xóm giềng… Sau đó bà ôn lại kiến thức vừa giảng bằng những câu hỏi ngắn. Mỗi khi các em trả lời đúng, ánh mắt bà lấp lánh niềm vui khi bài học đã được các em tiếp thu nhanh…
Sau đó bà Hai dạy đến phần vẽ, bà đưa hình mẫu chu kỳ phát triển của muỗi vằn. Những em vẽ cứng thì tự vẽ theo hình mẫu, còn em nào mới tập tành bà vẽ phác thảo trên tập để các em vẽ theo…
Dù đôi chân bị đau khớp đi đứng khó khăn nhưng bà vẫn đến từng bàn để chỉnh sửa từng nét vẽ cho các em. Ai vẽ đẹp được bà xoa đầu khen ngợi, ai vẽ chưa đạt thì bà động viên khích lệ… Gần 11g buổi học chấm dứt, nhiều trẻ vẫn xuýt xoa, tiếc rẻ không chịu về…
Sân chơi bổ ích cho trẻBà Hai cho biết trước đây bà có học lớp trung cấp điều dưỡng. Sau khi lập gia đình, bà về đây tham gia tổ y tế của xã. Hơn 10 năm trước, vào thời điểm trung thu, bà thấy bọn trẻ trong xóm cứ thui thủi ở nhà nên đứng ra tổ chức trung thu. Tuy quà chỉ vài cục kẹo nhưng bọn trẻ mừng vui, hớn hở.
Bà tâm sự: “Thương quá, con nít ở vùng quê thiếu thốn, thiệt thòi đủ thứ từ sân chơi đến học hành, phần lớn là con nhà nghèo, tuổi thơ sớm bươn chải theo gia đình đi hái rau, mò cua bắt ốc…" . Từ đó ý tưởng tổ chức sân chơi bổ ích cho bọn trẻ ngày càng hối thúc bà Hai.
Dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà Hai tập hợp thiếu nhi địa phương lại, dạy các em kiến thức cơ bản về sức khỏe, ca hát, diễn kịch… Bà dạy vào chủ nhật, mỗi buổi dạy kéo dài ba giờ.
Bà tâm sự: “Cốt yếu để các em biết kiến thức phổ thông về sức khỏe, dinh dưỡng… mà chăm sóc, bảo vệ mình. Rồi sau đó các em có thể trở thành “tuyên truyền viên” tuyên truyền những gì học được cho gia đình, bạn bè…”.
Để các em dễ nắm kiến thức, bà phân bài học thành hai chủ đề: phòng chống dịch bệnh và dinh dưỡng.
Mỗi bài giảng bà đưa vào đầy đủ nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, hậu quả và cách phòng ngừa. Đối với chủ đề dinh dưỡng, bà dạy về rau củ quả quen thuộc ở thôn quê như khoai lang, rau mồng tơi, đu đủ, lá chùm ruột… có những chất bổ gì và chữa bệnh ra sao…
Mười năm dạy trẻ miễn phí
Cứ vậy, 10 năm qua với cách dạy vừa học vừa chơi ấy, bà Hai đã dồn hết tâm sức để truyền những kiến thức thường thức về sức khỏe một cách nhẹ nhàng, lý thú đến không biết bao nhiêu thế hệ trẻ vùng quê, để các em biết bảo vệ bản thân và trở thành “tuyên truyền viên”.
Em Phạm Vương Anh Thư, lớp 8 Trường THCS Đại Thành, cười tươi: “Sau khi bà Hai dạy xong bài nào em về thực hành bài nấy. Chẳng hạn như bài phòng chống sốt xuất huyết, em dọn dẹp xung quanh nhà để không cho muỗi vằn phát triển, giăng mùng khi ngủ… Em còn nói với người thân, bạn bè trong lớp những gì đã học để mọi người chung tay phòng bệnh sẽ có hiệu quả hơn. Học ở chỗ bà Hai vừa biết được nhiều thứ vừa được ca hát vui chơi nữa. Thích lắm”.
Ông Nguyễn Văn Nhân – bí thư ấp Ba Ngàn A – cho biết hoàn cảnh bà Hai cũng rất khó khăn, kinh tế eo hẹp, mấy năm gần đây bà bị bệnh liên miên nhưng vẫn ráng dạy cho các em. Riêng bà Hai tâm sự nhiều lúc cũng đuối lắm bởi đã có tuổi cộng thêm trong người mang nhiều chứng bệnh, nhưng nghĩ đến bọn trẻ rất cần mình nên bà phải ráng.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng động viên tinh thần, ủng hộ vật chất như quà bánh cho bọn trẻ, đó cũng là động lực để bà đứng vững ở lớp dạy miễn phí này.
Bà Hai bộc bạch: “Chỉ nghĩ đến việc những kiến thức dì truyền thụ cho trẻ sẽ giúp ích cho cộng đồng; rồi bọn trẻ sau này trưởng thành biết dùng kiến thức đó cộng những kinh nghiệm sống của mình để chăm sóc, dạy dỗ lại con cháu… Bấy nhiêu đó thôi là dì thấy mãn nguyện rồi”.
Ra tận thị xã Ngã Bảy để biểu diễn Ngoài dạy ca múa, bà Hai còn viết kịch bản với nội dung xoay quanh sự hiếu thảo, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… Đặc biệt, bà còn lồng vào kịch bản về quyền trẻ em, cách phòng chống tai nạn thương tích, đề phòng bị kẻ xấu xâm hại tình dục… Các em rất thích bởi em nào cũng được phân đóng một vai, và bởi vào những dịp lễ tết chính quyền địa phương thường tổ chức vui chơi cho trẻ, các em sẽ được trình diễn trước bà con toàn ấp hoặc xã, hay ra đến tận thị xã Ngã Bảy để thi biểu diễn văn nghệ… Phần dạy vẽ, bà Hai dạy vẽ theo chủ đề sức khỏe, dinh dưỡng… Bà còn cho các em vẽ cây tre, bến nước, cánh cò… bởi theo bà, tình yêu quê hương đất nước phải bắt nguồn từ những gì thân quen nhất. Rồi khi các em vẽ thạo, bà gợi ý chủ đề để các em tự suy nghĩ vẽ theo trí tưởng tượng của các em. Chẳng hạn khi vẽ về thị xã Ngã Bảy, có em vẽ cảnh ghe thuyền mua bán tấp nập trên chợ nổi miệt sông nước, có em vẽ cảnh người ôm đàn hát bài vọng cổ Tình anh bán chiếu… |
Bình luận (0)