Mong muốn các em nhỏ có khả năng tự bảo vệ được mình, nữ cascadeur Phi Ngọc Ánh và đồng nghiệp đã mở một lớp võ miễn phí để dạy cho các em. Với họ, mỗi ngày đến lớp võ làm công việc lặng lẽ ấy là một ngày ý nghĩa.
Lớp võ miễn phí thu hút nhiều học viên nhí tham gia |
Học võ để bảo vệ mình
3 tháng nay, như một thói quen, em Huỳnh Ngọc Thanh, HS Trường Tiểu học Hồ Văn Huê lại được mẹ đưa đến Nhà thi đấu Rạch Miễu (Phú Nhuận) vào các tối ba, năm, bảy trong tuần để học võ. Thời gian chưa phải là dài nhưng đủ để cô bé dạn dĩ, tự tin, khỏe mạnh hơn. Sự thay đổi bất ngờ của Thanh cũng làm gia đình phải ngạc nhiên. Theo chân Thanh đến lớp võ, chúng tôi mới hiểu vì sao em cùng nhiều bạn nhỏ khác lại có niềm say mê, thích thú khi được học võ đến vậy. Sau màn khởi động, Ngọc Ánh chỉ cho các em nhiều động tác làm quen với các thế võ. Các bài tập đơn giản nhưng hiệu quả. Nhiều phụ huynh ngồi bên dưới lớp thêm phần an tâm khi cảm nhận được tâm huyết của những người thầy lặng lẽ này.
Lớp dạy võ được mở miễn phí dành cho các em từ 5 đến 18 tuổi. Toàn bộ chi phí duy trì lớp học đều do Ngọc Ánh và nhóm Cascadeur Quốc Thịnh ủng hộ từ tiền cá nhân. Họ có nhiều con đường khác để lựa chọn nhưng sự đồng cảm, muốn cùng nhau chung tay mang đến cho các em niềm vui nên họ đã quyết định góp công sức, tiền bạc mở ra lớp học miễn phí này. “Công việc chính của Ánh và đồng nghiệp không có nguồn thu nhập cao nhưng mấy anh em muốn giúp trẻ nhỏ tự bảo vệ được bản thân khi gặp tình huống xấu”, cascadeur Ngọc Ánh chia sẻ. Thương những em nhỏ háo hức chờ đợi mỗi buổi học võ, Ánh và đồng nghiệp cố gắng duy trì lớp. Cơ duyên mở lớp võ cũng đến bất ngờ. Họ không coi lớp võ là nơi mình kiếm kế sinh nhai mà là nơi truyền niềm đam mê cho các em.
Trong giới cascadeur Việt Nam, Ngọc Ánh đã tạo dựng được tên tuổi. Dù thành công trong sự nghiệp nhưng cô luôn dành thời gian và công sức của mình cho cộng đồng. Ít ai có thể ngờ đằng sau dáng vẻ mong manh, xinh đẹp của Ngọc Ánh lại là tinh thần “thép” của người yêu võ thuật. Trước đây, cô từng mở lớp dạy võ tự vệ cho chị em phụ nữ. Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại xuất hiện quá nhiều. Điều này đã thôi thúc chị và các đồng nghiệp dành nhiều tâm huyết cho lớp võ tự vệ miễn phí. Trong các buổi học, ngoài các thế tự vệ té ngã ra, các em nhỏ luôn được Ánh và đồng nghiệp nhắc nhở và dạy về cách phản biến nhanh với những tình huống xấu. Đó là bước đầu để các em có thể tự bảo vệ bản thân mình và bình tĩnh xử lý những tình huống đó.
Dự án ý nghĩa
Hiện tại, lớp võ miễn phí đã có hơn 70 học viên nhí tham gia. Có cô bé chỉ mới tuổi lên 3 nhưng cũng được phụ huynh đưa đến đây để học cùng các anh chị. Những bỡ ngỡ trong buổi học đầu tiên dần đi qua, các em được học về các tư thế cơ bản để cơ thể quen dần với việc vận động như gập đầu, duỗi thẳng chân, ép dẻo, vượt chướng ngại vật…
Cascadeur Ngọc Ánh đang hướng dẫn một em nhỏ |
Khi nảy ra ý định về một lớp võ miễn phí cho trẻ em, Ngọc Ánh và đồng nghiệp cũng không ít băn khoăn. Họ cẩn trọng biên soạn giáo án để có thể giới thiệu đến các em những thế võ đúng kỹ thuật và tạo ra một không khí vui chơi, nhẹ nhàng cho lớp võ. Mỗi người một tay, họ rong ruổi qua những ngả đường của Sài Gòn để khảo sát mặt bằng, tìm vị trí nào thuận lợi cho việc đi lại của phụ huynh khi đưa đón con mình đến sinh hoạt. Khi lớp võ đi vào hoạt động, họ đã chứng minh một điều rằng cứ sống hết mình, cứ yêu thương chân thành thì sẽ gieo về quả ngọt. Nhìn những đứa trẻ hồn nhiên, say sưa học võ, cảm nhận được niềm tin từ phía phụ huynh như tiếp thêm động lực để họ cố gắng hơn nữa.
Ngoài được dạy võ, các em còn được dạy kỹ năng sinh tồn, khi bị cháy thì phải làm gì, bị rơi xuống nước thì phải làm sao… Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những người thầy lặng lẽ này hy vọng trẻ sẽ hình thành cho mình khả năng chống chọi trước những tình huống xấu dù chỉ trong gang tấc. Chị Minh Tuyết (ngụ Q.Phú Nhuận) cho biết: “Đây là dự án ý nghĩa. Tôi rất an tâm khi gửi con gái mình học ở lớp võ. Tôi cùng các phụ huynh cũng được khuyến khích học cùng các con một số tiết học tâm lý với các chuyên gia. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, dù bận rộn nhưng chúng tôi mong có thời gian ngắn ngủi tham gia sinh hoạt với con mình, vừa tăng thêm tính gần gũi, vừa tìm hiểu về tâm lý và hành vi phát triển của trẻ nhỏ”.
Lớp võ cũng đã từng lấy đi những giọt nước mắt của cascadeur Ngọc Ánh khi cô được chia sẻ tình cảm với những học viên nhí. “Có lần, tôi tình cờ được nghe câu chuyện về hoàn cảnh của một em nhỏ trong lớp. Em ngỗ nghịch, thiếu tình thương của ba mẹ, lớn lên trong vòng tay của bà ngoại. Sau nhiều lần khuyên bảo, nhẹ nhàng trò chuyện cùng em, tôi cảm nhận em đã có sự thay đổi. Niềm vui khi tôi thực hiện dự án vì cộng đồng đôi khi chỉ bình dị vậy thôi nhưng là cả nguồn động viên tinh thần to lớn”, Ngọc Ánh bộc bạch.
Bài toán kinh phí vẫn là nỗi lo đau đáu của Ngọc Ánh và đồng nghiệp nhưng không vì thế mà họ nản lòng. Họ tin vào con đường đã lựa chọn để bước tiếp. Hơn hết, những con người lặng lẽ ấy tìm thấy hình ảnh ngày ấu thơ của mình qua những đứa trẻ hồn nhiên lớn lên giữa mảnh đất Sài Gòn mỗi ngày…
Yên Hà
Bình luận (0)