Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lũ dữ chia cắt Nam Trung bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Tỉnh Phú Yên, nơi tâm bão đổ bộ, đã có 14 người thiệt mạng. Mưa lớn kéo dài khiến toàn tỉnh Phú Yên chìm trong cơn đại hồng thuỷ. Các tỉnh khác ở Nam Trung bộ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.


 Lũ cuốn phăng tất cả (ảnh: Khánh Hiền) 
Theo thống kê mới nhất, mưa bão hoành hành tại Phú Yên khiến gần 2000 căn nhà bị sập hoàn toàn và hư hỏng nặng, 16 tàu thuyền bị đánh chìm, hơn 600 ha lúa vụ và hoa màu bị ngã đổ.
Ngay sau khi bão đổ bộ, mưa lớn tiếp tục kéo dài khiến toàn địa bàn tỉnh Phú Yên chìm trong cơn đại hồng thuỷ, giao thông tuyến Quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh bị ách tắc nghiêm trọng. Các huyện Tuy An, Đông Hà và thị trấn Sông Cầu là những điểm ngập nặng nhất. Vùng nuôi tôm tập trung và là trọng điểm kinh tế tại các huyện Tuy An, Đông Hoà bị mưa bão quần nát tan hoang.
Lực lượng vũ trang và PCBL tỉnh đã huy động hàng chục ca nô giúp dân thoát khỏi vùng ngập lũ nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều điểm rất khó tiếp cận. Huyện miền núi Đồng Xuân bị lũ cô lập hoàn toàn, hiện nay vẫn chưa tiếp cận được do nước vẫn còn tràn ngập mặt cầu La Hai
Thành phố Tuy Hoà, trung tâm tỉnh lỵ Phú Yên cũng xác xơ sau cơn bão dữ. Nhà dân tốc mái, cây cối ngã đổ ngổn ngang.
Trong khi mưa lũ vẫn đang hoành hành, tỉnh Phú Yên cho biết công trình thủy điện Sông Ba Hạ hiện đang tiến hành xả lũ ngăn vỡ đập thuỷ điện với lưu lượng 9.000m3/giây. Ứng phó với tình hình trên, tỉnh đang chỉ đạo di dời dân vùng hạ lưu sông Ba ra khỏi nơi nguy hiểm. Đồng thời, tỉnh đã kiến nghị và được TW đồng ý chi viện trực thăng để ứng cứu dân nhưng thời tiết quá xấu nên hiện chưa thực hiện phương án cứu hộ, cứu trợ khẩn cấp này. 
Nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Phú Yên ngập trong biển nước (ảnh: Khánh Hiền)
Tại Khánh Hòa, theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, đã có 4 người chết do đi qua các tràn, ngầm; 5 người mất tích; 5 người bị thương. Do hoàn lưu của cơn bão số 11, đợt mưa từ tối 2/11 đến trưa ngày 3/11 khá lớn và chưa có dấu hiệu giảm khiến nhiều tuyến đường ở TP. Nha Trang bị ngập cục bộ, nhiều nhà dân bị nước tràn vào.
Theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông – Vận tải, do ảnh hưởng của cơn bão số 11 và mưa lớn, một số tuyến giao thông trong tỉnh đã bị ắch tắc. Trong đó, cầu Suối Khao (Tỉnh lộ 8 đi Khánh Vĩnh) ngập 0,6 m; Tỉnh lộ 8B tại cầu sông Chò ngập sâu 1,5 m. Hiện, Tỉnh lộ 9 đoạn từ huyện Cam Lâm lên Khánh Sơn đang sạt lở nghiêm trọng, gây tắc nghẽn giao thông ở km 22.
Mưa lớn đã làm nhiều tuyến đường đi các huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng. Tại xã Ba Khâm, huyện miền núi Ba Tơ, gió bão cũng đã làm tốc mái trường THCS Ba Khâm, 20 nhà dân ở xã Sơn Hải, và trụ sở làm việc của UBND xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà bị tốc mái. Mưa lũ cũng đã làm cho hàng ngàn ha hoa màu mới trồng của người dân các địa phương bị mất trắng hoàn toàn.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, đến cuối ngày 3/11 do mưa lớn kéo dài khiến mực nước trên các sông dâng nhanh. Sông ĐăkBla tại cầu treo Kon Klor (TP.Kon Tum) mực nước cao hơn báo động 2 là: 0,38 m; Trên sông ĐăkBla tại Kon Plong cao hơn báo động 3 là: 0,97 m; sông Đăk Pô Kô tại Đăk Mốt xã Tân Cảnh xấp xỉ báo động 3.
Mưa lớn kéo dài cùng với gió mạnh khiến 4 điểm trường bị tốc mái ở xã Đăk Long; 07 kho chứa lúa bị tốc mái; nhiều công trình thuỷ lợi ở xã Hiếu bị sập đầu mối và bị vùi lấp. Thông tin liên lạc các xã Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên, Ngọc Tem hiện không liên lạc được.
Tỉnh lộ 673 từ ngã ba Đăk Tả  đi Ngọc Linh bị sạt lở khiến 04 xã nằm trên tuyến đường này bị chia cắt.

Theo dantri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)