4 trận lũ liên tiếp trong vòng 10 ngày khiến người dân Quảng Trị và ngành GD tỉnh này chịu nhiều thiệt hại. Trận lũ lớn ngày 17 và 18-10, tất cả các dòng sông đều vượt mức báo động 3, vượt đỉnh lũ năm 1999 gần 2 mét. Sau lũ, một lượng lớn bùn non ùa vào nhà dân, trường học, khiến công tác dọn dẹp trở nên vô cùng vất vả.
Lũ cuốn tan hoang khu nội trú giáo viên Trường TH&THCS Tà Long, Quảng Trị
Tính đến ngày 20-10, trừ một số trường học nằm ở địa bàn cao thuộc TP.Đông Hà, một số trường ở Gio Linh, Cam Lộ…, đa phần các trường học khác, HS vẫn chưa thể trở lại trường. Đặc biệt, ở các vùng thuộc hai huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa vẫn còn nhiều bản làng bị cô lập, đường đi bị sạt lở. Nhà trường huy động tối đa nhân lực và có thêm sự trợ giúp của phụ huynh, HS để dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Nhiều nơi, bùn dày đến nửa mét. Đó là chưa kể, bùn bám vào tường, cửa, bàn ghế và các trang thiết bị khác, cần rất nhiều thời gian để lau chùi tẩy rửa trong khi hệ thống điện sinh hoạt bị cắt để đảm bảo an toàn, máy bơm xịt nước bị lũ ngâm hư hỏng nên công tác dọn dẹp hoàn toàn bằng thủ công.
Thầy Hoàng Văn Quốc – Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hải Phong (huyện Hải Lăng) – chia sẻ: “Trường nằm ở vùng trũng nên 2 tuần qua, nhà trường đã phải 5 lần… dọn lũ. Nước lũ ngâm lâu và dâng cao làm hư hại rất nhiều bàn ghế, trang thiết bị phục vụ dạy học. Vất vả nhất là mỗi trận lũ để lại một lượng bùn non không hề ít, nhà trường phải huy động toàn bộ cán bộ, GV, nhân viên, thậm chí kêu gọi thêm sự giúp sức của phụ huynh mới có thể dọn dẹp được. Chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể để đảm bảo tài sản nhưng do nước lên nhanh và quá cao nên không thể chống đỡ được”.
Còn tại Trường TH&THCS Tà Long (huyện Đakrông), thầy Hoàng Đình Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, lũ quét qua trong đêm 17-10 đã khiến toàn bộ đồ đạc, áo quần của khu tập thể giáo viên nhà trường bị vùi trong bùn đất hư hỏng hết. Giáo viên miền núi vốn đã vất vả, nay càng vất vả hơn.
Lũ lụt đã khiến ngành GD tỉnh Quảng Trị thiệt hại nặng nề, ước tính hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể nhất là khu nội trú Trường PTDTBT THCS Húc (huyện Hướng Hóa) bị núi sạt vùi lấp. Việc đi học trở lại của HS sẽ rất khó khăn vì nhà các em ở bản xa không thể đi về trong ngày, trong khi đó phòng nội trú đã bị sập hoàn toàn. Sách vở, áo quần và thiết bị đồ dùng học tập của khoảng 20 HS hư hỏng hoàn toàn.
Giáo viên Trường TH Đông Thanh (Đông Hà, Quảng Trị) dọn bùn sau lũ
TS. Lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị – cho biết, với tinh thần đảm bảo tuyệt đối an toàn cho HS trở lại trường sau lũ, ngành GD tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trường học bố trí trực, báo cáo kịp thời tình hình lũ lụt. Nước xuống đến đâu tổ chức huy động lực lượng dọn vệ sinh đến đó, khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo chương trình dạy học. Sau khi thời tiết nắng ráo, các trường chủ động lên kế hoạch thực hiện lịch dạy bù cho HS.
Theo nhiều người dân Quảng Trị, mấy chục năm qua chưa có khi nào họ phải đối mặt với thiên tai giận dữ đổ xuống gây ra những thiệt hại nặng nề như năm này.
Qua 4 trận lũ dữ, lũ quét, lở núi liên tục xảy ra đã làm ít nhất 45 người chết, 28 người hiện còn mất tích, hơn 20 người khác bị thương nặng hiện vẫn đang phải điều trị cứu chữa tại các bệnh viện. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn địa phương đã có gần 43.000 hộ với hơn 160.000 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập lụt. Lực lượng công an trong toàn tỉnh đã huy động gần 450 canô, tàu thuyền, gần 1.000 xe ô tô và phương tiện khác thực hiện công tác ứng cứu, sơ tán được 820 hộ dân với 23.778 người bị ngập lụt, chìm tàu thuyền, nguy cơ bị lở núi đến các khu vực an toàn để trú tránh, đảm bảo tốt nơi ăn chỗ ở cho bà con; đảm bảo an toàn trật tự tại cơ sở và giữ gìn đảm bảo tài sản cho người dân vùng chạy lụt, di dời, sơ tán do thiên tai.
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị – thông tin, trong các trận lũ từ ngày 5-10 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã thành lập 4 đoàn công tác do các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn, liên tục đi kiểm tra tình hình phòng, chống mưa lũ tại các địa phương; chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với mưa lũ và cứu nạn, cứu hộ người dân, tàu thuyền bị chìm trên biển, lở núi gây vùi lấp người và nhà cửa ở các huyện miền núi.
Bài, ảnh: Phan Lệ
Bình luận (0)