Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Lũ về trong lòng những đứa con xa…

Tạp Chí Giáo Dục

Bình nước uống đã hết từ bao giờ mà Ngọc chưa kịp đổi, em nấu vội để có nước uống mời chúng tôi

Không thể ở bên cạnh gia đình để cùng chống chọi với bão lũ, những đứa con xa nhà chỉ thấp thỏm ngóng tin qua những cuộc điện thoại đứt quãng khi được khi không, thôi thì thầm mong vận may đến với gia đình…
“Thương quá ba mẹ ơi!”
“Nhà mình nước ngập đến mô rồi mẹ, thế đã chạy lên rú chưa…?”. Mới chỉ hỏi thăm gấp gáp được vài câu qua điện thoại thì bặt âm vô tín, điện thoại không liên lạc được. Hôm trước, nghe mẹ nói nhà đứa bạn xã bên, nước ngập gần tới nóc, hai đứa em lên rú không kịp đành trú trên nóc nhà nhưng cũng không tránh được nước, may thay nghe tiếng ca-nô cứu hộ đi ngang mà chúng đập ngói kêu cứu, không thì chúng cũng đi rồi. Nay lũ đang lên tại xã nhà, Kiều Thắng (SV ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM) nôn nao ruột gan, không biết cha mẹ có kịp chạy lũ không? Đàn heo, bầy gà thì chắc là chết hết rồi, nhưng đồ dùng trong nhà liệu có bị mưa lũ cuốn trôi hết?… Bao nhiêu câu hỏi đặt ra nhưng Thắng cũng chỉ biết ngồi ngóng tin qua báo đài, internet. 1 ngày, 2 ngày và đến ngày thứ 3, Thắng liên lạc được với mẹ. “May quá, ba mẹ không sao cả. Cái đêm nước dâng, mọi người đang trong giấc ngủ bỗng nghe tiếng hô hào thất thanh, một khúc đê sông Gianh đã vỡ, nước tràn về. Tưởng rằng chạy lên rú không còn kịp, nhưng may thay nước chỉ ngập lên nửa nhà. Nhà có gác, ba mẹ và những gia đình kế bên cũng ké theo ở trên đó. Bầy lợn 16 con và hơn 20 con gà đã chết trôi ngay sáng hôm sau, cũng mừng vì ba mẹ cứu được con lợn nái, ít ra “hắn” còn đẻ được”.
Kể cho tôi nghe về gia đình tránh lũ, Thắng không kìm được xúc động. Thương làng xóm, thương dân mình sao khổ quá. Cứ mỗi độ lũ về, nhà cửa, mùa màng, cơ ngơi bà con làm cả năm trời lại “đội nón” theo con nước. Thương ba mẹ vì sau cơn lũ không biết sẽ xoay xở ra sao, khi gia đình có Thắng là con một lại đang ở trong Nam. Thu nhập chỉ trông chờ vào 2,1 triệu đồng lương hưu của cả ba và mẹ trong khi hàng tháng phải gửi cho Thắng mất 1,2 triệu đồng. Vụ lúa đang vào thu hoạch, hoa màu thì mới trồng, bây giờ trơ ra cánh đồng bùn đỏ, căn nhà, vật dụng cũng nhuốm màu bùn. Sau lũ, nước sạch sinh hoạt không có, ba phải ngược lên rú thồ từng can nước về dùng và Thắng càng xót xa hơn khi biết ba mẹ đang phải chống trọi với lũ nhưng không bao giờ kể ra khó khăn cho em nghe vì sợ em lo lắng quá mà sinh bệnh.
Cách nhau một con sông, Thắng ở Quảng Trạch, Quảng Bình còn Nguyễn Anh Ngọc (học cùng trường ĐH) ở Bố Trạch, Quảng Bình – những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ. Sinh ra trong gia đình trung nông, mẹ là trụ cột chính, hàng ngày đi làm xa nhà thế nên mỗi tuần chỉ về nhà một lần. Ngọc thương mẹ nhiều và càng thương ba hơn khi ba đã lớn tuổi, lại là thương binh hạng 4/4, sức khỏe không tốt nên ba chỉ ở nhà lo chăn nuôi lợn gà và đàn dê. Đợt lũ vừa rồi, gia đình Ngọc phải đi sơ tán lên rú, đồ dùng trong nhà, heo gà và đàn dê bị lũ cuốn trôi. Không biết nhà cửa ra sao, chỉ biết hai lần gọi điện thoại về, thì hai lần ba động viên: “Nhà không bị chi mô, chỉ chết mất bầy gà, đàn dê, vườn rau ngập cũng có chi, sau lũ, ta trồng lại, con trong đó ráng giữ sức khỏe, ráng học cho tốt”. Nghe những lời động viên của ba, Ngọc cứ nhớ đến cơn lũ ập về năm 2007, cảnh nửa đêm bà con chạy lũ khiến Ngọc chực trào nước mắt. Tôi không dám hỏi thêm em lúc này vì tôi biết nếu hỏi, em sẽ nghẹn ngào nước mắt.
Lũ ơi, đừng đến nữa…
Nhìn cảnh Sài Gòn sau vài giờ đồng hồ mưa không ngớt, nước trên nhiều con đường chưa kịp rút làm ngập lút bánh xe, chỉ bấy nhiêu thôi con người nơi phố thị đã thấy khó khăn nhiều khi đi ra đường. Thế nhưng, nỗi khó khăn này làm sao thấm bằng cảnh người miền Trung phải chống chọi trong mưa bão, cứu vớt ít lương thực, thực phẩm, cảnh lũ lượt bồng bế, dắt díu chạy lũ. Với những người con xa quê như Thắng và Ngọc và còn nhiều đứa con xa nhà khác – không thấy lòng mình quặn thắt sao được?
Bao giờ những người con miền Trung xa quê mới thôi cảnh đau đáu ngóng tin từ quê nhà, mới thôi rơi những giọt nước mắt khi không thể ở bên cạnh gia đình để cùng chống chọi với bão lũ? Bao giờ người miền Trung mới hết cảnh nửa đêm chạy lũ, hay đứng trên nóc nhà nhìn toàn bộ tài sản đang trôi đi theo dòng lũ… Miền Trung ơi! Bao giờ mới hết khổ? Bao giờ thiên nhiên mới ưu đãi cho mảnh đất mà được mệnh danh là “eo” của tổ quốc?
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)