Một công việc ổn định, một mức lương hấp dẫn, những cơ hội thăng tiến… là viễn cảnh mà bất kỳ ai cũng mong muốn và làm nhiều cách để đạt được. Với những người trẻ, vào ĐH dường như là con đường tươi sáng và được mong chờ nhiều nhất để đi đến thành công. Nhưng đó có phải là con đường duy nhất? Rất nhiều người thành đạt tại Việt Nam và trên thế giới đã trả lời với chúng ta là: không
Sự nghiệp cho tương lai
Tại sao bạn lại không tự đặt vấn đề cho chính mình rằng bạn đang yêu thích lĩnh vực gì? Năng lực học tập của bạn ra sao? Khả năng tài chính của gia đình bạn như thế nào? Môi trường nào giúp bạn có thể bay cao, bay xa hơn trong cuộc sống?
Nếu bạn thật sự nghiêm túc với sở thích, khả năng của mình, bạn sẽ dễ dàng chọn lựa cho mình một nghề nghiệp thích hợp và sẽ gắn bó với nó lâu dài. Mỗi người chúng ta đều có một sự nghiệp để nghĩ đến, một tương lai để vun vén… Chính vì vậy, ngay bây giờ chúng ta cần phải xác định mục tiêu của cuộc đời mình.
Trường ĐH Hoa Sen vừa công bố kế hoạch tuyển sinh hệ kỹ thuật viên năm 2008. Có 7 ngành thực hiện đào tạo với thời gian 24 tháng là: Anh văn thương mại, Thư ký y khoa, Kế toán – Tin học, Đồ họa multimedia, Quản lý và điều hành khách sạn nhà hàng và 2 ngành mới là Kỹ thuật âm thanh trong truyền hình điện ảnh, Thiết kế thời trang. Chương trình thông qua việc lồng ghép các chứng chỉ quốc tế vào chương trình học, tạo cơ hội liên thông lên bậc cao hơn với các chương trình hợp tác quốc tế. Tổng quỹ thời gian từ khi tham gia chương trình Kỹ thuật viên cao cấp đến khi tiếp tục học liên thông với chương trình Hợp tác Quốc tế để lấy bằng cử nhân khoảng từ 4 năm – 4,5 năm (tùy chương trình) sẽ tương đương với quỹ thời gian tham gia chương trình Cử nhân ĐH bình thường ( 4-4.5 năm). Điều kiện dự thi và dự tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc đã dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề chung của Bộ GD- ĐT năm 2008 đạt từ 12 điểm trở lên. Thời gian nộp hồ sơ từ nay cho đến ngày 18-9-2008 tại số 8 Nguyễn Văn Tráng, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM (gần ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương, ZEN Plaza). Đặc biệt, nhà trường có chế độ học bổng và cho vay vốn học tập dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…
|
Căn cứ vào quá trình học tập, những mặt mạnh và yếu ảnh hưởng đến bạn ngay từ thời học phổ thông, để từ đó sắp xếp những chuyên ngành theo năng khiếu từ cao đến thấp. Năng khiếu ở đây là những gì bạn có thể làm được và làm tốt. Việc xác định những chuyên ngành theo năng khiếu sẽ là kim chỉ nam chính xác nhất giúp bạn thành công trong tương lai. Bên cạnh đó, bạn cũng phải tìm hiểu thông tin từ nhiều phía như gia đình, nhà trường, xã hội,… cùng với những nhu cầu phát triển của xã hội, đòi hỏi của thị trường lao động trong và ngoài nước,… về nguồn nhân lực ngành nào mà xã hội đang cần. Từ đó, đối chiếu với những sở thích, thế mạnh của mình để đưa ra quyết định cuối cùng.
Lựa chọn hiện tại
Từ trước đến nay, các bạn học sinh khi chuẩn bị thi vào ĐH, CĐ thường mang tâm lý nên thi vào trường nào, ngành nào đang là “mốt thời thượng”, điểm chuẩn thấp hay đơn giản chỉ là thấy tỉ lệ “chọi” nhỏ mà hầu như không có ai đặt ra câu hỏi cho mình là nghề đó sẽ ra làm gì? Ở đâu? Điều đó sẽ khiến cho bạn phải tiếc nuối sau khi đã trải qua 3, 4 thậm chí là 6, 7 năm học, bạn nhận ra mình không phù hợp với ngành đã học. Số tiền trang trải cho việc học là không ít, nhưng quan trọng hơn là thời gian và giai đoạn học tập sung sức nhất của bạn được đầu tư cho chuyên ngành không phù hợp. Hay rất nhiều bạn cố đậu ĐH cho bằng được mặc dù là “sĩ tử” 3, 4 năm liền trong khi những cánh cửa khác như vào CĐ hay kỹ thuật viên cao cấp vẫn luôn rộng mở. Vậy thì, đừng bao giờ có ý nghĩ “ĐH là con đường duy nhất để bạn thành công”. Rất có thể đó là mong ước của bạn, thế nhưng cần phải xét khả năng của mình về rất nhiều khía cạnh như: học lực, điều kiện kinh tế… Nhiều bạn trẻ xem ĐH là ưu tiên số một và CĐ, các chương trình kỹ thuật viên chỉ là “bến đỗ” tạm thời. Thế nhưng ở nhiều nước trên thế giới, học sinh thích học các trường CĐ hay các ngành đào tạo kỹ thuật viên để khi ra trường có thể tìm kiếm một công việc dễ dàng, thu nhập ổn định.
Thế nên, đừng nặng nề việc mình cầm trong tay bằng ĐH, bằng CĐ, bằng Kỹ thuật viên, hay thậm chí bạn không có bất cứ thứ gì vì điều đó không nói lên được gì khi bạn chưa chính thức bắt tay vào việc. Nếu không đi được đường thẳng thì đừng ngại ngùng đi đường vòng. Đôi khi, “con đường vòng” ấy lại giúp bạn thực sự bộc lộ giá trị, sở thích và năng lực tiềm tàng của mình.
NAM ANH – THÚY OANH
Bình luận (0)