Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Lựa chọn hướng tới thành công ngay sau tốt nghiệp trung học cơ sở

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và giáo dục khởi nghiệp trong các nhà trường phổ thông luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm, đây được xem như là cánh cửa mở lối đến con đường thành công cho mỗi cá nhân học sinh, đồng thời đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục: Hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trường trong các trường phổ thông; biên soạn tài liệu giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh và quản lý giáo dục hướng nghiệp. Đổi mới phương pháp, hình thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, đáp ứng mục tiêu phân luồng học sinh, nhất là phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Thời đại hiện nay, trong xã hội có rất nhiều nhóm ngành nghề: nhóm ngành sản xuất và chế biến; nhóm ngành kiến trúc và xây dựng; nhóm ngành kinh doanh; nhóm ngành công nghệ – thông tin; nhóm ngành luật – nhân văn; nhóm ngành nghệ thuật – thẩm mỹ – đồ họa; nhóm ngành báo chí – khoa học và xã hội; nhóm ngành khoa học cơ bản; nhóm ngành sư phạm; nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp. Vì thế, giáo dục hướng nghiệp có vai trò hết sức quan trọng giúp các em học sinh bậc học cơ sở có định hướng, lựa chọn đúng khối ngành, trường học và ngành nghề tương lai, ngay từ khi chuẩn bị bước vào lớp 10, tránh xảy ra việc chọn nhầm ngành, nhầm trường sẽ không phát huy được sở trường, năng lực của bản thân. Đó chính là nỗi băn khoăn của mỗi học sinh cũng như các bậc phụ huynh. Bài viết này sẽ chia sẻ về các hướng đi đến thành công sau tốt nghiệp THCS, với những cách thức phù hợp với các hoàn cảnh, điều kiện, năng lực, sở trường học sinh, để các em có thể lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp nhất.

Thứ nhất, trường trung học phổ thông (THPT)

Giáo dục THPT nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục THCS, hoàn thiện học vấn phổ thông và có những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, du học, học nghề hoặc trực tiếp tham gia lao động.

Đối với các trường THPT công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, học sinh tham gia thi tuyển ba môn Văn, Toán, Ngoại ngữ để lựa chọn một trong các chương trình như chương trình chuyên, chương trình tích hợp hay chương trình THPT. Ngoài ra, học sinh có thể đăng ký học vào các trường THPT ngoài công lập với hoạt động phong phú, chương trình giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Thứ hai, giáo dục thường xuyên

Giáo dục thường xuyên giúp người học vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội. Nhà nước có chính sách phát triển giáo dục thường xuyên nhằm mục đích thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập.

Trong những năm gần đây, các trung tâm giáo dục thường xuyên đã có sự “chuyển mình” rất rõ rệt về cơ sở vật chất lẫn chất lượng giảng dạy. Chương trình giáo dục thường xuyên giảng dạy bám sát chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong khi số môn học được giảm bớt, chỉ tập trung vào 6 môn học (Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa). Sau khi hoàn thành chương trình, học viên vẫn tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp… tùy theo nguyện vọng.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức đều có trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và có hai trung tâm giáo dục thường xuyên cấp thành phố là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Quý Đôn quận 1, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An quận 5.

Thứ ba, giáo dục nghề nghiệp

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh lớp 9 được rẽ nhánh đi học trung cấp nghề, điều này đã tạo ra nhiều cơ hội cho các em.

Những năm gần đây, phương thức chuyển tiếp từ bậc THCS lên trung cấp nghề đang trở nên phổ biến và “được lòng” nhiều phụ huynh, học sinh đã lựa chọn. Sở dĩ xu hướng này ngày càng “hot” vì những lợi ích thiết thực như rút ngắn thời gian (chỉ cần 3 năm đã lấy được bằng THPT), tiết kiệm chi phí, vừa học nghề, vừa hoàn thành chương trình văn hóa THPT, nếu tiếp tục liên thông lên cao đẳng (chỉ mất 1 năm), đại học  (chỉ mất 2 năm)…

Trong những năm qua, nhiều người trẻ có thể đi làm từ khi 18 tuổi (tức ngay sau khi tốt nghiệp trung cấp) và đạt được những thành công trong công việc từ rất sớm. Trung cấp nghề đang là lựa chọn đúng và là hướng đi mới trong bối cảnh kinh tế hiện nay. 

Đối với các trường trình trên, sau 3 năm học tập, tốt nghiệp THPT rồi đăng ký xét tuyển vào trường trung cấp, cao đẳng hay đại học thì cũng phải học thêm ít nhất 2 đến 4 năm nữa thì mới có nghề, lúc đó mới bắt đầu đi làm. Nhưng khi tham gia học tại các trường trung cấp, đối với học viên tốt nghiệp THCS, học phí được hoàn toàn miễn phí cho thời gian học 2 năm hoặc 3 năm. Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với đơn vị chức năng đào tạo văn hóa phổ thông để học sinh có cơ hội thi lấy bằng tốt nghiệp THPT, theo chương trình giáo dục thường xuyên. Nếu học sinh có bằng trung cấp nghề loại giỏi được cộng 2 điểm; loại khá, trung bình – khá cộng 1,5 điểm và loại trung bình cộng 1 điểm vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Sau khi tốt nghiệp THPT, các em có thể liên thông lên các bậc học cao hơn theo quy định.

Thứ tư, tham gia lao động sản xuất và du học

Đối với một số ít học sinh có hoàn cảnh không đủ điều kiện để tiếp tục theo học chương trình giáo dục THPT hoặc trung cấp nghề, đối với lứa học sinh tốt nghiệp THCS khuyến khích nên tham gia lao động các ngành nghề đơn giản như các nghề truyền thống của gia đình.

Đối với học sinh có điều kiện muốn được trực tiếp trải nghiệm và khám phá những điều mới mẻ, được tiếp cận với văn minh, văn hóa, xã hội tiến bộ, đặc biệt sẽ được thụ hưởng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, tiếp xúc với bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới. Học sinh có thể trở thành du học sinh tại các nước trên thế giới.

Với hy vọng thiết thực, qua những chia sẻ ở trên, các vị phụ huynh, học sinh sẽ có những lựa chọn đúng đắn về ngành học, môi trường học tập và nghề nghiệp trong tương lai. Mọi con đường đều có thể dẫn đến thành công – hạnh phúc như ước nguyện, khi chúng ta đưa ra được lựa chọn phù hợp. Chúc các em luôn học tập tốt, tự tin, bình tĩnh, sáng suốt để chọn hướng đi phù hợp và không phụ lòng cha mẹ và thầy cô. Trên con đường đi đến thành công, đó cũng là cơ hội để các em đền đáp “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”.

TS. Nguyễn Đặng An Long
(Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh)

 

Bình luận (0)