Thí sinh nên tham khảo ý kiến từ thầy cô, cha mẹ, bạn bè… để lựa chọn được ngành nghề đúng đắn. Ảnh chụp thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tại Long An năm 2011
|
Đừng để áp lực phải thi đậu đại học (ĐH) bằng mọi giá hoặc “sự định đoạt” của cha mẹ đẩy học sinh (HS) vào thế phải chọn một ngành nghề hoàn toàn xa lạ với khả năng, ý thích…
Mỗi kỳ tuyển sinh luôn có những HS hối tiếc vì chọn sai đường và khổ sở khi phải thi ĐH lại.
Đánh mất… chính mình!
Bạn Hồ Trung Chính – hiện đang học năm nhất hệ trung cấp, Trường ĐH Y dược TP.HCM – nói: Trước khi trở thành sinh viên (SV) trường y tôi đã khá vất vả để theo học đến hết năm 3 ngành công nghệ sinh học tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Chính cho biết việc bỏ trường ĐH qua học trung cấp không làm bạn tiếc nuối mà ngược lại khiến bạn thấy… yêu đời. Bởi việc theo đuổi một ngành học không yêu thích suốt thời gian qua đối với bạn như một gánh nặng, gây mệt mỏi, chán chường. Giờ, tuy chỉ học hệ trung cấp nhưng Chính cảm thấy như đang tìm lại được chính mình.
Tình trạng SV ĐH cắp bút đi… thi lại ĐH không phải là chuyện hiếm thấy trong những năm gần đây, nhất là khi hiện nay nhiều ngành/ trường ĐH liên tục được mở thêm. Trong một chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức, TS. Nguyễn Toàn – Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức – cho biết có SV đã học đến năm 3 Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM với kết quả học tập rất tốt nhưng vẫn muốn chuyển sang học ngành thiết kế nội thất tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, bởi đây mới chính là lĩnh vực em thực sự ham thích. Ông Toàn cho rằng, khi thực sự say mê, SV có thể hoàn toàn vượt qua rào chắn để đạt được mục đích cuối cùng. Nhưng tốt nhất, các em nên cân nhắc thật kỹ để lựa chọn được “một nghề cho chín” hòng tránh tình trạng học tập dở dang, “lưng chừng” rồi bắt đầu lại.
Mỗi mùa thi, vấn đề làm sao xác định được một ngành học phù hợp với bản thân để không phải… hối hận về sau hay bỏ ngang giữa chừng là băn khoăn của rất nhiều thí sinh. Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) – nêu thực tế: Có nhiều em khi đã là SV vẫn còn lơ mơ không hiểu tại sao mình lại theo đuổi ngành đang học. Nhiều khi do áp lực phải đậu ĐH cho bằng được, cộng với tổng điểm thi không cao… dẫn đến việc các em phải “nhắm mắt” chọn đại một trường cho chắc trong khi không hề hình dung được sau khi ra trường mình sẽ như thế nào. Theo bác sĩ Hạnh, quyết định gắn bó với một ngành học, các em cần phải tìm hiểu kỹ từ khối thi, điểm chuẩn, chương trình học đến công việc cụ thể mình sẽ làm, nhu cầu nhân lực ngành này trong 4-5 năm tới, khi các em ra trường…
Sáng suốt “tự quyết”
Một ngành nghề được chọn sẽ “dính dáng” đến cả tương lai sau này của HS. Vì vậy, sự hỗ trợ, định hướng của cha mẹ là cực kỳ cần thiết, song chính các em nên là người cân nhắc và quyết định. Em Đinh Thanh Tùng – HS lớp 12 Trường THPT Cái Bè (Tiền Giang) – chia sẻ rằng em vô cùng bối rối trước việc cha mẹ hướng em thi vào ngành y trong khi em lại thích ngành sư phạm. Quyết định chọn ngành nào đối với em bây giờ cũng thật sự khó khăn.
Đây thực chất cũng là tình trạng khó xử của rất nhiều HS trước ngưỡng cửa ĐH. TS. Nguyễn Thị Bích Hồng – Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – nhấn mạnh rằng các em HS nên theo đuổi ngành học dựa theo sở thích và khả năng. Theo TS. Hồng, việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh chịu nhiều tác động từ mong muốn của ba mẹ, sự rủ rê của bạn bè, nguyện vọng của bản thân… Song, tất cả những tác động này cần được cân nhắc kỹ. Các em nên tìm hiểu và lắng nghe lý do của cha mẹ khi khuyến khích mình theo ngành nghề nào đó, rồi suy nghĩ xem định hướng ấy có phù hợp sức mình hay không. Đồng thời, cũng cần giải thích rõ để cha mẹ hiểu lý do mình chọn ngành khác, khả năng theo đuổi ngành nghề đó. Nhìn chung, việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh căn cứ trên nhiều yếu tố nhưng phải hết sức chú trọng năng lực bản thân và sự ham thích.
ThS. Hà Thế Vinh – Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm – phân tích: Hiện nay điều kiện để học tập suốt đời và nâng cao trình độ cho người học là rất dài; cơ hội học liên thông ĐH, sau ĐH cũng rất rộng. Thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm trong việc chọn ngành nghề yêu thích, tuy nhiên không được bỏ qua các yếu tố liên quan đến năng lực, điều kiện gia đình. Tuyệt đối không nên chọn ngành theo trào lưu hoặc sự rủ rê của bè bạn, hậu quả sẽ rất lớn.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Các nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao đến năm 2015
Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – từ nay đến năm 2015, TP.HCM có 10 nhóm ngành nghề rất cần nhân lực. Cụ thể là: Hóa, hóa chất – y dược, mỹ phẩm; cơ khí – luyện kim – công nghệ ô tô xe máy; công nghệ thông tin – điện – điện tử – viễn thông; xây dựng – kiến trúc – giao thông vận tải; chế biến thực phẩm…
|
Bình luận (0)