“Để chọn được ngành nghề, trường học phù hợp với bản thân, ngoài kiến thức, học sinh còn cần phải có kỹ năng và thái độ đúng đắn. Một thái độ đúng đắn sẽ quyết định một phương pháp học tập đúng đắn. Điều này càng đúng hơn trong thời dịch chuyển của nghề nghiệp, không chỉ trong việc chọn lựa ngành nghề mà còn quyết định cả cơ hội việc làm của các em sau này”.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Những lời nhắn nhủ này được TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TP.HCM) gửi gắm đến các em học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 tổ chức mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Chọn đúng ngành nghề sẽ có một cuộc sống ý nghĩa
Nhìn nhận về sự quan tâm của học sinh với vấn đề hướng nghiệp sớm, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) cho rằng, hiện tại học sinh THPT ít quan tâm đến vấn đề lựa chọn ngành nghề nào, bậc học nào từ sớm mà thường đợi đến khi học lớp 12 mới đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề. Trong khi đó, nghề nghiệp là thứ sẽ theo mỗi người suốt cuộc đời. “Nguyên tắc căn bản nhất khi lựa chọn ngành nghề là không bao giờ chọn theo đám đông, chọn theo xu hướng nhất thời hay sự lựa chọn của người khác. Thứ hai, chọn ngành nghề đừng chọn theo thứ mình thích mà phải chọn thứ mình có năng lực, thứ mình đam mê”, TS. Tùng lưu ý.
Một yếu tố nữa trong nguyên tắc chọn ngành nghề, TS. Tùng chỉ ra, đó là “nói không với việc chọn trường trước” mà phải chọn ngành nghề trước rồi mới đến chọn bậc học, chọn trường là bước sau cùng. “Phần lớn học sinh thường có thói quen chọn trường trước, sau đó mới quan tâm xem trường đó có đào tạo ngành nghề gì rồi lựa chọn học. Tuy nhiên, cách làm này là hoàn toàn sai lầm. Các em hãy chọn một ngành nghề mình yêu thích, mình hiểu trước, sau đó căn cứ vào học lực của bản thân cùng điều kiện kinh tế gia đình để chọn bậc học, rồi mới đến chọn trường có đào tạo ngành nghề đó. Khi chọn ngành nghề, ngoài năng lực bản thân, các em còn cần dựa vào xu hướng của xã hội, xem xã hội đang cần, đang thiếu, đang thịnh hành những điều gì… Khi chọn đúng ngành nghề, chắc chắn các em sẽ có một cuộc sống thực sự ý nghĩa”, TS. Tùng phân tích.
Từ trải nghiệm của chính bản thân trong câu chuyện chọn ngành nghề, TS. Nhan Cẩm Trí (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) chia sẻ, mỗi người trong hành trình của mình có thể theo nhiều nghề khác nhau. Ở mỗi giai đoạn, người ta có thể có những ước mơ và sở thích khác nhau. “Vì vậy, các em hãy chọn những gì mình yêu thích và có hiểu biết thực sự. Sau này các em có thể làm nhiều ngành nghề khác nhau, nhiều công việc khác nhau. Đôi khi chính các công việc khác nhau này sẽ hỗ trợ và tạo cho các em một kỹ năng tổng hợp ở nhiều lĩnh vực”, TS. Trí nói.
Với thắc mắc của nhiều học sinh: “Làm sao chọn được ngành nghề mình yêu thích thực sự?”, lời khuyên được TS. Trí đưa ra là: “Hãy thật sự hiểu mình. Biết mình đang có thế mạnh gì để lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng. Mỗi người đều có một thế mạnh cạnh tranh cốt lõi để tỏa sáng, dù trong bất cứ lĩnh vực gì”.
Công việc không tự dưng mà có
Trước băn khoăn của một số học sinh về cơ hội việc làm của ngành tâm lý học, bởi “nghe nói ngành này khó xin việc”, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó phòng Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay: Tâm lý học thuộc khối ngành KHXH&NV. Trước áp lực của cuộc sống hiện nay, con người ngày càng gặp nhiều vấn đề về tâm lý và cần đến sự lắng nghe, can thiệp để lấy lại sự cân bằng. “Ngành tâm lý học ở Việt Nam đang ngày càng phát triển và nhu cầu nhân lực cũng đang rất cần. Hiện nay có nhiều trường ĐH đào tạo ngành này, mỗi trường có một hướng đào tạo chuyên sâu khác nhau, có thể thiên về tâm lý học nhân sự hoặc tâm lý trị liệu. Lựa chọn một môi trường học phù hợp cũng góp phần quyết định hướng đi sau này của nghề”, ThS. Dung nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, TS. Phạm Tấn Hạ chỉ ra rằng, với bất cứ ngành nghề nào, công việc cũng “không tự dưng mà có”; bởi muốn tìm được công việc phù hợp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đó là năng lực, kỹ năng và thái độ của người học. Cụ thể, đó là năng lực trong chuyên môn, kỹ năng trong tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm, xử lý tình huống và thái độ đối với ngành mình học, nghề mình theo. “Trong bất cứ ngành nghề nào cơ hội việc làm cũng rộng lớn. Điều quan trọng là các em có tạo ra cơ hội và nắm bắt được cơ hội hay không”, TS. Hạ nói.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)