Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Lựa chọn ngành nghề: Kiến thức gắn liền với kinh nghiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là khẳng định của các chuyên gia trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 14 năm học 2021-2022 vừa diễn ra tại Trường THPT Hoàng Diệu, Trường THPT Xuân Hưng thuộc tỉnh Đồng Nai mới đây.  


ThS. Vương Văn Khởi (Đại diện Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM tư vấn cho học sinh

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với hình thức trực tuyến có sự phối hợp của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) cùng sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.

Chương trình tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục diễn ra thu hút sự quan tâm của rất nhiều học sinh tham gia. Các em rất mạnh dạn khi chia sẻ khó khăn trong việc lựa chọn ngành nghề với ban tư vấn.

Cụ thể, tại Trường THPT Xuân Hưng, em Mai Thảo Ngân (lớp 12T8) băn khăn: “Em nghe anh em nói khi đã có kinh nghiệm làm một nghề nào đó thì không cần phải học nhiều. Thông tin đó có đúng hay không?”. Gỡ rối cho học sinh, ThS. Trần Nam (Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho rằng, ngành nghề nào cũng đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm trong quá tình làm việc, tuy nhiên nhưng nếu không có kiến thức, chuyên môn thì rất dễ bị đào thải.


Đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tư vấn cho học sinh

Theo ThS. Trần Nam, thế giới công việc phong phú, đa dạng, kiến thức thay đổi từng ngày do đó chúng ta phải luôn học hỏi, cập nhật kiến thức mới để không bị lùi lại phía sau. Chuyên môn là yếu tố tiên quyết nhưng nếu làm việc tại một phân xưởng, nhà máy chúng ta có kinh nghiệm nhưng không có kiến thức, chuyên môn thì không thể vận hành phân xưởng, nhà máy đó. Hay khi xét tăng lương, doanh nghiệp không chỉ dựa vào thời gian làm việc mà chắc chắn còn có chuyên môn, kinh nghiệm. Vì vậy có thể khẳng định, kiến thức và kinh nghiệm gắn liền và song hành với nhau, không thể thiếu một trong hai. Việt Nam nằm trong quốc gia có nhiều việt kiều Mỹ, Hàn Quốc… về nước làm việc tăng, tạo sức cạnh tranh. Nếu không học chúng ta sẽ không thể  theo họ. “Nhiều người nói thái độ quan trọng hơn trình độ nhưng khi đi làm luôn có sự cạnh tranh, sự thể hiện năng lực nên chúng ta có thái độ thôi thì cũng không đủ, phải cần trình độ. Do đó khi tốt nghiệp THPT, muốn bước vào thị trường lao động phải đi học”, ThS. Trần Nam khẳng định.

Nói về ngành Logistics cho các em học sinh, ThS. Vương Văn Khởi (Đại diện Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, ngành này  làm việc ở các công ty chuyên về logistics: thu mua, các hoạt động sản xuất vận hành trong nhà máy, chuyên viên quản lý kho bãi, chuyên viên điều phối vận tải đường biển, đường sắt, nghiên cứu, giảng dạy CĐ, ĐH… Ngoài ra ngành này còn liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Để học logistics người học phải yêu thích lĩnh vực logistics, tư duy tốt, học giỏi toán, ngoại ngữ, cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo. Đặc biệt, người làm việc này cũng phải chịu áp lực cao vì liên quan yếu tố thời gian. Các trường đào tạo ngành logistics gồm: Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM… “Mỗi trường có chương trình đào tạo khác nhau. Tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính có lợi thế là trong quá trình học các em được thực tập, kiến tập tham quan cảng cát lái. Trải nghiệm tuyệt vời”, ThS. Khởi cho hay.


ThS. Trần Nam

Tại Trường THPT Xuân Hưng, em Hoàng Ngọc Anh Tuấn (lớp 12T6) hỏi: “Em muốn học ngành maketing, vậy em cần phải chuẩn bị gì?”. ThS. Nguyễn Quốc Huy (Phó Ban hướng nghiệp tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) thông tin, ngành maketing là ngành cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng. Khi doanh nghiệp có sản phẩm muốn mang ra thị trường, bộ phận maketing sẽ làm công việc này, giúp đưa sản phẩm đến công chúng.

Trả lời về ngành điều dưỡng cho em Phương Mai (lớp 12T7), ThS. Vũ Quang Huy (Đại diện Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định, ngành điều dưỡng thuộc nhóm ngành sức khỏe. Không chỉ trong mùa dịch mà cuộc sống ngày càng phát triển, dân số ngày càng nhiều thì nhiều người có vấn đề về sức khỏe. Do đó, trong tương lai cần rất nhiều đội ngũ y bác sĩ chăm sóc sức khỏe con người. “Cơ hội việc làm ngành điều dưỡng rỗng mở: Chăm sóc sức khỏe tại nhà, làm tại các bệnh viện… Nếu chúng ta có nỗ lực trong học tập, nhiều kỹ năng, thái độ tốt khi đi làm mức lương sẽ ngày càng cải thiện”, ThS. Huy thông tin.

Bật mí cách thuyết phục người thân khi gặp bất đồng trong việc lựa chọn ngành nghề cho học sinh, ThS. Đỗ Văn Sự (chuyên gia tư vấn tâm lý) lý giải: Sự lựa chọn của các em đôi khi không nhận được sự đồng tình từ người khác. Tuy nhiên các em hãy vui vẻ vì điều đó bởi biết đâu họ có thể giúp mình nhận ra những điều mà mình chưa nhìn thấy. “Khi gặp trường hợp này, đầu tiên các em học sinh hãy bình, tĩnh, lắng nghe người thân để xem họ nói gì, sau đó các em hay bình tĩnh chứng minh không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những việc làm cụ thể để họ thấy được sự lựa chọn của mình. Nếu không hiệu quả chúng ta có thể nhờ nguồn lực từ bên ngoài, người có tiếng nói để thuyết phục gia đình. Khi lựa chọn chúng ta phải trả giá. Đôi khi đánh đổi nhiều thứ nên cha mẹ lo lắng cho bản thân là đúng. Do đó chúng ta nên tìm cách để tránh xung đột với cha mẹ, người thân”, ông Sự khuyên.

H.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)