Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại 2 trường: THPT Phạm Phú Thứ (Q.6) và THPT Dương Văn Dương (H.Nhà Bè).
ThS. Nguyễn Công Kỳ (Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT) tư vấn cho học sinh Trường THPT Dương Văn Dương
Chương trình có sự phối hợp của Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) cùng sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Muốn làm diễn viên, ca sĩ thì cần chuẩn bị gì?
Trong chương trình diễn ra ở Trường THPT Dương Văn Dương, sau khi nghe ban tư vấn cung cấp nhiều thông tin quan trọng về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và các hướng đi sau khi tốt nghiệp, một học sinh lớp 12 đã mạnh dạn đặt câu hỏi: “Em muốn làm diễn viên và ca sĩ. Vậy ngay từ bây giờ em cần chuẩn bị những gì?”. Trả lời câu hỏi này, ông Lê Ngọc Hải (chuyên gia tâm lý, kỹ năng) cho rằng nghề nghiệp nào cũng có những yêu cầu, tố chất riêng và lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy. Muốn làm diễn viên, ca sĩ, ngoài đam mê, nhiệt huyết, sự bền bỉ thì người học phải có năng khiếu ca hát, diễn xuất để hát nhiều bài hát cũng như thể hiện nhiều vai diễn khác nhau phục vụ khán giả. Tại TP.HCM có một số nơi đào tạo diễn viên, ca sĩ như: Nhạc viện TP.HCM, Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM, Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM… “So với một số ngành nghề khác, nghệ thuật là con đường gian nan nhưng không phải ai có quyết tâm theo đuổi cũng thành công. Chính vì vậy, khi quyết định lựa chọn, ngay từ bây giờ các em cần phấn đấu học tập và rèn luyện năng khiếu để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo đó, các em có thể tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ ở trường hoặc tham gia gameshow trên truyền hình, những cuộc thi về ca hát, diễn xuất để thử sức mình. Khi đó các em nên nhìn lại bản thân một lần nữa để có sự lựa chọn đúng đắn, tránh bỏ cuộc giữa chừng”, ông Hải khuyên.
Để giúp học sinh trong trường phân biệt được ngành điều dưỡng ở hệ CĐ và ĐH, ThS. Nguyễn Vũ Hoàng (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết điều dưỡng là một nghề nghiệp độc lập trong hệ thống y tế. Người theo đuổi ngành này phụ trách chăm sóc sức khỏe, kiểm tra tình trạng bệnh nhân và các công việc khác để phục vụ cho quá trình từ chăm sóc sức khỏe ban đầu đến phục hồi, trị liệu cho bệnh nhân. Ngành điều dưỡng hệ CĐ có thời gian đào tạo từ 2,5-3 năm, còn hệ ĐH kéo dài khoảng 4 năm. Tùy vào bậc học, ngành điều dưỡng sẽ có phương thức tuyển sinh và điều kiện ra trường khác nhau. Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ngành điều dưỡng tuyển sinh từ 20,5 điểm trở lên, học lực lớp 12 phải đạt từ khá trở lên. Trong quá trình học tập tại trường, sinh viên sẽ được đi thực tập, kiến tập và được hỗ trợ việc làm sau khi ra trường.
Học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ nhờ ban tư vấn giải đáp thắc mắc
Nói thêm về ngành này, ThS. Nguyễn Công Kỳ (Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT) cho hay, điều dưỡng là một trong những ngành có tiềm năng, nhu cầu việc làm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. “Muốn lựa chọn, ngay từ bây giờ các em hãy cố gắng học tốt để đủ điều kiện xét tuyển vào ngành điều dưỡng”, ông Kỳ nhắn nhủ.
Không thi tốt nghiệp THPT chỉ được học nghề hoặc TC
Tại Trường THPT Phạm Phú Thứ, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi không bắt buộc, vì vậy học sinh có quyền không tham dự kỳ thi này. Tuy nhiên, nếu không tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ không được nhận bằng tốt nghiệp mà chỉ nhận được chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT do nhà trường cấp và chỉ có thể học nghề hoặc học TC chứ không được xét tuyển vào trường CĐ, ĐH như các bạn có bằng tốt nghiệp THPT. Trước thông tin này, em Thu Như (học lớp 12A1) hỏi: “Em có quan tâm ngành ngôn ngữ Anh và ngành ngôn ngữ Trung; tuy nhiên, hiện nay em thấy tiếng Anh rất phổ biến nên ai cũng có thể giao tiếp được. Vậy em nên học ngành nào là tốt nhất?”. Về vấn đề này, ThS. Lý Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định, tiếng Anh và tiếng Trung là hai ngôn ngữ cần thiết trong đời sống nên dù chọn học ngôn ngữ nào cũng sẽ giúp chúng ta có nhiều cơ hội để lựa chọn môi trường làm việc. “Đối với hai ngoại ngữ này, ngoài việc học kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, sinh viên còn được cung cấp kiến thức về văn hóa, lịch sử… Do đó, tùy vào năng lực, sở thích, các em có thể chọn một ngôn ngữ phù hợp để phát triển bản thân và có được thu nhập cao”, ông Huy cho biết.
Ở góc nhìn tâm lý, ThS. Phùng Phương Thảo (chuyên gia tâm lý, kỹ năng) phân tích: Trong thời đại hội nhập, chỉ có kiến thức không thì vẫn chưa đủ mà đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng, ngoại ngữ. “Việc trang bị cho mình kỹ năng và ngoại ngữ không khó, quan trọng là các em có chịu khó học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm để thành công hay không”, bà Thảo nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)