Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Lựa chọn ngành nghề: Sự khéo léo giúp bản thân thành công

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 đã diễn ra tại 3 trường: THPT Phước Kiển (huyện Nhà Bè), THPT Phan Châu Trinh (Q.Bình Tân) và THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận).


Chuyên gia tâm lý Đỗ Văn Sự đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Phước Kiển

Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.

Ngoại hình không hẳn là rào cản

Trước băn khoăn của nhiều học sinh Trường THPT Phước Kiển về việc có nên dựa vào ngoại hình, chiều cao để lựa chọn ngành nghề, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) khẳng định: Ngoại hình, chiều cao là một lợi thế nhưng đó không phải là yếu tố quyết định. Có những vị trí, công việc đòi hỏi ngoại hình, chiều cao để tạo nên bộ mặt cho công ty, đơn vị. Nhưng ngược lại, cũng có không ít công việc chỉ yêu cầu kiến thức, kinh nghiệm và giá trị mà chúng ta tạo ra cho xã hội. “Chính vì thế, các em đừng nên bận tâm về điều này, hãy mạnh dạn lựa chọn ngành nghề theo đam mê, sở thích. Khi có đam mê, các em mới tạo ra được giá trị hành nghề. Giá trị hành nghề càng cao thì càng khẳng định được chính mình”, ThS. Nguyên khuyên.


Học sinh Trường THPT Phước Kiển đặt câu hỏi cho ban tư vấn


Học sinh Trường THPT Hàn Thuyên theo dõi chương trình tư vấn

Với góc độ là một chuyên gia tâm lý, ThS. Đỗ Văn Sự chia sẻ: “Học một ngành có thể làm được nhiều nghề. Mỗi lĩnh vực có nhiều vị trí công việc với những yêu cầu khác nhau. Nếu chúng ta khéo léo trong việc lựa chọn ngành nghề thì không những đáp ứng được đam mê, sở thích mà còn giúp bản thân thành công”.

Chọn sai ngành nghề có cơ hội chọn lại không?

Đây là thắc mắc của em Nguyễn Thành Nam (lớp 11A5 Trường THPT Phan Châu Trinh). Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa (nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM), từ khi có quy định cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi trúng tuyển vào ĐH, CĐ đã có gần 50% thí sinh thay đổi ngành nghề. Sự thay đổi này đã giúp các em kịp thời lựa chọn ngành nghề lại một lần nữa. Tuy nhiên vẫn có không ít sinh viên khi học xong năm nhất hoặc học hết ĐH mới phát hiện mình chọn sai ngành nghề. “Khi chọn sai, chúng ta có có thể chọn lại nhưng sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, để chọn được ngành nghề phù hợp, các em nên cân nhắc sức học của mình, có thể tham khảo ý kiến thầy cô, cha mẹ để không phải chọn lại ngành nghề nhiều lần”, TS. Nghĩa khuyên.


TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Hàn Thuyên


Học sinh Trường THPT Hàn Thuyên đang nhờ ban tư vấn giải đáp thắc mắc

Tư vấn tại Trường THPT Hàn Thuyên, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM) cũng nhấn mạnh về việc sinh viên lựa chọn sai ngành nghề. Theo TS. Hạ, nhiều em cho rằng chọn ngành nghề “hot” sẽ có thu nhập cao, có nhiều cơ hội làm việc nên không ngần ngại lựa chọn. Tuy nhiên, sau khi trúng tuyển, bước vào giảng đường ĐH, các em mới nhận ra mình không thích ngành nghề này, thấy chán nản trong học tập, thậm chí có nhiều sinh viên còn không được tốt nghiệp sau 4 năm ĐH… “Khi lựa chọn ngành nghề, chúng ta không nên chọn ngành nghề “hot” hay quá sức mình mà hãy chọn đúng với đam mê, năng lực để có thể theo đuổi ngành nghề lâu dài”, TS. Hạ lưu ý.

Tại chương trình, em Tuấn Kiệt (lớp 12A6) hỏi: “Em nghe nói học ngành Việt Nam học ra trường có thể làm hướng dẫn viên du lịch. Thông tin này có đúng không?”. TS. Hạ cho biết, học ngành Việt Nam học, ra trường sinh viên vẫn làm được trong lĩnh vực du lịch nếu các em có học thêm chứng chỉ du lịch. “Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhà trường có đào tạo chứng chỉ du lịch trong nước và quốc tế với thời gian học khoảng 4 tuần. Do đó, những em học ngành Việt Nam học nhưng có đam mê, yêu thích lĩnh vực du lịch vẫn có thể làm được”, TS. Hạ cho biết.


Chuyên gia đang tư vấn riêng cho học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh

Liên quan đến ngành công nghệ ô tô, bà Nguyễn Thị Bảo Vy (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn) cho biết công nghệ ô tô là một trong những ngành nghề khá vất vả, phải thường xuyên tiếp xúc với gầm xe, dầu nhớt. Vì tính chất công việc nên người làm công việc này phải có sức khỏe tốt, sự chịu khó, dẻo dai, không sợ vất vả… Tại Trường CĐ Bách Khoa Sài Gòn, khi học ngành công nghệ ô tô, sinh viên được tham gia thực tập, kiến tập tại các công ty, tập đoàn lớn về ô tô. Trong quá trình đó, sinh viên có thể tự tìm cơ hội cho chính mình để được giữ lại làm việc. “Trong bất kỳ ngành nghề nào cũng có cái khó khác nhau. Vì vậy, bản thân mỗi người cần phải biết cách vượt qua để theo đuổi nghề đến cùng và có thể trở thành một người thầy sau một quá trình làm thợ”, bà Vy nhắn nhủ.

Bài, ảnh: Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)