Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Lựa chọn nghề nghiệp: Rẽ sóng mà đi!

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình).

Chuyên gia tư vấn trao đổi thông tin về ngành nghề với học sinh

Không chỉ tư vấn cho học sinh tâm lý bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, nhiều thắc mắc về các ngành nghề rất mới của học sinh cũng được các chuyên gia nhiệt tình giải đáp.

Trước băn khoăn của học sinh về ngành kỹ thuật hạt nhân, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cho biết đây là một ngành mới đặc thù, nhất là khi đời sống xã hội phát triển. “Không phải là một ngành nghề gì đó cao siêu, vĩ mô, thực chất ngành kỹ thuật hạt nhân chỉ là giúp đưa ra những hướng xử lý rau củ quả để xuất nhập khẩu. Hay áp dụng trong y học, y sinh khi đưa ra các biện pháp sử dụng hệ thống chiếu xạ trong điều trị bệnh”, ThS. Phùng Quán nói.

Đối với thắc mắc của học sinh về nhóm ngành học để có thể sản xuất các chương trình truyền hình, ThS. Lê Anh Bảo (Phó phòng Truyền thông, Trường ĐH FPT) thông tin rằng, muốn sản xuất các chương trình truyền hình, các em có thể học ngành công nghệ truyền thông, truyền thông đa phương tiện. “Rất nhiều trường đào tạo các ngành này như ĐH Hoa Sen, ĐH FPT, ĐH Kinh tế – Tài chính… Khi đã chọn được ngành nghề rồi, các em phải lựa chọn kỹ cho mình một môi trường theo học để vừa thỏa mãn được đam mê nhưng cũng giải được bài toán về điều kiện kinh tế gia đình”, ThS. Lê Anh Bảo chia sẻ.

ThS. Trương Thị Ngọc Bích (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) bổ sung thêm, đối với những ngành học thực tế, sáng tạo, đòi hỏi người học phải có một đam mê thật sự. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tố chất, sự nhạy bén trước xu hướng thời cuộc. Đồng thời phải chịu được áp lực trong đòi hỏi liên tục phải làm mới các thông tin. Nếu thấy mình đủ tố chất, có khả năng, các em hãy theo đuổi.

Bên cạnh đó, những ngành nghề liên quan đến nhà hàng, dịch vụ, nấu ăn cũng nhận được sự quan tâm của nhiều học sinh trong trường. Những nhóm ngành nghề này thường được liên kết với các chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Tuy nhiên, điều kiện đầu vào phải có trình độ tiếng Anh IELTS trên 5.0. Điều này đã tạo ra những rào cản cho học sinh.

Theo ThS. Trương Thị Ngọc Bích, chính sự e ngại về ngoại ngữ đã tạo ra những chướng ngại vật để “cản đường” ước mơ của các em. “Đừng e ngại hay đặt nặng quá về những chứng chỉ IELTS, TOEIC. Quan trọng là bản thân mình phải vượt qua được những rào cản đó, vượt qua được chính bản thân mình. Các em có thể lựa chọn trường TC nghề, CĐ nghề có đào tạo những chuyên ngành đó. Có rất nhiều ngã rẽ, quan trọng là mình có dám rẽ sóng để theo hay không”, ThS. Trương Thị Ngọc Bích nhắn nhủ.

Trần Quân

Bình luận (0)