Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lựa chọn phương pháp dạy học nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Trước yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay ở trường phổ thông, giáo viên (GV) đã giảm bớt việc sử dụng đơn điệu phương pháp thuyết trình, dễ gây buồn chán cho học sinh (HS). Thay vào đó là phương pháp đàm thoại (hay vấn đáp) được sử dụng phổ biến vì thực hiện tương đối dễ dàng.

Học sinh tiểu học được giáo viên chia thành tổ để thảo luận nhóm. Đây là phương pháp dạy lấy học sinh làm trung tâm. Ảnh: N.TRiNH
Trong các tiết học, việc lựa chọn phương pháp dạy hoàn toàn xuất phát từ kế hoạch giảng dạy của từng thầy cô, tùy theo điều kiện thực tế của từng trường và năng lực cụ thể của từng lớp.

Không đòi hỏi phương tiện cầu kỳ và thiết bị dạy học tốn kém, phương pháp đàm thoại có thể áp dụng đại trà cho đa số tiết học. Tuy nhiên để đạt thành công, GV cần có thời gian chuẩn bị kỹ hệ thống câu hỏi cho phù hợp với đối tượng và nội dung bài dạy. Không thể gặp gì hỏi nấy một cách tùy hứng. Nếu GV thiếu kinh nghiệm và không lường trước các câu hỏi của HS thì nội dung đàm thoại bị sai đường lệch hướng. Tương tự, phương pháp động não (công não) cũng đang được khuyến khích vì phát huy tối đa tính sáng tạo của HS. Tuy nhiên không thể vận dụng thường xuyên và rất khó thực hiện vì đa số GV vẫn chưa hiểu thực chất của phương pháp này. Do đó, số người thực hiện thành công còn rất ít. Phương pháp này có ưu điểm tạo hứng thú và kích thích tư duy sáng tạo của HS, đưa ra nhiều lối mở để giải quyết vấn đề, các em có thêm cơ hội suy nghĩ và luôn được khuyến khích phát biểu ý kiến. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có nhược điểm là tốn thời gian, dễ bị cháy giáo án và có những biện pháp giải quyết vấn đề xa rời thực tế hoặc không đúng với mong muốn của GV.

Trong khi đó, phương pháp nêu vấn đề hiện nay được GV sử dụng thường xuyên vì phương pháp này không yêu cầu cao về điều kiện lớp học và trang thiết bị kèm theo. Đây là phương pháp lấy HS làm trung tâm của quá trình dạy học tạo được sự hào hứng cho các em. Tuy nhiên có một nhược điểm là tốn nhiều thời gian, nội dung truyền tải hạn chế và đặc biệt đối với lớp học có nhiều HS thụ động thì khó áp dụng. Còn thảo luận nhóm là phương pháp GV hay sử dụng vì dễ làm tại lớp và thể hiện được sự đổi mới dạy học theo hướng lấy HS làm trung tâm. Thông qua thảo luận, các em bày tỏ trao đổi các ý kiến kinh nghiệm với nhau nhằm giải quyết các vấn đề. Không chỉ lớp học bị xê dịch bàn ghế, phương pháp này cũng ngốn nhiều thời gian.

Học sinh làm… diễn viên

Trong các phương pháp dạy học, phương pháp đóng vai là cách cho HS trực tiếp tham gia giữ một vai trò chức năng cụ thể của một nhân vật trong thực tế (hoặc trong sách giáo khoa). Người đóng vai phải trực tiếp hoạt động và thực hiện chức năng của nhân vật mà các em đóng vai từ đó hình thành nên những hiểu biết về chuẩn mực hành vi. Tuy không phải phương pháp phổ biến nhưng có nhiều GV sử dụng trong một số tiết học. Nhược điểm của phương pháp này là khó thực hiện với bài giảng có nhiều nội dung phức tạp, nhiều vấn đề hoặc lớp quá đông HS, tốn nhiều thời gian và công sức chuẩn bị. 

Phương pháp dạy học theo dự án cũng được sử dụng khá nhiều là kết quả của việc đưa ứng dụng CNTT vào việc dạy học của Intel và Microsoft. Đây là phương pháp dạy học hướng HS đến tiếp thu kiến thức và kỹ năng thông qua việc các em đóng một hay nhiều vai trò để giải quyết một số vấn đề trong một hoạt động (mà ta gọi là dự án) mô phỏng những hoạt động có thật của xã hội. Những hoạt động này giúp HS thấy kiến thức cần học có ý nghĩa hơn. Ngoài việc thực hành ngay kiến thức đã học, các em còn có điều kiện rèn nhiều kỹ năng: Hoạt động nhóm, giao tiếp, biết đặt mục tiêu, ra quyết định, giải quyết vấn đề… Thời gian qua Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai tốt hoạt động này và có hiệu quả, tuy nhiên vẫn có người chưa rõ là phương pháp gì. Ngoài cá nhân, lỗi này còn do từ phía nhà trường sư phạm, đội ngũ GV nguồn chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Hạn chế của dạy học theo dự án là mất nhiều thời gian. Số bài không nhiều lại đòi hỏi có máy tính và mạng internet trong khi mức độ sử dụng thành thạo máy tính của HS không đồng đều (trong từng địa phương, từng trường, từng lớp). Dù hiện đại nhưng phương pháp này không thể thực hiện thường xuyên nên một học kỳ GV chỉ thực hiện 1 hoặc 2 tiết là tối đa. Khó khăn nữa là một số nơi máy móc, cơ sở vật chất tốt trong khi GV lớn tuổi hạn chế sử dụng. Ngược lại, có trường xa trung tâm, GV chịu khó tự học nhưng đến trường lại không có máy tính để thực hành nên dạy học theo dự án vẫn chưa “phủ sóng” hết các trường.

Theo tôi, rất khó có thể so sánh phương pháp nào ưu điểm hơn phương pháp nào, mỗi phương pháp đều có mặt mạnh và mặt yếu riêng. Do đó, trong các tiết học, việc lựa chọn phương pháp dạy hoàn toàn xuất phát từ kế hoạch giảng dạy của từng thầy cô, tùy theo điều kiện thực tế của từng trường và năng lực cụ thể của từng lớp. Giống như đi mua một chiếc máy, quan trọng là chọn chiếc máy nào cho tốt và phù hợp nhất với khả năng, điều kiện của mình. GV có thể sử dụng nhiều phương pháp trong một tiết học chứ không thể sử dụng phương pháp duy nhất để giảng dạy. Tuy nhiên, xét về tần số xuất hiện thì phương pháp đàm thoại, nêu vấn đề và thảo luận được áp dụng nhiều nhất. Phương pháp động não, đóng vai, dạy học theo dự án thỉnh thoảng mới được áp dụng. Tất cả tùy thuộc vào bản lĩnh đứng lớp của người thầy.

ThS. Lê Thanh Hà
(Giám đốc NXB Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Bình luận (0)