Hàng năm có thí sinh chọn tới mấy chục nguyện vọng nhưng vẫn rớt, thí sinh chọn 1 nguyện vọng cũng không trúng tuyển dù có học lực giỏi. Để trúng tuyển vào ngành học yêu thích, các em cần chọn nguyện vọng một cách thông minh.
ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THPT Hàn Thuyên
Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình tư vấn “Tâm lý, sức khỏe mùa thi và chọn nguyện vọng thông minh” năm 2023 diễn ra mới đây tại Trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận). Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Nên chọn nhiều phương thức
ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, trong các phương thức tuyển sinh thì phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT được hầu hết các trường ĐH sử dụng. Bên cạnh đó, các em cũng có thể xét tuyển theo phương thức xét học bạ hoặc dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Tuy nhiên, các em cần lưu ý vì phương thức xét tuyển dựa vào học bạ có nhiều hình thức khác nhau. Tùy vào từng trường sẽ có hình thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ; 5 học kỳ; 3 môn lớp 12 hoặc vừa kết hợp xét theo học kỳ cùng với 3 môn lớp 12. Sau khi các em thi tốt nghiệp THPT, trong thời gian từ ngày 20 đến 30-7 sẽ có điểm thi và phổ điểm. Mức điểm trúng tuyển của trường ĐH sẽ phụ thuộc vào chỉ tiêu, điểm số của thí sinh và phổ điểm. Nếu thí sinh đăng ký nhiều, điểm cao thì điểm trúng tuyển sẽ tăng và ngược lại.
ThS. Thạch cho biết thêm, những năm trước có thí sinh đăng ký mấy chục nguyện vọng nhưng vẫn rớt, có thí sinh chỉ chọn 1 nguyện vọng nhưng cũng không trúng tuyển dù có học lực giỏi và điểm thi tốt nghiệp THPT tới 27 điểm. Khác với trước đây, hiện nay các trường ĐH có ít nhất từ 2 phương thức xét tuyển. Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên tận dụng tối đa các phương thức của trường đó nhưng theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, các em muốn học ngành logistics có thể đăng ký nguyện vọng 1 đối với phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, nguyện vọng 2 đối với phương thức học bạ, nguyện vọng 3 dựa vào điểm thi đánh giá năng lực – mỗi nguyện vọng cách nhau vài điểm. Như vậy, nếu chẳng may các em rớt nguyện vọng 1 vẫn còn nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Học sinh Trường THPT Hàn Thuyên nhờ ban tư vấn giải đáp cách chọn nguyện vọng
Trong khi đó, ThS. Vũ Quang Huy (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) gợi ý, khi đăng ký nguyện vọng, các em nên tham khảo điểm trúng tuyển của 3 năm gần nhất và chia thành 3 nhóm trường: nhóm có điểm trúng tuyển cao, nhóm có điểm trúng tuyển vừa và nhóm có điểm trúng tuyển thấp. Nếu năng lực của các em dạng vừa thì không nên chọn nhóm trường có điểm trúng tuyển cao mà nên chọn nhóm trường có điểm trúng tuyển thấp và chọn đăng ký tầm 5-7 nguyện vọng trở lại. “Các em cũng đừng có suy nghĩ không trúng tuyển đợt đầu sẽ xét đợt bổ sung. Bởi không phải trường ĐH nào cũng tuyển bổ sung mà chỉ tuyển một lần duy nhất như Trường ĐH Công nghệ TP.HCM”, ThS. Huy thông tin.
Có các hình thức du học nào?
Bên cạnh học ĐH trong nước, nhiều học sinh cũng quan tâm đến việc đi du học. TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, có 3 hình thức du học lấy bằng nước ngoài mà các em có thể lựa chọn, đó là đi du học thẳng ở nước ngoài; bán du học và du học tại chỗ. Với hình thức đi du học thẳng, các em phải đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ, năng lực học tập, có tài chính, tự chọn trường, nơi ở. Trong khi đó, hình thức bán du học có nghĩa là ban đầu các em học ở Việt Nam, sau đó nhà trường sẽ làm hồ sơ chuyển tiếp cho các em sang nước ngoài. Hình thức này mang lại nhiều tiện lợi như giúp các em làm quen trước với chương trình học, giảng viên nước ngoài đồng thời tìm hiểu về môi trường học tập ở nơi mình muốn học để không bị bỡ ngỡ khi đi du học. Cuối cùng là hình thức du học tại chỗ. Hình thức này sinh viên học hoàn toàn tại Việt Nam, nhưng ra trường nhận bằng do trường đối tác nước ngoài cấp và thụ hưởng kiến thức như đi du học ở nước ngoài. “Hiện Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM đang liên kết với Trường ĐH Gloucestershire (Anh quốc) đào tạo sinh viên tại chỗ. Tức sinh viên học tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM nhưng được học chương trình của trường đối tác. Thay vì trước khi nhập học các em phải đảm bảo IELTS 6.0 thì với chương trình này, nếu các em chưa đạt được mức độ ngoại ngữ trên thì nhà trường cho nợ đến năm 3 mới nộp. Nếu các em đã đạt mức ngoại ngữ trên sẽ được miễn 1 học kỳ đầu và bước thẳng vào chương trình chính thức”, TS. Lộc cho hay.
ThS. Vũ Quang Huy (Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) hướng dẫn các em học sinh chọn cách đăng ký xét tuyển thông minh
Trước thắc mắc của học sinh Hải Đăng (lớp 12A2) về ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, ThS. Vũ Quang Huy cho biết, đây là ngành học giúp sinh viên vận hành, điều khiển các thiết bị, dây chuyền sản xuất tại các công ty, nhà máy, hỗ trợ quá trình sản xuất diễn ra nhanh, tiết kiệm thời gian, công sức. Muốn học ngành này, sinh viên phải học tốt môn toán, lý. Bên cạnh đó, các em phải có tính cẩn thận, tỉ mỉ, nhẫn nại, chịu khó và khả năng sáng tạo cao. “Hiện nay, ngoài ngành công nghệ thông tin thì nhóm ngành kỹ thuật, đặc biệt là những ngành truyền thống rất ít sinh viên theo học. Chính vì vậy, sinh viên chọn nhóm ngành kỹ thuật có tỷ lệ chọi ít, cơ hội việc làm cao. Theo thống kê, sinh viên học ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa ra trường có mức thu nhập từ 12-15 triệu đồng/tháng. Qua từng năm, kinh nghiệm của các em được nâng cao và thu nhập sẽ tăng theo năng lực. Lúc này cơ hội các em nhận lương lên đến vài chục triệu đồng/tháng là chuyện bình thường”, ThS. Huy chia sẻ.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)