Đưa ra mức siêu lãi, kiểu huy động đa cấp ponzi đang giăng lưới khắp nơi, tấn công cả các vùng quê, lôi kéo người nông dân chân lấm tay bùn vào cảnh tiền mất, nợ mang.
Nhiều người mất tiền vào sàn cho – nhận bitcoin – ẢNH: TRẦN HIẾU
Những ngày qua, TX.An Khê (Gia Lai) chấn động khi hàng trăm người mất tiền trong đường dây huy động vốn đa cấp với tên gọi sàn giao dịch fxmt4.us của “Ngân hàng cộng đồng bitcoin” đột ngột ngưng hoạt động.
Hoa mắt với lãi khủng
Nằm trong số nạn nhân, chị Nguyễn Thị Hoàng (ở TX.An Khê) đau xót kể: “Tôi nghe nhiều người rỉ tai đầu tư vào đây sinh lợi cao nên lúc đầu tôi dùng 30 triệu đồng mua 2 mã (tương đương 2 bitcoin), nửa tháng sau số lời kiếm được 5 triệu đồng. Thấy lời nhiều, tôi dồn hết 60 triệu đồng mình có, rồi vay nóng bên ngoài thêm 60 triệu đồng, tổng cộng số tiền lên đến120 triệu đồng đầu tư vào 7 mã. Ai ngờ hơn 1 tháng nay, cái sàn này biến mất. Số tiền dành dụm bao lâu nay không còn, lại thêm số tiền vay nóng 60 triệu cũng mất”.
|
Nghĩ quẫn, chị Hoàng đã nhảy xuống giếng, nhưng may người nhà phát hiện nên kịp thời cứu thoát chết. Tuy nhiên, giờ đây chị phải đối mặt với gánh nặng lãi lên tới 5%/tháng cho khoản vay nóng 60 triệu đồng nói trên. Không trả được thì lãi mẹ đẻ lãi con, nợ gốc gộp lãi khiến khoản nợ ngày càng phình to.
Hàng trăm người dân tại An Khê, trong đó có không ít những nông dân làm ruộng dính vào mạng lưới này. Theo xác minh ban đầu của Công an TX.An Khê, người dân ở đây đã tham gia mở khoảng 1.900 tài khoản, tương đương 1.900 bitcoin với số tiền khoảng 22 tỉ đồng. Sàn giao dịch fxmt4.us do Trần Thiện Lâm (trú tại 2/7 Quách Văn Tuấn, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM) đứng đầu tung ra lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng để dụ họ tham gia. Cụ thể trong 30 ngày đầu lãi suất ở mức 24%, ngày thứ 35 sẽ nhận được 24%, ngày thứ 40 tiếp tục nhận được 24%… cứ 5 ngày sẽ nhận được 24%, như vậy 6 lần trong 1 tháng sau đó sẽ nhận được 144%. Dù yêu cầu người tham gia chuyển khoản qua ngân hàng mua mã bitcoin nhưng Trần Thiện Lâm lại bắt ghi nội dung là mua gạo hoặc các hàng hóa.
Siêu lãi đó chính là “mồi câu” khiến nhiều người không có tiền cũng ào đi vay nóng bên ngoài để tham gia. Thậm chí, có tới 1/3 những người tham gia vào hệ thống này không hề biết đến internet, cũng như cách thức giao dịch mà chơi thông qua trung gian. Anh Nguyễn Thanh Bình ở H.Đăk Pơ (Gia Lai) thú thật: “Tui không biết ông chủ là ai, nghe họ nói bùi tai, nên góp 150 triệu đồng để kiếm lãi thôi”. Vậy mà có khoảng 100 người đã nghe theo Bình bỏ ra số tiền khoảng 6 tỉ đồng mua bitcoin và chuyển tiền thanh toán qua tài khoản của Trần Thiện Lâm.
Nhân bản lừa đảo
Cũng như các loại tiền ảo khác, sàn ponzi hay còn gọi là sàn cho – nhận này sập, sàn khác lại mọc lên như nấm. Nguy hiểm nhất là các đối tượng này luôn tìm cách đánh vào tầng lớp người dân có thu nhập thấp, thiếu thông tin.
Ban đầu, một sàn cho – nhận thường yêu cầu người chơi bỏ ra từ 12 – 13 triệu đồng để mua 1 bitcoin (tùy theo sự biến động giá bitcoin), lãi suất 1%/ngày. Thế nhưng, điều kiện của các sàn sau này ngày càng thấp, với lãi suất ngày càng cao để mở rộng đối tượng tham gia. Ví dụ sàn BMW chỉ “đòi” nhà đầu tư có tối thiểu 0,5 bitcoin (vào khoảng 5 – 6 triệu đồng) nhưng lãi suất 20% trong vòng 5 – 7 ngày đầu tư, lợi nhuận tháng đầu tiên là 60%, từ tháng thứ hai trở đi là 80%. Ngoài ra, người chơi còn được hưởng khoản hoa hồng cao khi mời gọi thêm người khác tham gia.
Trước đó, vào tháng 5.2015, Báo Thanh Niên đăng bài Lừa kiểu ponzi bằng huy động siêu lãi cảnh báo một nhóm người giới thiệu là nhân viên của Tập đoàn Trest Global Green (TGG) huy động vốn với lãi suất 2%/ngày, hoa hồng từ 7 – 10%… để đầu tư vào các nhà máy tái chế các lốp xe ô tô bỏ đi để cho ra các sản phẩm carbon đen, xăng dầu… ở một số nước trên thế giới. Hàng trăm người ở Hà Nội, Đà Nẵng… đã tham gia góp vốn vào TGG và đến nay không lấy lại được tiền gốc.
Đáng lo ngại là mô hình huy động vốn theo kiểu TGG đang được một số kẻ lừa đảo nhân bản. Đơn cử Công ty khoáng sản H.L hiện đưa ra 6 gói huy động tiền của các nhà đầu tư với lời quảng cáo thực hiện hàng chục dự án khai thác khoáng sản với trữ lượng lớn. Lãi suất mà công ty này trả là 2,5%/ngày trong chu kỳ đầu tư 90 ngày. 6 gói đầu tư được đưa ra từ mức thấp nhất 2.000 USD (khoảng 45 triệu đồng), cao nhất là 30.000 USD (gần 700 triệu đồng). Mức hoa hồng mà hệ thống này áp dụng cực “khủng” như hoa hồng trực tiếp từ 10 – 30% tùy theo gói lớn hay nhỏ, hoa hồng các cấp dưới (các F1 đến F10) từ 5 – 20%… Kiểu huy động này đang thu hút không ít người quan tâm và nguy cơ tiền mất nợ mang là rất lớn.
Nạn nhân trở thành đồng phạm
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cho hay tham gia vào các cuộc hội thảo về tiền ảo, huy động vốn… lãi suất cao mới thấy được sự “hài hước” và vô lý của những chiêu trò mà họ mang ra để dụ dỗ người chơi.
“Họ ví von là người chơi bỏ tiền ra mua con bò thả vào rừng, con bò này ăn cỏ và tự lớn, nhưng nếu nó gặp một con bò khác, hai con kết hợp đẻ ra con bò con. Lãi trắng 1 con bò”, ông Minh kể không nín được cười. Theo ông, chính vì bị hoa mắt bởi lợi nhuận thấp nhất là 24%/tháng nên nhiều người chấp nhận vay nóng 5%/tháng để tham gia vì theo tính toán của họ, như vậy vẫn có lời. “Họ nghĩ quá đơn giản mà thiếu đi sự phân tích. Nếu thật sự có một kênh đầu tư như vậy thì chẳng ai cần đi làm cả. Cứ ở nhà vay kênh này, đầu tư sang kênh kia kiếm chênh lệch đủ sống rồi. Nhưng ngân hàng cho vay 12%/năm mà còn gặp phải nợ xấu, nợ quá hạn thì không thể có một kênh đầu tư nào mang lãi thấp nhất 24%/tháng mà không rủi ro”, ông Minh phân tích.
Một chuyên gia tài chính lý giải thực chất những kiểu lừa đảo này lấy tiền người sau trả cho người trước. Ban đầu người chơi có thể vô tình tham gia và trở thành nạn nhân nhưng rất dễ trở thành đồng phạm lừa đảo. Để gỡ gạc lại số tiền đã bỏ ra, người chơi sẵn sàng rủ rê người khác tham gia, trong đó có cả người thân của mình. Số lượng người tham gia vì vậy tăng lên theo cấp số nhân.
Các cơ quan địa phương cần sớm cảnh báo những chiêu thức lừa đảo này để người dân tránh tham gia vào mà mất tiền.
Thanh Xuân – Trần Hiếu/TNO
Bình luận (0)